Hà Nội phát triển chăn nuôi bò thịt quy mô lớn

: Thứ năm - 17/11/2016 10:20  |  Đã xem: 1317
Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng hơn 50%. Trong đó, chăn nuôi bò thịt được coi là điểm nhấn ấn tượng trong chiến lược phát triển chăn nuôi hàng hóa, với việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng con giống và từng bước xây dựng vùng chuyên canh, phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tăng lượng và chất
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên đa dạng (vùng đồi, núi, bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng chiêm trũng), cùng thị trường tiêu thụ lớn, những năm qua TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách mang tính đột phá khuyến khích phát triển chăn nuôi, trong đó có bò sữa và bò nuôi lấy thịt. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò thịt, thành phố tập trung vào hai mũi nhọn: Quy hoạch các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư và thực hiện chương trình cải tiến nâng cao chất lượng giống bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) với các giống bò nhập ngoại chuyên thịt chất lượng cao như Brahman, BBB, Droughmaster, Angus… Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, để khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thay đổi tập quán chăn nuôi, song song với việc bình tuyển bò đực giống tốt, hỗ trợ những con bò đực giống thuần nhập ngoại hướng thịt, từ năm 2009, thành phố đã triển khai chương trình TTNT miễn phí cho bò nuôi sinh sản ở một số xã trọng điểm, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố. Bằng phương pháp TTNT, trong hơn 5 năm qua đã có hơn 107.680 con bê lai hướng thịt được ra đời, góp mặt vào đàn bò thịt ngày càng đông đảo.
Chỉ tính đến tháng 6-2016, đàn bò thịt, bò sinh sản của Hà Nội đã có gần 126 nghìn con, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước với sản lượng thịt bò đạt 5.034 tấn (tăng 0,5%); trong đó có hơn 90% là bò Zebu (lai các giống Brahman, Red Sindh, BBB, Angus…); tập trung ở ba huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ và tỷ lệ lai tạo giống bằng phương pháp TTNT đạt hơn 61,2%. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng đàn bò thịt được tăng lên, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Theo tính toán của các hộ dân, thu nhập tăng từ việc bán bò thịt là 4-6 triệu đồng/con, từ bán con giống 2,5 - 3 triệu đồng/con so với giống bò địa phương, bò lai sind. Như vậy, hằng năm thu nhập của người chăn nuôi bò trên địa bàn thành phố tăng thêm từ 80 đến 120 tỷ đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi về giống bò lai F1BBB, anh Đỗ Văn Xuất - một hộ chăn nuôi bò BBB lớn ở xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) phấn khởi cho biết, ngoài số bò nuôi được, anh còn thu gom bê lai F1 BBB sau cai sữa của bà con để “gột”, nên lúc nào trong chuồng trại của gia đình cũng có từ 15 đến 20 con. Giống bò này rất phàm ăn, dễ nuôi, có thể tận dụng cỏ voi, rơm rạ, lá ngô… làm thức ăn và chỉ cần nuôi khoảng 4 - 5 tháng tuổi đã đạt trọng lượng 150 -160kg, giá bán từ 16 đến 18 triệu đồng/con. Từ nuôi bò BBB, mỗi năm anh Xuất thu lãi 200 - 300 triệu đồng.
Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ
Với sản lượng đạt được như hiện nay, ngành chăn nuôi Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng thịt bò của người dân Thủ đô (khoảng 100 nghìn tấn/ năm). Nguyên nhân là do một số địa phương còn tập quán chăn nuôi lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiếp cận, nhận thức rõ lợi ích của việc nâng cao chất lượng giống bò. Ngoài ra, do chăn nuôi bò thịt quy mô không lớn nên chưa liên kết chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm thịt bò ổn định, chất lượng thịt bò còn thấp, chưa hình thành được vùng sản xuất giống chuyên canh tập trung. Bên cạnh đó còn chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh gay gắt của thịt bò nhập khẩu có xu hướng ngày càng tăng khi hội nhập thương mại quốc tế.
Vì vậy, để phát triển mạnh ngành chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển đàn bò thịt có quy mô từ 150 nghìn đến 155 nghìn con, sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 8.000 tấn, tăng số lượng đàn bò thịt khoảng 3% ở vùng trọng điểm. Để tăng nhanh đàn bò, bên cạnh việc tăng tỷ lệ TTNT lên 70% vào năm 2017 và đạt 80% vào năm 2020, TP Hà Nội sẽ xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống bò thịt gồm Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Mỹ Đức và Chương Mỹ; các vùng chuyên canh sản xuất bò thịt thương phẩm ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm và Phúc Thọ và phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô từ 100 con trở lên.
Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với việc quy hoạch phát triển 19 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt ngoài khu dân cư, tạo dựng được nền tảng căn bản cho phát triển chăn nuôi hàng hóa, ngành chăn nuôi Thủ đô cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi; đồng thời, tiếp tục cải tiến năng suất, chất lượng đàn bò qua phương pháp TTNT bằng tinh giống bò cao sản nhập ngoại chất lượng cao; tăng cường nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường nhằm định hướng quá trình sản xuất, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các vùng chăn nuôi; xây dựng được chuỗi: chăn nuôi - thu mua - giết mổ - phân phối và xây dựng thương hiệu bò thịt của Hà Nội.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân (thông qua tổ chức đại diện là hợp tác xã, tổ hợp tác,…) với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò giống, bò thịt. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố, là đầu mối tiêu thụ bò giống, bò thịt, cỏ và các loại cây thức ăn cho chăn nuôi bò, có như vậy mới nâng cao được giá trị của ngành chăn nuôi bò thịt Thủ đô.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây