Làm giàu trên vùng kinh tế mới

: Thứ sáu - 04/11/2016 10:20  |  Đã xem: 1320
Với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt kết hợp trồng cây lâu năm, gia đình ông Đào Duy Thanh - thôn Đá Chông, xã miền núi Minh Quang là một minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên trong số nhiều nông dân điển hình ở huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.

Thực hiện chủ trương về phát triển vùng kinh tế mới, năm 1991, ông Thanh cùng gia đình đã lên khu vực miền núi Đá Chông, xã Minh Quang để phát triển kinh tế hộ gia đình. Những năm đầu mới lên, vùng kinh tế còn hoang sơ, nhà cách nhà đến vài ki lô mét, đường sá đi lại khó khăn toàn dốc với đá tai mèo, đất khó canh tác vì xen kẽ đất là đá tảng. Nhiều người nản chí nhưng ông Thanh đã cùng gia đình cần mẫn cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phù hợp với vùng đất này. Có trong tay diện tích đất rộng khoảng 3,5ha, nhưng lại thiếu vốn đầu tư sản xuất, ông Thanh đã thực hiện “lấy ngắn nuôi dài” để biến ước mơ xây dựng mô hình kinh tế trang trại của mình thành hiện thực. Những năm đầu, gia đình ông tập trung trồng tre, bương để lấy măng bán và mở rộng diện tích trồng cây lâu năm. Đến năm 2001, gom góp tiền ông Thanh đã tự tay xây chuồng, mua được 2 con lợn giống về nuôi và bắt đầu với nghề nuôi lợn từ đây.
“Tích tiểu thành đại”, chịu khó học hỏi, tuân thủ đúng các kỹ thuật trong chăn nuôi lợn, đến nay ông Thanh đã có trang trại lợn với quy mô 4 chuồng lợn thịt nuôi thường xuyên 250 con và 2 chuồng lợn nái 80 con. Lúc cao điểm, đàn lợn lên tới 400 lợn thịt. Mô hình trang trại được xây dựng, quản lý một cách khoa học, bảo đảm môi trường luôn được giữ vệ sinh. Con giống do trang trại tự cung cấp nên chất lượng vật nuôi luôn đảm bảo. Vài năm trở lại đây, trước tình hình diễn biến dịch bệnh, không ít hộ nông dân bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, giá bán lợn bấp bênh, giá thức ăn cho lợn leo thang thì gia đình ông Thanh vẫn kiên trì, duy trì ổn định mô hình chăn nuôi lợn. Mỗi năm, đàn lợn cho gia đình ông lãi khoảng 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Thanh còn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chữa bệnh cho đàn lợn của bà con, hội viên, nông dân trong xã. Nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn, được ông Thanh sẵn sàng cho mua lợn giống chịu để bà con có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Với mong muốn gây dựng phong trào chăn nuôi ở địa phương giúp nhiều người làm giàu từ nghề chăn nuôi, ông Thanh cùng 12 thành viên khác đã liên kết và thành lập được Hội nghề nghiệp, được mọi người tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội. Tuy mới thành lập được hơn một năm, hoạt động của Hội đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ của nhiều hộ sang sản xuất có quy mô lớn, duy trì hơn 100 lợn thịt/hộ, tuân thủ quy trình nuôi bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Ham học hỏi, thực hiện đúng nguyên tắc trong chăn nuôi, trang trại lợn của ông Đào Văn Thanh, thôn Đá Chông, xã Minh Quang đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Với sự tận tình giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ chăn nuôi cùng phát triển, ông Thanh đã được chính quyền xã Minh Quang ghi nhận có nhiều đóng góp trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương và được UBND huyện trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2016.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây