Phân bón dư thừa đang "đầu độc" đất.

: Thứ sáu - 16/12/2016 10:20  |  Đã xem: 1376
Thủ phạm “đầu độc” đất ngoài lượng tồn dư kim loại nặng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì việc bón phân mất cân đối khiến đất bị thoái hóa cả về mặt vật lý, hóa học và sinh học.

“Chỉ trong vòng 20 năm qua, lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp ở nước ta đã tăng gấp 4 – 5 lần. Việc bón phân mất cân đối không chỉ gây ra sự lãng phí tiền bạc, công sức mà còn khiến đất thoái hóa nghiêm trọng”, chia sẻ của TS Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

TS Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

Cuối năm 2015, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Hội Khoa học Đất Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo với chủ đề “Đất Việt Nam – Hiện trạng và Thách thức”.

Tại sự kiện này, hầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận, đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang bị suy thoái và ô nhiễm. Thủ phạm “đầu độc” đất ngoài lượng tồn dư kim loại nặng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì việc bón phân mất cân đối khiến đất bị thoái hóa cả về mặt vật lý, hóa học và sinh học.

Vậy có bằng chứng cụ thể hay không? Rất tiếc, đến thời điểm này, giới khoa học vẫn chưa chỉ ra được những bằng chứng này. Bởi theo TS Hải: “Đã từ lâu chúng ta thiếu những đề tài nghiên cứu cơ bản và mang tính hệ thống về ô nhiễm đất”.

Tuy nhiên, có thể lý giải từ những quan sát khác. Việc lạm dụng phân bón hóa học ngày càng tăng. Trung bình thế giới mỗi người có khoảng 1,2 ha đất sản xuất nông nghiệp trong khi ở nước ta chỉ có trung bình khoảng 0,1 ha/người.

Do áp lực dân số của nước ta quá lớn, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng buộc sản xuất nông nghiệp phải tìm cách nâng cao sản lượng. Việc đưa giống mới ngắn ngày, tiềm năng năng suất cao, thâm canh tăng vụ đòi hỏi bổ sung nguồn dinh dưỡng trong đất rất lớn.

“Cách đây khoảng 20 năm, trung bình 1 ha đất canh tác nông nghiệp, người dân bón khoảng 104 kg phân bón các loại. Vài năm gần đây, đã tăng lên khoảng 680 kg phân bón”, TS Hải nói.

Theo tính toán của Trung Quốc, phân bón quyết định năng suất cây trồng khoảng 40%; giống là 30%, thuốc bảo vệ thực vật 20% và cơ giới hóa 10%. Do đóng góp của phân bón vào việc tăng năng suất là rất rõ nét nên nông dân có xu hướng bón phân ngày càng nhiều. Nhưng nếu cứ bón phân vô tội vạ, không phù hợp với nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng thì sẽ gây hậu quả khôn lường.

TS Hải cho biết: Hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam đang rất thấp. Trung bình, cây trồng chỉ hấp thu được khoảng 50% lượng đạm, 30% lân và 60% kali so với lượng phân được bón. Số còn lại bị thất thoát ra môi trường bằng nhiều con đường khác nhau, gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, lượng phân hữu cơ sử dụng ngày càng ít đi. Phân bón hóa học chiếm thế thượng phong. Nếu bón phân hóa học quá nhiều sẽ làm cho đất trở nên chai cứng, độ thoáng khí giảm, khả năng giữ nước kém… Đất dần dần bị thoái hóa về mặt vật lý.

Hệ lụy là các vi sinh vật hảo khí (ưa khí), hầu hết là vi sinh vật có ích, bắt đầu suy giảm dần. Trong khi đó vi sinh vật có hại (ưa sống trong môi trường yếm khí) ngày càng phát triển và gây hại cho cây trồng. Nguy cơ cây trồng bị nhiễm bệnh sẽ tăng cao. Nguy cơ đất bị thoái hóa về mặt sinh học là tất yếu.

Bón nhiều phân hóa học cũng làm cho hệ hấp thu của đất bị phá hủy, đất bị trơ về mặt hóa học, khả năng giữ phân bón lại trong đất để cung cấp từ từ theo nhu cầu của cây trồng bị suy giảm.

Nếu khảo sát ở những vùng trồng cà phê, hồ tiêu tập trung tại khu vực Tây Nguyên sẽ thấy, rất nhiều nông dân bón hàng ngàn kg phân bón/ha, chủ yếu là phân vô cơ. Đấy là những đối tượng cây trồng có giá trị cao và người dân không tiếc tiền đổ các loại phân bón vào. Thậm chí, cả thuốc bảo vệ thực vật nữa, cứ có bệnh là phun, không có bệnh cũng phun phòng trừ.

Khi đất bị chai lì, bộ rễ kém phát triển, khả năng hấp thu dưỡng chất thấp và vi khuẩn có hại gia tăng lên thì sâu bệnh sẽ phát sinh (điển hình như bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu). Bởi đất và cây có quan hệ nhân quả.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây