Chăn nuôi quy mô trang trại: Ô nhiễm ngày càng gia tăng

: Thứ hai - 09/10/2017 09:02  |  Đã xem: 1821
Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, các trang trại chăn nuôi đã sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh và thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng các hầm biogas quy mô lớn đang cho thấy nhiều bất cập, hạn chế.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển mạnh theo xu hướng tăng cường thâm canh trong các hệ thống chăn nuôi và chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi lớn hơn, từ những khu vực đông dân cư đến những khu chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư. Số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ giảm đi rõ rệt và các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngày càng nhiều hơn.

Cùng với xu hướng đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân sinh sống trong khu vực quanh trang trại cũng như các cấp chính quyền địa phương.

Mặc dù các trang trại chăn nuôi đều có áp dụng các giải pháp xử lý môi trường (phổ biến là xây lắp các công trình biogas quy mô lớn), song ô nhiễm vẫn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước.

lcaspb 1507261209
Các trang trại chăn nuôi đã sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh và thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường
 

Qua nghiên cứu của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi nghiêm trọng ở nông thôn hiện nay đã được xác định là do các trang trại chăn nuôi lợn đã sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát lợn dẫn đến phân lợn lỏng không thể thu gom, chỉ còn cách xả thải trực tiếp ra nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm biogas.

Tại Hội thảo “Đánh giá công nghệ xử lý chất thải Quy mô trang trại” do Cục chăn nuôi phối hợp với Ban quản lý các dự án Nông nghiệp tổ chức, Lcasp đã chỉ ra những hạn chế của việc sử dụng các hầm biogas quy mô lớn tại các trang trại chăn nuôi và đưa ra giải pháp đổi mới toàn diện trong quản lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại.

Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 theo quyết định số 932/QĐ-BNN-KHCN, ngày 24/03/2017 của Bộ NN&PTNT.

 

lcaspa 1507261208
Hội thảo “Đánh giá công nghệ xử lý chất thải Quy mô trang trại” 

Ông Nguyễn Thế Hinh - Giám đốc dự án LCASP đã chỉ rõ: “Việc vận hành bảo dưỡng và sửa chữa các hầm biogas quy mô lớn gây tốn kém chi phí cho chủ trang trại trong khi lợi ích thu về từ sử dụng các sản phẩm của hầm biogas (khí ga, phụ phẩm) là không đang kể. Do vậy, các chủ trang trại thường đối phó một cách hình thức với các cấp chính quyền địa phương để được phép chăn nuôi và không quan tâm vận hành các công trình biogas đúng cách. Mặt khác, công trình biogas có dung tích và công suất xử lý môi trường cố định trong khi quy mô chăn nuôi của chủ trang trại thường xuyên thay đổi”.

“Một số hạn chế cơ bản của các hầm biogas là nếu xây hầm biogas có dung tích vừa đủ so với nhu cầu sử dụng khí gas thì sẽ bị quá tải khi tăng quy mô chăn nuôi và ngược lại, nếu xây hầm biogas có dung tích lớn thì sẽ bị thừa khí ga gây ô nhiễm không khí.” – Ông Hinh cho hay.

Xuất phát từ tực tế ngành chăn nuôi Dự án LCASP đã đề xuất và triển khai thử nghiệm mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại.

Theo đó, cần áp dụng quy trình chăn nuôi giúp giảm bớt lượng nước sử dụng để vệ sinh và làm mát lợn; lắp đặt hệ thống máy ép phân và các bể lắng nhằm tách bớt phần chất thải rắn ra khỏi nước thải chăn nuôi; xây lắp bể ủ phân compost tại các trang trại chăn nuôi để sử dụng chất thải rắn sản xuất nguyên liệu phân bón hữu cơ; xây lắp hầm biogas có dung tích vừa đủ với nhu cầu sử dụng khí gas (để đun nấu, phát điện, sấy phân,...); nước thải chăn nuôi, nước thải sau bioga được đưa đến bể lắng và bể hòa loãng để sử dụng bơm tưới vườn hoặc sử dụng ống dẫn tưới các trang trại trồng trọt ở khu vực lân cận.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo nhiều công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến đã được giới thiệu: Công nghệ xử lý nước ngập mặt nhân tạo, Công nghệ ép tách phân bằng trục vít, Công nghệ ép tách phân bằng băng tải.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và triển khai các mô hình thử nghiệm, dự án LCASP đã đưa ra các cơ sở khoa học nhằm kiến nghị các cấp chính quyền không khuyến cáo các trang trại chăn nuôi xây lắp các hầm biogas quy mô lớn trong bối cảnh không thể sử dụng hết khí gas cho các hoạt động đun nấu, phát điện,... như hiện nay.

LCASP kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng các giải pháp đồng bộ và toàn diện trong quan lý chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra theo LCASP, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ nghiên cứu nhằm hình thành chuỗi giá trị sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và hoàn thiện công nghệ sử dụng nước thải chăn nuôi, nước thải sau biogas để tưới cho các cây trồng khác nhau nhằm giảm thiểu lượng nước thải chăn nuôi xả thải xuống nguồn nước.

 
http://thuonghieucongluan.com.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây