Hiệu quả mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ

: Thứ sáu - 23/10/2015 10:20  |  Đã xem: 1420
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ phục vụ sản xuất một số cây trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long” với việc sử dụng các chế phẩm sinh học Compost Maker; Trichoderma nhằm xử lý lượng rơm rạ lót gốc hoặc phủ trên bề mặt vừa hạn chế được phần lớn hiện tượng đốt đồng hiện nay; vừa phục hồi được đ

Sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng. Một trong những biện pháp hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp sạch là ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học có tác động xấu đến môi trường.

Rơm rạ là nguồn dinh dưỡng quý cho cây trồng, trung bình một tấn lúa cho ra 1,0 tấn rơm rạ khô. Hàng năm lượng rơm rạ tích lũy do nghề trồng lúa ước tính lên đến 50 triệu tấn. Trước đây, nông dân sử dụng toàn bộ rơm rạ làm chất đốt, làm thức ăn cho gia súc và một phần nhỏ làm phân bón. Hiện nay, sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, người dân không sử dụng rơm rạ như trước nữa, khoảng 60% khối lượng rơm rạ bị đốt ngay sau khi thu hoạch, 35% được vùi tươi tại chỗ, 5% được sử dụng làm chất đốt, làm thức ăn gia súc, làm phân bón và trồng nấm. Rơm rạ bị đốt cháy vừa lãng phí nguồn năng lượng lớn, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Rơm rạ được vùi lại trong đất không những không phát huy tác dụng tốt mà còn ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây lúa trong vụ tiếp sau đó do thời gian đất nghỉ giữa hai vụ lúa là rất ngắn, chỉ khoảng từ 7 - 20 ngày tùy theo mỗi vùng sinh thái. Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây mà trái lại, sự phân hủy hữu cơ không triệt để còn làm cho cây lúa non bị ngộ độc sau khi cấy hoặc sạ. Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi, thường sinh trưởng kém, dễ mắc bệnh vàng lá sinh lý. Nếu người dân không có biện pháp khắc phục hiện tượng nêu trên thì năng suất lúa sẽ bị giảm mạnh.

Để giúp người dân tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã nghiên cứu và chế tạo thành công chế phẩm Compost Maker; Trichoderma, là chế phẩm vi sinh ứng dụng trong phân hủy chất hữu cơ tại chỗ, chế phẩm này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép áp dụng trong sản xuất theo Quyết định số 2421/QĐ/BNN-KHCN ngày 17/8/2004. Compost Maker thích hợp nhất cho xử lý trong điều kiện không ngập nước. Trichoderma sp. thích hợp với xử lý trong điều kiện ngập nước.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ phục vụ sản xuất một số cây trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long” với việc sử dụng các chế phẩm sinh học Compost Maker; Trichoderma được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt nhằm xử lý lượng rơm rạ lót gốc hoặc phủ trên bề mặt vừa hạn chế được phần lớn hiện tượng đốt đồng hiện nay; vừa phục hồi được độ phì nhiêu của đất, thay thế được nguồn phân chuồng bị thiếu hụt, giảm thiểu lượng phân khoáng sử dụng, tăng chất lượng nông sản, hướng tưới một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Năm 2013 là năm đầu tiên Dự án được triển khai và được thực hiện ở 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kiên Giang, Cần Thơ. Mỗi tỉnh triển khai 2 điểm trình diễn mô hình, mỗi điểm trình diễn 10 ha (tổng quy mô: 180 ha). Năm 2014, dự án đã mở rộng 12 tỉnh, số mô hình đã tăng lên là 18 mô hình với quy mô 360 ha.

Qua kết quả tổng kết đánh giá mô hình xử lý rơm rạ tại các điểm trình diễn ở các địa phương, các cán bộ khuyến nông và các hộ tham gia đều đánh giá mô hình có hiệu quả rất tốt. Cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao. Trên các thửa ruộng lúa có xử lý rơm rạ, năng suất các loại cây trồng đều tăng so với canh tác của người dân (không xử lý chế phẩm). Năng suất thu hoạch lúa ở vùng đồng bằng sông Hồng tăng trung bình 10,17% (trong đó năng suất lúa ở Hải Dương và Bắc Ninh tăng cao nhất đạt trên 25%); ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng trung bình 12,64%. Năng suất đậu tương đông tăng 15,1% (trong đó Hà Nội là cao nhất 23,2%). Năng suất mô hình lạc tăng 16,3%, năng suất khoai tây đông tăng 14,8%.

Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, làm nguồn phân bón cho đất cho lợi nhuận gần 1,7 triệu/ha ở vùng đồng bằng sông Hồng, gần 2,0 triệu/ha ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (đối với trồng lúa); Cây đậu tương cho lợi nhuận 5,7 triệu đồng/ha, cây lạc cho lợi nhuận 6,54 triệu đồng/ha ở đồng bằng sông Hồng và 2,94 triệu đồng/ha ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quy trình xử lý rơm rạ tại chỗ sau thu hoạch bằng chế phẩm Trichoderma sp. đơn giản, dễ thực hiện, không tăng công lao động, chi phí mua chế phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất lúa hiện nay nên được nông dân tại các địa phương nhiệt tình ứng dụng. Diện tích được xử lý rơm rạ tại chỗ sau thu hoạch bằng chế phẩm Trichoderma sp. năm 2014 tại Hải Phòng 700 ha, Nam Định 120 ha, Thái Bình 100 ha. Diện tích được xử lý rơm rạ tại chỗ sau thu hoạch bằng chế phẩm Trichoderma sp. năm 2015 tại Hải Phòng 4.000 ha, Thái Bình 500 ha, Nam Định 300 ha.

Liều lượng chế phẩm Trichoderma sp. sử dụng cho một hécta trồng lúa là 4 kg. Người sử dụng chế phẩm có thể phun trực tiếp lên rơm rạ tại ruộng hoặc rải vào ruộng trước khi bừa lấp rơm rạ, hoặc trộn với phân bón lót cho lúa tùy theo điều kiện và tập quán canh tác lúa ở mỗi địa phương. 

Rõ ràng, từ thực tiễn thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Trichoderma sp. xử lý rơm rạ tại chỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thấy các dự án khuyến nông trung ương có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần sản xuất bền vững, an toàn sản phẩm và hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây