Người dân tộc thiểu số thực hành nông nghiệp các bon thấp theo chuỗi hiệu quả

: Thứ hai - 28/01/2019 10:13  |  Đã xem: 1203
Đoàn đánh giá của chúng tôi có cơ hội được cán bộ dự án LCASP tỉnh Sơn La dẫn tới điều tra đánh giá tác động của công tác đào tạo của dự án về quản lý chất thải chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp các bon thấp của vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La. Chỉ cách biên giới Việt –Lào vài cây số, đồng bào các dân tộc của tỉnh Sơn La đã và đang phát triển kinh tế đa dạng, không chỉ có trồng trọt mà còn gia tăng chăn nuôi, nhất là nuôi bò. Tới thăm gia đình anh Tráng Vả Đế, người dân tộc Mông, làm trưởng bản, chúng tôi thấy sự đổi thay của một mô hình kinh tế thực hiện quản lý chất thải chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Mở đầu

Một trong những mục tiêu chính của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) là tăng cường ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp; sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo và phân bón hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; nhân rộng các mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp nhằm giảm phát thải nhà kính, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo. Chính vì thế, các hợp phần của dự án đều có các chỉ tiêu về người DTTS và Giới. Trong 5 năm qua, từ ban quản lý dự án LCASP Trung ương đến ban quản lý dự án LCASP của 10 tỉnh, nhất là các tỉnh có người DTTS, các hoạt động luôn lồng ghép các chỉ tiêu trên và đều đã đạt được kế hoạch đề ra (điều này đã được thể hiện về số lượng và chất lượng, về sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người DTTS). Họ đã biết quản lý và sử dụng chất thải chăn nuôi hiệu quả theo chuỗi, giải quyết một phần vấn nạn gây ô nhiễm môi trường.

2. Người dân tộc thiểu số thực hành nông nghiệp các bon thấp theo chuỗi hiệu quả nhìn từ hộ gia đình anh Tráng Vả Đế người Mông của xã Lóong Sập, Mộc Châu, Sơn La.

Đoàn đánh giá của chúng tôi có cơ hội được cán bộ dự án LCASP tỉnh Sơn La dẫn tới điều tra đánh giá tác động của công tác đào tạo của dự án về quản lý chất thải chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp các bon thấp của vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La. Chỉ cách biên giới Việt –Lào vài cây số, đồng bào các dân tộc của tỉnh Sơn La đã và đang phát triển kinh tế đa dạng, không chỉ có trồng trọt mà còn gia tăng chăn nuôi, nhất là nuôi bò. Tới thăm gia đình anh Tráng Vả Đế, người dân tộc Mông, làm trưởng bản, chúng tôi thấy sự đổi thay của một mô hình kinh tế thực hiện quản lý chất thải chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Nhà sàn 5 gian chứa đầy các bao lúa, ngô... bên ngoài chuồng nuôi 12 con lợn, tất cả chất thải đã được thu gom vào hầm khí sinh học, phục vụ đun nấu đủ cho gia đình, đã giảm tiền mua chất đốt, đặc biệt là giảm 10 công/tháng chặt củi trên rừng.

Anh cho biết, ngoài lán trại gia đình anh nuôi 9 con bò, trồng 1ha ngô, 1,5ha mận, lúa 3000 m2, 2000 m2 dong giềng và gần đây còn trồng 500 gốc chanh leo, một loại cây ăn quả đang được thu mua với giá cao, chỉ cần vài trăm gốc chanh cũng thu được vài chục triệu đồng mỗi năm, có nhà thu được cả trăm triệu. Trong bản, hầu như nhà nào trong xã cũng nuôi vài ba con trâu, bò làm sức kéo. Trước đây, bà con thôn bản để phân vật nuôi bừa bãi khắp ngoài đường, ngõ xóm, cứ mỗi trận mưa, nhất là vào đầu mùa xuân, đường trơn nhầy nhụa lẫn với phân và nước thải của vật nuôi, cả thôn bản hôi thối, bệnh dịch trên vật nuôi và người phát triển nhanh, nhất là bệnh loét kẽ chân. Nhưng sau khi được dự án LCASP đào tạo về quản lý chất thải chăn nuôi, người dân đã biết cách thu gom phân, cho vào lán có mái che, cho men hoặc để khô vài tháng là hết mùi và đem bón cho cây. Anh cho biết, nhờ biết cách thu gom phân vật nuôi, tự sản xuất phân hữu cơ, nên đã giảm được 50% lượng phân bón hóa học cho ngô, 70%  cho cây chanh leo, sau khi trừ đi chi phí còn lãi 17-18 triệu đồng tiền ngô, từ 70-80 triệu đồng tiền chanh leo... có đủ lương thực cho gia đình. Trong thôn bản, gia đình nào tham gia lớp học sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ phế thải chăn nuôi thì đều giảm được rất nhiều tiền mua phân bón hóa học, đặc biệt hộ nào sử dụng phân hữu cơ cho chanh leo như nhà anh thì chanh leo quả to tròn, cây khỏe và không bị sâu bệnh. Giảm được tiền mua phân hóa học, thuốc trừ sâu và thương lái lại thích mua các vườn chanh leo sử dụng phân bón hữu cơ nên càng dễ bán.

Thấy lợi ích từ việc thu gom, ủ làm phân bón cho cây trồng, nhà nhà của xã Loong Sập đã làm theo. đường làng sạch sẽ, nhà nhà tăng thêm thu nhập, ai cũng phấn khởi. Anh hồ hởi kể chuyện chăn nuôi kết hợp với trồng trọt trong cái giá lạnh của mùa đông, đoàn công tác chẳng ai muốn về, còn muốn anh kể nhiều hơn nữa.

Đường về Mộc Châu đi ngoằn nghèo, lưng chừng núi hai bên đường, san sát những vườn chanh leo xanh mướt, xen lẫn với rừng cải nở hoa trắng xóa, cùng những gốc đào già lác đác nở bông, chúng tôi chợt nhận ra mùa xuân đang tới gần, bà con các dân tộc thiểu số Sơn La sát vùng biên giới với nước bạn Lào giờ đây đã không chỉ giảm nghèo, mà còn có của ăn của để. Được kết quả đó, anh trưởng thôn nhắc tới nhiều công sức giúp đỡ của các kỹ thuật viên dự án LCASP, những người đã giúp họ biết cách sử dụng chất thải chăn nuôi, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con mà còn giữ sạch bản làng, bảo vệ môi trường sống. Anh cứ nhắc đi nhắc lại một câu “Cảm ơn nhiều”.
 

PGS.TS Phạm Thị Vượng - Tư vấn LIC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây