Nuôi giun quế bằng chất thải của lợn

: Thứ sáu - 11/10/2019 09:07  |  Đã xem: 1046
Lâu nay, người dân chủ yếu nuôi giun quế bằng nguồn phân trâu, bò mà quên đi một nguồn thức ăn khác - đó là phân lợn.
Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, nuôi giun quế bằng phân lợn giúp giun sinh trưởng nhanh, tăng hiệu quả kinh tế.
09 28 22 nh 1
Anh Trinh cho giun ăn phân lợn.
 

Gia đình anh Nguyễn Văn Trinh (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang tận dụng nguồn chất thải từ trang trại lợn để nuôi giun. Bước đầu, mô hình vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Năm 2014, anh Trinh bắt đầu chăn nuôi lợn với quy mô hơn 2.400 con lợn thịt. Trung bình, mỗi tháng đàn lợn thải ra ngoài khoảng 3 tấn chất thải. Vào những lúc chăn nuôi cao điểm, chất thải tăng vọt lên nhanh chóng khiến hầm biogas không xử lý kịp.

Để môi trường nuôi và môi trường sống khu vực trang trại luôn sạch sẽ, không ô nhiễm, gia đình anh đã xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp sử dụng máy ép phân tươi thành phân hữu cơ. Nhờ giải pháp này mà chất thải từ lợn được xử lý triệt để, không tràn ra ngoài môi trường.

Song, với kinh nghiệm gần 10 năm chăn nuôi lợn, nhận thấy phân lợn chứa rất nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là rất nhiều đạm và khoáng, rất thích hợp cho giun quế nên anh Trinh đã quyết định tận dụng nguồn phân lợn sẵn có để nuôi giun quế giống Ấn Độ.

Anh Trinh cho biết: “Trong phân lợn có chứa chất dinh dưỡng, đạm, rất tốt cho giun quế phát triển và sinh sản. Tận dụng được nguồn phân lợn sẵn có tại trang trại, không phải mất chi phí mua phân trâu, bò để nuôi giun, qua đó nhằm giảm thiểu ô nhiễm, xử lý được chất thải, hạn chế việc quá tải hầm biogas cho trang trại. Từ đó, gia đình tôi quyết định nuôi thêm giun quế bằng phân lợn tươi”.

09 28 22 nh 2
Kiểm tra mật độ giun sinh sống.
 

Theo anh Trinh, nuôi giun quế Ấn Độ bằng phân lợn tươi không đòi hỏi quá nhiều thời gian, kỹ thuật chăn nuôi không cầu kỳ. Phân lợn chỉ cần xử lý qua mật mía, sau đó trộn với men vi sinh để phân hủy. Sau 2 - 3 ngày cho giun ăn trực tiếp. Với diện tích 200m2, chia làm 2 dãy nuôi, gia đình anh chỉ cho giun ăn hết khoảng 1 tấn phân lợn/lần.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn, anh Trinh vui mừng nói, giun sinh trưởng nhanh, chỉ 1,5 tháng là cho thu hoạch; sức đề kháng tốt, giá bán đắt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi bằng nguồn phân trâu, bò do giảm được chi phí thức ăn và chất nền sử dụng.

Nhờ mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn đã giúp trang trại cải thiện được môi trường sống. Phân giun có chất lượng cao, được xử lý làm phân bón hữu cơ phục vụ cho việc bón cây trồng trong vườn, tiết kiệm cho gia đình một khoản chi phí mua phân hóa học và có thêm thu nhập từ bán phân giun cho người dân.

Chỉ tay vào dãy chuồng đang nuôi giun quế, anh Trinh bảo, toàn bộ giun thương phẩm, gia đình phục vụ cho ngan, gà, vịt và lợn ăn. Bởi trong giun có độ đạm cao, rất tốt cho chăn nuôi. Lợn ăn giun quế cho chất lượng thịt rất thơm ngon và sản lượng lợn khi xuất chuồng cũng đạt rất cao, lại giúp lợn tăng sức đề kháng, giảm bệnh tật.

“Với tình hình chăn nuôi lợn như hiện nay, thì mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn đã giúp gia đình có thêm được thu nhập từ bán giun giống, phân giun, gỡ gạc được một khoản chi phí khi giá lợn đang xuống dốc”, anh Trinh thổ lộ.

09 28 22 nh 3
Nuôi giun quế bằng phân lợn giúp giun sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt.
 

Trong thời gian tới, anh Trinh sẽ mở rộng mô hình và tìm hiểu, nghiên cứu cách chiết xuất dung dịch giun phục vụ cho thủy sản.

Còn chị Ngô Thị Xuân (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu) chia sẻ, nhờ mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn, mà toàn bộ chất thải từ trang trại đã được gia đình tận dụng triệt để làm nguồn thức ăn cho giun, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, không ruồi muỗi nên lợn ít bị bệnh; tiết kiệm chi phí và thời gian dọn dẹp.

“Nuôi giun quế bằng phân lợn góp phần giảm lượng chất thải vào môi trường và cải thiện chất lượng đất trồng trọt”, chị Xuân khẳng định.

“Mô hình nuôi giun quế bằng phân lợn là một trong những giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi rất tốt. Không những, giảm tải cho hầm biogas mà còn mang lại kinh tế cho gia đình từ việc bán phân giun…”, ông Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên Dự án LCASP tỉnh Nam Định đánh giá.

https://nongnghiep.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây