Phú Thọ - Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp: Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững

: Thứ hai - 31/10/2016 10:20  |  Đã xem: 1557
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (tiếng Anh: Low carbon agricultural support Project, viết tắt là LCASP) do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2013 đến năm 2018 tại 10 tỉnh, trong đó có tỉnh ta với mục tiêu là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tạo nguồn năng lượng s

Các kỹ thuật viên kiểm tra các công trình thuộc Dự án.

Dự án LCASP có 4 hợp phần gồm: Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; chuyển giao công nghệ sản xuất các bon thấp; quản lý dự án. Từ năm 2013 đên tháng 5 năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Phú Thọ chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án. Từ tháng 5 năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án. Ban quản lý dự án của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đảm bảo mục tiêu của dự án. Công tác thông tin tuyên truyền đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đã giúp chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân biết và quan tâm đến dự án, thay đổi tư duy nhận thức về năng lượng sạch, năng lượng hóa thạch và có định hướng phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. BQL dự án đã hướng dẫn người dân đăng ký và hoàn thành các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ xây lắp công trình khí sinh học (KSH) nên việc triển khai dự án thuận lợi và đạt hiệu quả. Đến 31-8, Dự án LCASP đã đào tạo cho 69 kỹ thuật viên và 42 thợ xây tham gia dự án; tổ chức 370 lớp tập huấn vận hành công trình khí sinh học cho 6.558 lượt nông dân tham gia. Việc tập huấn cho các hộ xây lắp công trình biogas được dự án đặc biệt lưu tâm và thực hiện nghiêm túc. 100% hộ dân đều được tập huấn và biết cách sử dụng, phòng chống cháy nổ, ngạt khí gas. Trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào cháy nổ hoặc bị ngạt do sử dụng công trình biogas. BQL Dự án cũng đã tổ chức 20 lớp tập huấn ủ phân compos từ phụ phẩm trong nông nghiệp cho 845 hộ dân tham gia. Qua hỗ trợ của Dự án đã xây dựng được 6.530 công trình KSH cỡ nhỏ, 4 công trình KSH cỡ vừa; đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho 4.452 công trình cỡ nhỏ; triển khai xây dựng 13 mô hình tách phân cho các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Riêng năm 2016, đã xây dựng được 2.268 công trình KSH thuộc Dự án LCASP. Tỉnh ta có số công trình KSH được xây dựng/lắp đặt cao nhất trong số 10 tỉnh tham gia dự án.


Thực tế cho thấy, thực hiện Dự án LCASP đã giúp các địa phương quản lý tốt chất thải, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Các công trình KSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí quan trọng như: Môi trường, thu nhập, hộ nghèo… trong xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả kinh tế từ dự án đem lại là rất lớn. Theo tính toán của BQL dự án, 1 hộ dân sử dụng khí ga từ 1 công trình KSH thay thế gas công nghiệp, củi, than và điện thắp sáng sẽ tiết kiệm được 100 nghìn đồng/tháng (tương đương 1,2 triệu đồng/công trình/năm). Với số lượng công trình của dự án như hiện nay thì mỗi năm người dân sẽ tiết kiệm được 7,8 tỷ đồng. Ngoài ra, vấn đề môi trường được giải quyết sẽ hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe con người, giảm chi phí khám, chữa bệnh.

Ông Đặng Văn Khiêm ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập phấn khởi nói: “Trước đây chưa có hầm biogas gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vì sợ chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Từ khi xây dựng hầm biogas gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 25 lợn nái ngoại, 2 lợn nái rừng, trong chuồng thường có hơn 100 con lợn các loại. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng. Có hầm biogas không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, phát triển chăn nuôi quy mô lớn mà còn tiết kiệm chi phí vì gia đình tôi dùng gas từ biogas không phải dùng gas công nghiệp, than củi… và tiết kiệm được tiền điện nữa”.

Thấy được hiệu quả từ công trình khí sinh học, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tự học tập và làm theo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 27 nghìn công trình KSH, trong đó dự án LCASP đã xây dựng được trên 6.000 công trình, dự án QSEAP xây dựng được 3.300 công trình, dự án NSV xây dựng được 2.800 công trình, người dân tự xây và các công trình khác khoảng 15.000 công trình. Nhờ có công trình KSH, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 200 nghìn hộ chăn nuôi, tổng đàn hiện nay khoảng 820 nghìn con lợn, 11 triệu con gia cầm, 170 nghìn con trâu, bò; trong đó có 3.000 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại.

Dự báo trong thời gian tới, chăn nuôi là lĩnh vực được quan tâm phát triển cả về quy mô và số lượng nên áp lực về môi trường ngày càng gia tăng. Qua khảo sát, nhu cầu dự kiến đến hết năm 2018 trong khuôn khổ Dự án trên địa bàn tỉnh xây dựng khoảng 15.000 công trình cỡ nhỏ, 20 công trình cỡ vừa trong dự án và các mô hình ủ phân compos và tách phân. BQL Dự án tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp để các hoạt động của Dự án phát huy hiệu quả góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới”.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây