Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học

: Thứ năm - 07/07/2016 23:20  |  Đã xem: 1338
(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn đã lựa chọn nhiều giải pháp nhằm phát triển các hình thức chăn nuôi theo hướng bền vững. Biện pháp sử dụng công nghệ khí sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường đang được các hộ chăn nuôi lựa chọn như một giải pháp tối ưu.

Gia đình chị Bùi Thị Phước (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) tiết kiệm hơn 300.000 đồng/tháng khi sử dụng hệ thống cung cấp khí đốt từ bể biogas.

Sau khi nâng tổng số đàn nuôi từ 3-5 con/lứa lên 20-25 con/lứa, anh Nguyễn Viết Thủy (xóm Bình Luật, Cẩm Bình) đầu tư bể biogas có dung tích 10 m3 với tổng mức đầu tư hơn 13 triệu đồng (trong đó dự án hỗ trợ nông nghiệp phát thải khí các-bon thấp do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ 3 triệu đồng). Theo đánh giá của anh Thủy, việc sử dụng hệ thống biogas rất hữu ích đối với sản xuất nông nghiệp. Chất thải của gia súc sau khi cho vào hầm ủ, các vi sinh vật phân hủy thành các chất mùn và khí, tạo khí gas phục vụ sinh hoạt, còn chất thải ra sau quá trình phân hủy trong hầm ủ biogas khá sạch và có thể tận dụng để tưới cho cây trồng, bón ruộng.  “Ngoài hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng bể biogas phục vụ đun nấu hàng ngày đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi tiêu nhiên liệu, khí gas” - chị Phước chia sẻ.  Năm 2011, được dự án khí sinh học của Chính phủ Hà Lan hỗ trợ, chị Bùi Thị Phước cùng nhiều hộ chăn nuôi khác ở xóm Bình Luật - Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đã tiến hành xây dựng bể biogas, sử dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi. Theo chị Phước, thay vì xả chất thải ra vườn như trước đây, sau khi áp dụng công nghệ khí sinh học, toàn bộ chất thải của đàn vật nuôi được nạp vào hầm biogas có dung tích hơn 7,5 m3. Thông qua quá trình ngâm ủ, xử lý, toàn bộ chất thải được tái tạo thành nguồn năng lượng phục vụ đun nấu, thắp sáng trong gia đình.

  Là địa phương có tốc độ phát triển “nóng” nhất về chăn nuôi, những năm gần đây, xã Cẩm Bình luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, hiện trên địa bàn có hơn 600 hộ tham gia chăn nuôi lợn tại nông hộ với tổng đàn gần 18.000 con. Bên cạnh hiệu quả kinh tế do chăn nuôi mang lại thì những năm gần đây, người chăn nuôi ở Cẩm Bình thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiên Toàn, để hạn chế dịch bệnh, tăng cường khả năng đề kháng cho vật nuôi, thời gian qua, địa phương đã vận động, khuyến cáo người dân đầu tư, xây dựng các bể biogas, sử dụng công nghệ khí sinh học giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Qua quá trình triển khai cho thấy, việc sử dụng bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi không những mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình mà còn giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

  Theo thống kê, tỉnh ta hiện có trên 200 ngàn hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi (năm 2013 chiếm 80,3%), riêng tổng đàn lợn có mặt thường xuyên 300 ngàn con, chiếm 75% tổng đàn lợn. Đa số các mô hình nhỏ thường nằm trong khu vực dân cư, việc xử lý chất thải chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức (sử dụng bể biogas để xử lý chất thải còn quá ít, 5.000 bể biogas/200 ngàn hộ chăn nuôi); một số vùng có mật độ chăn nuôi quá cao như Cẩm Bình; Thạch Hội, Thạch Thắng (Thạch Hà)... làm cho môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm... vẫn thường xảy ra, gây thiệt hại khá lớn về kinh tế cho người dân.

  Trước thực trạng đó, việc sử dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi được xem là giải pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp các hộ xử lý chất thải, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phát huy tối đa hiệu quả của việc sử dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, các địa phương cần áp dụng công nghệ đa mục đích trong xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp điện, gas, làm phân bón sạch; chuyển giao đầy đủ các công nghệ biogas, đệm lót sinh học, công nghệ vi sinh... phù hợp với quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu để người chăn nuôi xây dựng, cải tạo chuồng trại và hệ thống xử lý môi trường phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây