Cần tăng tốc hơn nữa tiến độ dự án LCASP 

Ngày đăng: 18/05/17  |  Đã xem: 4001

Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Quốc Doanh, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), ngày càng được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, bởi nó “tổng tấn công” vào vấn đề mà cả xã hội đang...
+ Đề cao khâu tuyên truyền, vận động 
Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Lê Quốc Doanh, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), ngày càng được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, bởi nó “tổng tấn công” vào vấn đề mà cả xã hội đang bức xúc, đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.
 
hop 1
 
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị tổng kết dự án LCASP năm 2016
 
Hội nghị tổng kết dự án LCASP năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 đã diễn ra tại Nam Định vào mới đây.
Ông Nguyễn Thế Hinh, GĐ dự án LCASP Trung ương thông báo tin vui: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đồng ý với đề xuất của dự án, tăng mục tiêu số công trình khí sinh học quy mô nhỏ từ 36.000 (theo thiết kế dự án ban đầu) lên 65.000 công trình, trong đó 14.000 công trình sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ, dành cho các đối tượng là hộ nghèo hoặc cận nghèo; người giữ vai trò trụ cột trong gia đình là nữ giới; thuộc các nhóm dân thộc thiểu số; qua đó nêu cao tư tưởng nhân văn của dự án.
Đến hết năm 2016, dự án đã hỗ trợ xây lắp được 43.157 công trình quy mô nhỏ, 8 công trình quy mô vừa và 2 công trình quy mô lớn. Theo khảo sát của dự án, hầu hết khí gas sinh ra được các chủ hộ chăn nuôi sử dụng cho đun nấu. Tuy nhiên, một số hộ gia đình từ 6 – 10 người chỉ cần xây lắp khoảng từ 7 – 10 m3 hầm khí sinh học là đủ nhu cầu sử dụng. Việc khuyến khích người dân lắp các hầm khí sinh học có dung tích lớn khi chưa có kế hoạch sử dụng hết khí gas sẽ gây lãng phí đầu tư, thậm chí gây hậu quả tiêu cực về môi trường do các hộ dân xả bỏ trực tiếp khí đốt thừa ra ngoài.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi thông qua ứng dụng công nghệ máy phát điện sinh học; sử dụng nước thải công trình khí sinh học làm phân bón cho cây trồng; sử dụng phân bò làm nguyên liệu nuôi giun quế...
Hiện tại, nhà tài trợ (ADB) đã đồng ý mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tại Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định và Phú Thọ.
Năm 2016, Dự án tổ chức tập huấn cho khoảng 2.173 lượt nông dân và cán bộ khuyến nông về kỹ thuật quản lý chất thải nông nghiệp và công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp như công nghệ ủ phân compost, nuôi trùn quế và đệm lót sinh học.
 
hop 2
 
Nhiều nông dân được hưởng lợi từ hợp phần hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học từ dự án LCASP.
 
Về hoạt động giải ngân vốn tín dụng của dự án, tiến độ thực hiện rất chậm, luỹ kế từ đầu dự án đến hết năm 2016 mới giải ngân được khoảng 21,4 tỷ đồng (chiếm 2,5% vốn tính dụng được phân bổ). Sau khi cân nhắc, ADB đã thống nhất với đề xuất của dự án, bổ sung thêm Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia thực hiện hợp phần tín dụng (bởi định chế tài chính này có phương thức cho vay phù hợp với các hộ dân nhỏ và không yêu cầu nộp sổ đỏ).
Bà Hoàng Thị Tố Nga – PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định khẳng định, nhu cầu vốn tín dụng của nông dân để xây hầm biogas là rất lớn. Tại Nam Định, dư nợ cho vay vốn nông nghiêp, nông thôn chiếm tới hơn 40% (gần 17.000 tỷ đồng), nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 50% vốn. Nhiều người vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của dự án LCASP bởi họ không có tài sản (sổ đỏ) để thế chấp. Việc dự án bổ sung thêm các định chế tài chính cho vay thông qua hình thức tín chấp (như Ngân hàng Chính sách xã hội) là rất cần thiết.
Còn bà Phan Thị Thu Sương – PGĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, đối với hợp phần 1 của dự án, tỉnh đã xây dựng được 4.800 hầm biogas cỡ nhỏ trong tổng số 6.000 hầm theo chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, đến nay mẫu thiết kế kỹ thuật về công trình biogas cỡ vừa vẫn chưa được dự án gửi về các địa phương. Do đó, các đội thợ chưa dám thi công.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: Trước mắt cần phải đẩy mạnh hơn nữa tiến độ của dự án, nhất là hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học. Vì so với tổng vốn đầu tư của dự án là 74 triệu USD, đến nay chúng ta mới đạt được khoảng 25%.
Theo Thứ trưởng, các gói thầu của hợp phần 3 (chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp) cũng cần sớm được triển khai trên thực tế, có như vậy mới tạo ra các mô hình giảm phát thải khí nhà kính, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời Thứ trưởng lưu ý BQL Dự án Trung ương và 10 tỉnh hưởng lợi từ dự án cần đẩy mạnh tuyên truyền trên báo, đài, coi đây là khâu then chốt để thay đổi nhận thức của người dân về dự án, góp phần thúc đẩy tiến độ dự án.
+ Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Hiện tại, đầu tư một dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh từ chất thải chăn nuôi chỉ cần 500 – 600 triệu đồng. Chúng ta có thể đặt các trạm sản xuất phân bón vi sinh ngay tại các cụm chăn nuôi. Điều này hoàn toàn thực hiện được. Nhưng trước mắt, Bộ NN-PTNT cần tuyên truyền người dân chuyển đổi dần việc sử dụng một phần phân vô cơ sang phân hữu cơ.
+ Đại diện Ngân hàng ADB
Qua Hội nghị hôm nay, Ngân hàng ADB đồng ý mở rộng phạm vi cho vay vốn tín dụng, bao gồm cả tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh và các công nghệ xử lý chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp (gồm cả trồng trọt và chăn nuôi).
 
nongnghiep.vn
 
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây