Cung cấp nguồn nhiên liệu sạch
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có hàng chục nghìn hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi tại các hộ gia đình và trang trại. Trong đó, khoảng 10 nghìn hầm được xây bằng nguồn vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại từ các chương trình khí sinh học. Nhờ vậy nhiều hộ nông dân có nguồn năng lượng sạch để đun nấu, chạy máy phát điện công suất nhỏ.
Hầm biogas góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi. Bã và nước thải đã qua xử lý bằng hầm biogas là nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Anh Nguyễn Văn Nam, thôn Đông La, xã Quế Nham (Tân Yên) cho biết, từ khi xây hầm biogas, hàng ngày gia đình không phải xử lý chất thải chăn nuôi bằng cách thủ công nữa. Thay vào đó anh chỉ cần quét dọn đưa chất thải xuống hầm, vừa có chất đốt sử dụng mà không gian quanh nhà cũng sạch sẽ, trong lành hơn.
Những lợi ích về kinh tế, môi trường do hầm biogas mang lại rất thiết thực, ý nghĩa với cộng đồng, song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu người dân không chú trọng tuân thủ một số quy tắc an toàn khi vận hành.
Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản, thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP) cho biết: “Sử dụng hầm khí biogas có nguy cơ cháy nổ và ngạt khí. Do đó, khi hỗ trợ xây hầm khí, chúng tôi yêu cầu chủ hộ làm đơn đề nghị trong đó mô tả quy mô chăn nuôi. Trên cơ sở đó, đơn vị rà soát, tư vấn kỹ thuật và khuyến cáo các biện pháp sử dụng đúng quy trình để bảo đảm an toàn.
Hiện dự án có 17 kỹ thuật viên làm nhiệm vụ này”. Anh Lê Văn Cường, thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên) chia sẻ: “Tham gia dự án LCASP, gia đình tôi được hỗ trợ 3 triệu đồng xây bể 25m3; hướng dẫn quy trình vận hành khi sử dụng như: Pha loãng, khuấy đảo chất thải… để hạn chế đóng váng”.
Làm gì để tránh rủi ro?
Tuy nhiên không phải hộ nào cũng quan tâm đến quy trình kỹ thuật vận hành. Qua một người hàng xóm giới thiệu, anh Lê Văn Lượng, thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên) đã thuê một nhóm thợ ở Bắc Ninh lắp đặt hầm biogas composite dung tích hơn 10m3. Anh Lượng nói: “Họ lắp xong, nhận tiền nhưng không hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng thế nào cả”.
Trên thực tế nhiều hộ thuê thợ tự do lắp đặt, xây dựng dựa vào kinh nghiệm như hộ anh Lượng đã phát sinh một số hệ lụy. Nhiều bể xây xong không tạo khí phải phá bỏ gây tốn kém. Theo cán bộ chuyên môn, để bảo đảm an toàn khi sử dụng, người dân không được lắp đặt đường ống dẫn khí đi qua những nơi gần nguồn nhiệt, xa dụng cụ bắt lửa để tránh cháy nổ. Không nên tự ý vệ sinh hầm mà cần báo cho kỹ thuật viên hoặc thuê xe hút bể phốt, máy bơm chuyên dụng phá váng.
Trong trường hợp tự xử lý cần tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, mở nắp hầm ủ khí trước một thời gian dài tùy từng dung tích bể. Sau đó, dùng cây sào xuyên qua lối ra, hoặc lối vào để phá váng và bơm nước vào để đẩy váng ra. Khi đào móng xây dựng công trình, cuốc xới gần hầm cần thận trọng, tránh tác động ngoại lực vào hầm đề phòng bị nổ bởi áp suất khí trong hầm thường rất lớn.
Thế nhưng nhiều hộ dân chưa thực hiện đúng khuyến cáo. Cuối tháng 8 vừa qua, là vợ chồng được thuê phá váng hầm biogas cho một gia đình ở thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) đã tử vong khi xuống dọn bể. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, khi đào móng xây nhà, người điều khiển máy xúc đã làm thủng hầm khí biogas của gia đình bà Trịnh Thị Hảo, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang). Hầm nổ khiến cháu nội bà Hảo bị thương nặng phải cấp cứu tại bệnh viện.
Với số lượng hầm biogas rất lớn nằm trong khu dân cư cộng với không ít hầm có lượng khí quá lớn so với nhu cầu sử dụng, nhiều hộ phải xả bớt nhiên liệu, nếu xảy ra sự cố dễ gây thương vong cho người dân. Do vậy, các cơ quan liên quan cần phối hợp với chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân về việc xây dựng, bảo dưỡng vận hành công trình đúng kỹ thuật, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.