Biến chất thải cây lúa thành… nguồn thu

: Thứ sáu - 30/12/2016 10:20  |  Đã xem: 1362
Việc tận dụng chất thải từ cây lúa như rơm rạ, tro trấu… vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa góp phần bảo vệ được môi trường sống và sản xuất. Tuy nhiên, ở An Giang nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung, hoạt động này vẫn chưa phát huy được hết giá trị vốn có của nó.

Vào giai đoạn 2012 - 2014, dự án hợp tác “An Giang và Pitea - Cộng đồng bền vững” được triển khai. Mục tiêu là phát triển An Giang thành tỉnh sản xuất lúa xanh và có nền nông nghiệp bền vững, song song đó là nâng cao thu nhập của người dân. Thông qua đó, giúp nông dân nhận biết rõ hơn về giá trị của phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là từ cây lúa. Nhiều chương trình trình diễn về thu gom rơm, trồng nấm rơm và ủ rơm làm thức ăn trong chăn nuôi hỗ trợ người dân đã được thực hiện và có hiệu ứng lan tỏa cao. Chưa dừng lại ở đó, việc tái tạo năng lượng từ trấu (sản xuất củi trấu, nhà máy điện trấu), tận dụng tro trấu làm phân bón, sử dụng trong xây dựng… đã được hình thành, ngày càng mở rộng hơn.

Theo số liệu thống kê, An Giang có hơn 700 ngàn tấn trấu mỗi năm. Cứ 5kg trấu sẽ tạo ra được 1KW điện, như vậy với lượng trấu vốn có thì lượng điện năng thu được rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, trấu đang được sử dụng rất lãng phí cho việc làm chất đốt để nấu ăn, nung gạch... và phần thải ra làm ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, nguồn nguyên liệu trấu thu được trong sản xuất lúa nên được chế biến thành nguyên liệu điện năng, cụ thể là biến trấu thành trấu viên làm nguyên liệu cho các nhà máy củi trấu. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành (Trường đại học An Giang), cứ 1.000kg lúa sẽ xay xát được 600kg gạo (tỷ lệ 60%), 140kg cám (tỷ lệ 14%) và 260kg vỏ trấu (tỷ lệ 26%). Trong khi đó, vỏ trấu có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho các lò đốt; sản xuất hàng mỹ nghệ, khí sinh học, vật liệu trong xây dựng, sản xuất các vật liệu xử lý nước, các ứng dụng khác như biochar, nhiệt điện… Đó là chưa kể đến lượng tro trấu thu được từ việc đốt trấu. Đây cũng là nguồn nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, phụ gia trong xây dựng, sản xuất silicagel (chất hút ẩm)… đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân.

Giám đốc Ban Quản lý dự án An Giang - Thụy Điển Phạm Ngọc Xuân cho biết, đến nay, các nội dung của dự án đều được triển khai đạt yêu cầu. Nhiều chuyên gia về nông nghiệp của thành phố Pitea (Thụy Điển) đã sang An Giang tổ chức nhiều lớp tập huấn về các mô hình trình diễn tận dụng chất thải từ cây lúa. Theo đó, để đạt được mục tiêu không đốt rơm rạ theo Chiến lược quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa để sản xuất năng lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu cho tỉnh An Giang đến năm 2030; các nhóm đề xuất thêm mô hình xử lý rơm tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học (Trichoderma).

Các mô hình hỗ trợ nông dân trong khuôn khổ dự án được triển khai thực hiện, bao gồm: Mô hình cuốn rơm, ủ rơm làm thức ăn nuôi bò và trồng nấm rơm. Các thành viên trong nhóm phụ trách các mô hình trình diễn cũng đã tập huấn cho người dân phương pháp kỹ thuật về cách ủ rơm bằng ure; phương pháp xử lý chất trồng nấm rơm để có năng suất cao; phương pháp trồng nấm ngoài trời và trong nhà. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn người dân cách bảo quản cuộn rơm. Từ đó, những nông dân tham gia trong dự án có thể áp dụng và hướng dẫn lại các nông dân xung quanh. Gia đình ông Phó Văn Tới (ấp Phú An I, xã Bình Hòa, Châu Thành) nuôi khoảng 50 con bò cái sinh sản và 200 con dê. Việc tìm nguồn thức ăn đáp ứng cho đàn gia súc luôn là điều trăn trở với các thành viên trong gia đình, nhất là trong màu mưa. Sau đó, nhờ được Dự án hỗ trợ máy cuốn rơm, cộng thêm tập huấn về ủ rơm bằng ure đã phần nào giải quyết nỗi lo của gia đình. “Khi cuộn rơm về, chỉ cần ủ ure tỷ lệ 4%, trong 1 tuần là có thể sử dụng cho bò ăn. Muốn rút ngắn thời gian thì chỉ cần cho thêm mật đường vào rơm thì có thể cho bò ăn ngay. Trước đây, tôi và bà con chăn nuôi ở địa phương toàn thu gom rơm bằng thủ công, tốn rất nhiều chi phí”- ông Tới chia sẻ.

Như vậy, chỉ cần người dân thay đổi nhận thức, cùng với sự vào cuộc của các ngành có liên quan, các công ty, doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn tỉnh, thì hoàn toàn có thể biến những thứ được coi là “bỏ đi” từ cây lúa thành nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó, lại giúp bảo vệ được môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây