Theo những người giàu kinh nghiệm trong chăn nuôi, thời điểm này tình trạng heo quá tải trọng tồn trong dân không còn “nóng” như khoảng 2 tháng trước đó. Nhưng cần nhiều tháng trời kèm với những giải pháp hữu hiệu thì cán cân cung – cầu của thị trường thịt heo mới dần cân bằng lại.
Tồn khoảng 400 ngàn con heo
Trao đổi về tình trạng tồn heo do việc tăng đàn “nóng” thời gian qua, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, cho biết: “Hiện toàn tỉnh còn tồn khoảng 400 ngàn con heo có trọng lượng từ 70kg trở lên. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ tại Đồng Nai và xuất đi TP.Hồ Chí Minh chỉ trên 5 ngàn con”. Nguyên nhân có lượng heo tồn lớn như vậy là do tình trạng tăng đàn “nóng” trong năm qua. Cụ thể, năm 2015 tổng đàn heo của Đồng Nai là 1,7 triệu con thì năm 2016 đột biến tăng lên 2,1 triệu con nên dẫn đến nguồn cung tăng “sốc” khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập hàng. Theo ông Vinh: “Để giải quyết bài toán mất cân đối cung – cầu này cần thời gian ít nhất 3-4 tháng trở lên với hàng loạt giải pháp hữu hiệu”. Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chế biến tăng cường thu mua heo. Mặt khác, người nuôi heo phải nhìn vào thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô đàn, tránh rủi ro càng nuôi càng thua lỗ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét dịp nghỉ Tết Nguyên đán có xảy ra tình trạng một số hộ nuôi heo có trọng lượng quá lớn (trên 1,5 tạ) bán không được vì thương lái chê heo mỡ. Nhưng hiện nay, loại heo này đã có thương lái mua với giá trên 30 ngàn đồng/kg. Theo ông Đoán, hiện loại heo quá trọng lượng trên 1,5 tạ còn tồn trong dân không nhiều. Vì từ vài tháng trước khi thị trường Trung Quốc ngưng “ăn” hàng, người nuôi đã chủ động xuất heo sớm chứ không trữ heo mỡ chờ bán đi Trung Quốc như trước đó.
Giảm đàn, nâng chất
Sau Tết Nguyên đán, giá heo hơi có dấu hiệu khởi sắc dù đây là tháng chay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm hơn bình thường, khiến người chăn nuôi kỳ vọng thị trường heo hơi sẽ bớt ảm đạm trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức giá bán heo hơi hiện nay vẫn cách khá xa với giá thành sản xuất nên đa số các trại nuôi đều tính toán đến việc giảm đàn, tránh lỗ. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn vốn duy trì đã “treo” chuồng. Nhiều trại nuôi với quy mô lớn cũng đã chủ động giảm đàn nái từ 10-20% và sẽ dần giảm đàn heo thịt. Tuy nhiên, phải mất nhiều tháng trời mới thấy hiệu quả của việc giảm đàn và cân bằng lại cung – cầu cho thị trường.
Ông Sín A Minh, thành viên của Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Nhờ có 2 doanh nghiệp tham gia bao tiêu heo VietGAHP nên ở khu vực này không xảy ra tình trạng tồn heo tại trại. Tuy giá heo hiện nay đã tăng hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhưng một số hộ nuôi có heo đạt trọng lượng vẫn chờ thêm 10 ngày nữa mới xuất chuồng với kỳ vọng có giá bán tốt hơn khi qua tháng chay”. Tuy có đầu ra được bao tiêu nhưng với mức giá bán ra vẫn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, phần lớn hộ nuôi heo tại Hưng Lộc đều chọn hướng bán heo con chứ không tái đàn; đồng thời tập trung vào việc siết chặt hơn quy trình chăn nuôi để tiết kiệm chi phí và tăng chất lượng cho sản phẩm.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo có 2 ngàn con tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Bây giờ, thương lái đang đi tìm hỏi mua heo, giá bán cũng tăng lên chứ không như trước tết. Người dân cần tiền trang trải nên bán đổ bán tháo khiến giá heo giảm mạnh dù vào cao điểm tiêu thụ. Tuy có tăng nhưng giá heo vẫn ở mức thấp nên gia đình tôi chỉ cố gắng duy trì tổng đàn hiện có, tập trung vào khâu chăm sóc để nâng chất lượng. Nuôi heo bây giờ bấp bênh quá, chúng tôi mong Nhà nước tổ chức chuỗi liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra”.
Đồng Nai: Người nuôi heo giảm đàn, tránh lỗ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn