Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị
Nhu cầu trong dân còn cao
Sau hơn 2 năm thực hiện, LCASP đã góp phần tích cực vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; hướng đến một nền SXNN bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Hiệu quả thiết thực của dự án đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua nửa chặng đường thực hiện, có thể khẳng định LCASP đã thực sự đi vào lòng dân.
Riêng trong năm 2015, Ban Quản lý dự án LCASP 10 tỉnh tham gia dự án là Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng đã triển khai xây dựng và lắp đặt được 15.393 hầm biogas quy mô nhỏ, trong đó đã nghiệm thu 14.604 công trình và chuyển tiền hỗ trợ cho 14.107 công trình cho người dân.
Tính từ ngày 31/12/2015 đến nay, dự án LCASP đã xây dựng, lắp đặt được 26.645 công trình quy mô nhỏ, nghiệm thu 25.138 công trình và đã chuyển tiền hỗ trợ cho 24.539 công trình khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng BQL các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) kiêm Giám đốc BQL dự án LCASP Trung ương, số lượng công trình nói trên còn quá ít so với nhu cầu của người dân tại 10 tỉnh tham gia dự án.
“Theo kết quả điều tra, hiện có khoảng 260.000 hộ chăn nuôi trên 10 con lợn/hộ chưa có công trình khí sinh học đang có nhu cầu được hỗ trợ xây dựng. Trong khi đó, các chủ trang trại chưa mặn mà tham gia dự án để xây dựng các công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn, bởi mức hỗ trợ quá thấp, chỉ 10 triệu đồng/công trình quy mô vừa và 20 triệu đồng/công trình quy mô lớn.
Trong khi để xây dựng công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn phải mất từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/công trình. Do vậy, dù BQL dự án các tỉnh đã ban hành hướng dẫn các hộ dân tham gia xây dựng công trình khí sinh học vừa và lớn trong khuôn khổ dự án, nhưng vẫn chưa có hộ dân nào đăng ký tham gia nhận hỗ trợ tài chính từ dự án”, ông Hinh cho biết.
Dù không nhận hỗ trợ nhưng nhiều trang trại cũng đã tự xây dựng các công trình quy mô vừa và lớn, do xây dựng không đúng quy chuẩn và cách sử dụng không được hướng dẫn nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khí gas do công trình sinh ra phần lớn không được sử dụng, một số nơi xả trực tiếp ra môi trường, chất thải chăn nuôi thừa gây quá tải hầm, chưa phân giải hết đã trào ra khỏi hầm gây ô nhiễm nguồn nước.
“Nếu chính phủ và các bộ, ngành không can thiệp để thay đổi mức hỗ trợ cho phù hợp, các công trình khí sinh học vừa và lớn cứ để người dân xây dựng tự phát, không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến tình trạng phản tác dụng”, ông Hinh bức xúc.
Thực tế cho thấy, hiện tượng quá tải hầm biogas xảy ra khá phổ biến, do hầm biogas có dung tích cố định, trong khi quy mô chăn nuôi trong nông hộ luôn tăng trưởng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả của công trình. Trước thực tế trên, bên cạnh chuyển giao công nghệ khí sinh học, dự án LCASP còn tập huấn cho nông dân, cán bộ khyến nông ủ phân compost, nuôi trùn quế và các công nghệ xử lý phân thừa khác nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường bền vững, đồng thời tạo thu nhập cho nông dân.
Quang cảnh hội nghị
“Nhìn chung, tiến độ triển khai hầm biogas quy mô nhỏ trên địa bàn 10 tỉnh tham gia dự án trong những năm qua là thành công. Trong kế hoạch, kết thúc dự án chúng ta sẽ xây dựng được 30.000 hầm, còn những 2 năm nữa mà đến nay đã xây dựng được hơn 26.000 hầm, sẽ có kế hoạch bổ sung số lượng xây dựng hầm biogas nhỏ lên 50.000 hầm để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi. Về mức hỗ trợ xây dựng hầm biogas vừa và lớn chưa tương xứng nên chưa thể triển khai, BQL dự án cần có đề xuất cụ thể để giải quyết. Về vốn tín dụng, tôi đề nghị BQL dự án phải có báo cáo đánh giá cụ thể, đánh giá rộng, và có đề xuất điều chỉnh trước thời gian ADB tổ chức đánh giá giữa kỳ”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo.
Điểm nhấn tại hội nghị là hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học. Bởi theo kế hoạch thực hiện, dự án sẽ cung cấp vốn vay tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân các tỉnh tham gia dự án phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị khí sinh học, từ khâu xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống thu gom chất thải, hầm khí sinh học, các thiết bị sử dụng triệt để khí gas, các hạng mục xử lý môi trường, các hạng mục lưu giữ, vận chuyển chất cặn thải để SX và sử dụng phân bón hữu cơ.
Tuy nhiên, việc giải ngân vốn vay tín dụng nói trên đang gặp vướng mắc lớn, làm trì trệ quá trình triển khai dự án. “Tính đến ngày 31/12/2015, Ngân hàng NN-PTNT mới chỉ giải ngân vốn vay được 2,65 tỷ đồng để xây dựng 36 công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trên tổng số 42 triệu USD đã được phân bổ”, ông Nguyễn Thế Hinh cho hay.
Tháo gỡ vướng mắc
Trong năm 2016, ngoài tiếp tục thực hiện các hoạt động trong các hợp phần quản lý chất thải chăn nuôi, chuyển giao công nghệ SXNN các bon thấp, quản lý dự án… BQL dự án LCASP sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tại hội nghị, bà Ngô Diệu An, Phó ban Định chế tài chính, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, nói về những vướng mắc trong việc giải ngân vốn tín dụng trong khuôn khổ dự án LCASP: “Đối với những công trình nhỏ, chi phí xây dựng khoảng hơn 10 triệu đồng/công trình, nông dân đã được dự án hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình, khoản còn lại hầu hết các hộ đều tự lo chứ không muốn đến ngân hàng vay. Với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, họ lại yêu cầu được vay không chỉ để xây dựng công trình khí sinh học, mà còn được vay để đầu tư xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Nếu chúng tôi làm như thế thì sai quy định. Do đó đã làm ách tắc việc giải ngân nguồn tín dụng được được phân bổ trong khuôn khổ dự án”.
Ông Nguyễn Thạc Tâm, Phó Tổng GĐ Ngân hàng Hợp tác xã, nêu đề nghị: “BQL dự án LCASP trung ương cần điều đình với ADB cho phép đa dạng hóa các hạng mục cho vay bao gồm cả cho vay chăn nuôi, để các ngân hàng tham gia dự án tháo gỡ được vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn vay tín dụng cho các chuỗi giá trị sinh học”.
Sau khi nghe kiến nghị của đại diện các ngân hàng tham gia dự án (Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng HTX), bà Đinh Thị Minh Thái, tư vấn dự án chia sẻ: “Qua điều tra, tôi nhận thấy nhu cầu vay vốn trong các hộ chăn nuôi của 10 tỉnh tham gia dự án đang còn rất lớn. Nhu cầu này càng bức xúc hơn với những hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Thế nhưng việc giải ngân nguồn vốn vay tín dụng lại bị ách tắc suốt hơn 2 năm qua. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá nguyên nhân chậm giải ngân của hợp phần tín dụng để có đề xuất phương án điều chỉnh với ADB, nhằm khai thông nguồn vốn tín dụng, giải tỏa ách tắc trong tiến độ thực hiện tổng thể của dự án. Bởi vì nguồn vốn tín dụng chiếm đến 50% tổng vốn dự án”.
Trước những vướng mắc trên, ông Don Taylor, Trưởng nhóm tư vấn hỗ trợ dự án khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với các ngân hàng tham gia dự án trong thời gian sớm nhất để cung cấp ý kiến tư vấn. Trong năm 2016 này, chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ BQL dự án LCASP Trung ương và các tỉnh thúc đẩy tiến độ thực hiện”.
Ông Đào Văn Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ: “Bình Định hiện có 99 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn và 5.000 gia trại, do đó nhu cầu xây dựng hầm biogas quy mô vừa và lớn đang rất bức xúc. Tuy nhiên, mãi đến nay các hộ chăn nuôi quy mô lớn ở Bình Định chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng trong khuôn khổ dự án nên chưa xây dựng được công trình khí sinh học phù hợp với quy mô chăn nuôi. Nếu giải quyết được công trình khí sinh học ở những hộ chăn nuôi nhỏ mà chưa làm được ở những trang trại thì nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn bị đe dọa”.
Ông Vũ Đình Phượng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: “Ở tỉnh Bắc Giang có hộ xây dựng hầm biogas đến mấy trăm khối bằng gạch nhưng vẫn không được hưởng cơ chế vay từ dự án, cả những trường hợp sử dụng khí được sinh ra từ hầm biogas để phát điện cũng vậy. Do đó, việc đưa DA LCASP đến với những hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn vẫn chưa được hanh thông”.
Đình Thung