Nếu gây ô nhiễm, cơ sở chăn nuôi sẽ bị "trảm"

: Thứ sáu - 02/12/2016 10:20  |  Đã xem: 1427
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất Đông Nam bộ, với lượng chất thải từ chăn nuôi mỗi năm trên 2,5 triệu tấn. Tuy nhiên, hầu hết nước thải chăn nuôi mới chỉ chứa trong hầm biogas, chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường...

Hầu hết nước thải chăn nuôi mới chỉ chứa trong hầm biogas, chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh hơn 24 triệu con; trong đó heo khoảng 1,7 triệu con, gà 16 triệu con; còn lại là trâu, bò, dê... Đồng Nai hiện có gần 2,6 ngàn trang trại chăn nuôi và gần 22 ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Phần lớn trang trại tập trung ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom và Xuân Lộc. 

Sống chung với ô nhiễm

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, nhiều năm qua họ đang phải sống chung với mùi hôi thối từ các trại heo của của ông Nguyễn Mạnh Đạt, ông Trần Văn Thân và bà Trần Thị Hoa bốc lên nồng nặc không thể chịu nổi.

Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, bức xúc: “Gia đình tôi là một trong những hộ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các trại heo này. Lo nhất khi nhà có cháu nhỏ, hàng ngày cứ phải hít thở mùi phân heo đặc quánh thế này chịu không nổi khiến chúng tôi phải gửi cháu sang nhà bà con!”.

Tương tự, dù sống cách xa khu chăn nuôi heo hàng trăm mét nhưng nhiều hộ dân khác cũng không thoát được mùi hôi. Từ ngày các trại heo “bao vây” khu dân cư, cuộc sống của họ bị đảo lộn, bệnh tật nhiều hơn.

Thực trạng ô nhiễm từ các trại heo kéo dài nhiều năm nay, người dân đã làm đơn kiến nghị song vẫn không cải thiện được gì. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV thì Chủ tịch UBND xã Quang Trung - Phạm Văn Nam phân trần: “Do khi trời mưa nhiều hầm chứa bị đầy nên mới tràn ra ngoài và bốc mùi hôi. Thời gian qua chính quyền xã, huyện đã xuống kiểm tra nhắc nhở và tiến hành xử phạt các trại heo này, mỗi trại gây ô nhiễm 2 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các trại phải giảm đàn heo”.

Theo ông Nam, kế hoạch đến năm 2018 toàn bộ các trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã chuyển đi hết. 

Nhiều hầm biogas không đạt chuẩn

Với tốc độ phát triển đàn nhanh như hiện nay, nhưng việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được các trang trại và các hộ nuôi nhỏ lẻ đầu tư đúng mức dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân sinh sống gần các khu chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chăn nuôi chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà “quên” việc phải đầu tư áp dụng các biện pháp để bảo đảm môi trường xung quanh.

Nhiều hầm biogas và các ao xử lý chất thải chăn nuôi không đạt chuẩn gây ô nhiễm

Theo chân cán bộ xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) xuống kiểm tra trại heo của hộ ông Trần Thành ở ấp Hưng Thạnh, được xem là có quy mô và đầu tư bài bản. Theo quan sát của PV, toàn bộ ba dãy chuồng heo nuôi hàng trăm con, nước và chất thải đều đổ xuống một hầm biogas nhỏ nằm phía góc vườn. Kiểm tra kỹ, trại heo này còn thiết kế một đường cống ngầm dẫn thẳng ra mương suối mà không cần qua hầm biogas lắng lọc.

Trước sự chứng kiến của PV và cán bộ xã, dòng nước thải đen kịt đang chảy rỉ rả qua ống cống ngầm này xuống mương dẫn ra suối. Chủ trại Trần Thành vẫn cố tình biện hộ: “Do trời mới mưa to khiến hầm biogas và ao lắng đầy nên mới bị vỡ nước thải chảy ra ngoài như vậy. Tôi sẽ cho khắc phục liền”.

Tiếp tục có mặt tại trại heo ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) của hộ ông Mạc Như Đức có tổng đàn khoảng 100 con, việc xử lý chất thải được đưa ra hầm biogas để thu khí gas đun nấu. Nước thải phát sinh quá tải được dẫn ra hồ tự lắng lọc chứ gia đình ông cũng không có đủ khả năng đầu tư hệ thống hầm biogas xử lý nước thải đạt chuẩn.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Đa số các trại chăn nuôi mới chỉ áp dụng hầm biogas để xử lý chất thải, còn rất ít trại chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Vì vậy, ô nhiễm vẫn còn nhiều và cần những giải pháp thích hợp để chăn nuôi có thể phát triển bền vững”.

Thực tế nhiều hầm biogas không đạt chuẩn nên việc xử lý nước thải không đạt yêu cầu. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh. Toàn tỉnh mới có gần 9.000 trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dùng các biện pháp xử lý chất thải bằng hầm biogas và qua bể sinh học để lắng lọc. Số còn lại đang xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo Sở TN- MT Đồng Nai, rất ít cơ sở chăn nuôi trong tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh trong chăn nuôi trước khi xả ra môi trường vì một hệ thống như vậy có giá rất cao từ 1-3 tỷ đồng. Với những trang trại vừa và nhỏ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đầu tư một hệ thống xử lý nước thải là rất khó khăn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây