Nông nghiệp tìm cách lấy lại đà tăng trưởng

: Chủ nhật - 24/07/2016 23:20  |  Đã xem: 1252
Tình trạng xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hạn hán gay gắt trên diện rộng đã làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước.
Nông nghiệp tìm cách lấy lại đà tăng trưởng

Tình trạng xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hạn hán gay gắt trên diện rộng đã làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước.

Thiệt hại nặng nề do thiên tai, đã dẫn đến tăng trưởng giảm. Chỉ tính riêng vụ lúa Đông Xuân cả nước đã giảm hơn 1,3 triệu tấn so với vụ Đông Xuân năm 2015.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, trồng trọt bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu. Không chỉ 1 hoặc 2 vụ mà 3 năm liên tiếp ở miền Trung và nhiều vùng không sản xuất được. Điều này khiến cho nông nghiệp đã sụt giảm tới 0,78%.

Cùng với hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung cũng đã gây tác động tiêu cực. Tuy có tốc độ tăng trưởng 1,25% nhưng đây là mức tăng trưởng rất thấp so với cùng kỳ năm trước (3,3%). Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản sụt giảm… đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả hoạt động của ngành.

Xuất khẩu nông sản có sự phục hồi nhẹ từ “đáy” năm 2015, song giá xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục suy giảm như cà phê, chè, tiêu. Đa số mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong bốn thị trường nhập khẩu lớn nhất về gạo, hạt điều, cao su, sắn, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Theo ông Ma Quang Trung, trong 6 tháng cuối năm, để bù lại sự mất mát của trồng trọt, vực dậy ngành nông nghiệp cần tập trung sử dụng mọi biện pháp để sản xuất an toàn, tăng diện tích, sản lượng các loại cây lương thực như: lúa, ngô, rau màu…

Cụ thể, đối với cây lúa, có hai giải pháp để tăng diện tích, sản lượng bù lại thiệt hại vừa qua là xuống giống và áp dụng các biện pháp canh tác để nâng cao năng suất lúa vụ Hè Thu, tăng tối đa sản xuất vụ Thu Đông trong điều kiện phải an toàn.

Dự kiến, diện tích có đê bao an toàn sẽ là 867.000 ha, tăng 24.000 ha so với vụ Thu Đông 2015, tức là sẽ tăng sản lượng được khoảng 130.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trong cơ cấu xuất khẩu gạo, sản phẩm gạo chất lượng cao ngày càng gia tăng. Do vậy, cần tiếp tục tăng sử dụng các giống lúa chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

Dự kiến, xuất khẩu gạo quý III sẽ chậm lại nhưng quý IV sẽ tiếp tục tăng lên và điều này phù hợp với chỉ đạo tăng sản xuất vụ Thu Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nghị định thư về xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội để cuối năm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Rau quả cũng là nhóm mặt hàng đang trên đà mở rộng xuất khẩu và đó cũng được coi là nhóm sản phẩm luôn có sự tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông sản từ đầu năm tới nay (tăng 37,5%). Đặc biệt, dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này được đánh giá là khá lớn.

Theo đó, việc mở rộng diện tích, thâm canh, rải vụ, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các cây ăn quả có thị trường tiêu thụ tốt; trong đó tập trung vào các loại cây ăn quả chủ lực như thanh long, xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, vải, chuối… sẽ được ngành tập trung hướng tới.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bày tỏ, cần tiếp tục duy trì giữ được thị phần ở những thị trường khó tính, đặc biệt là không vi phạm kiểm dịch thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm các sản phẩm trái cây vào thị trường. Đối với các loại cây trồng khác, từ nay đến cuối năm, ngành trồng trọt sẽ tập trung hướng dẫn khắc phục hậu quả của hạn hán và khôi phục sản xuất tại các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Nhằm giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 915/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ mời các hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua phối hợp cùng với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm rau màu.

Ngoài khôi phục trồng trọt, lĩnh vực được coi là còn dư địa phát triển sản xuất lớn nhất chính là thủy sản. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, vựa tôm 560.000 ha của Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào sản xuất sẽ bù đắp những sụt giảm trong lĩnh vực trồng trọt vừa qua.

Tuy nhiên, khu vực này hiện đang sốt giống, nếu không kiểm soát tốt, thủy sản sẽ không chỉ không hỗ trợ được ngành tăng trưởng mà còn làm mất thị trường xuất khẩu.


Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, thế mạnh đầu tiên của thủy sản là đối tượng tôm nuôi nước lợ. Có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng chất lượng và giá trị, đồng thời sử dụng mọi biện pháp giảm giá thành.

Do vậy, Tổng cục sẽ xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm đồng thời cùng Cục Thú y lập các tổ công tác giám sát tình hình thực hiện ở địa phương để có những chỉ đạo sát sao trong sản xuất, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ về con giống.

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, chất lượng là tiêu chí hàng đầu của các thị trường. Vì vậy, hàng thủy sản Việt Nam phải luôn đảm bảo các yêu cầu của từng thị trường, đó là việc phải làm và làm tốt hơn.

Với các giải pháp đồng bộ trên, mục tiêu tăng trưởng 3% như đã đề ra trong năm 2016 của ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực đạt được./.

 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây