Quản lý và phát triển thương hiệu gà Tiên Yên: Giải bài toán giữ thương hiệu

: Thứ sáu - 28/10/2016 10:20  |  Đã xem: 1240
Nguồn cung con giống, tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, tiêu thụ sản phẩm… vẫn là những thách thức lớn đối với việc quản lý và phát triển thương hiệu gà Tiên Yên. Ðể giữ thương hiệu gà Tiên Yên, việc cấp thiết lúc này là khắc phục ngay những trở ngại nói trên. Phải “xốc” lại công tác quản lý…

Ông Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thông thường việc xây dựng một thương hiệu sẽ phải làm tuần tự 3 bước là: “Tạo lập – quản lý – phát triển”. Với việc làm đồng thời cả 3 bước, Quảng Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá rất cao, vừa rút ngắn được thời gian thực hiện vừa hoàn thiện được bộ máy tổ chức và có các cơ chế chính sách để phát triển, quản lý. Ðối với thương hiệu gà Tiên Yên, bước tạo lập đã rất tốt nhưng điều đáng tiếc nhất trong thời gian qua là huyện Tiên Yên (chủ sở hữu thương hiệu) lại không có cơ quan quản lý chuyên trách, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên điều chuyển công tác nên bước 2 và bước 3 đã bị buông lỏng. Muốn nhanh chóng khắc phục những hạn chế này, huyện cần phải “xốc” lại bộ máy quản lý, làm tốt công tác kiểm soát về giống, kiểm soát cơ sở chăn nuôi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gà Tiên Yên, kiểm soát quy trình kỹ thuật nuôi, an toàn thực phẩm, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm… Ðồng thời cần thiết có một đầu mối duy nhất đứng ra đảm nhiệm việc quản lý chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm để tránh phá vỡ quy hoạch và bị ép giá, vận động mở rộng sản xuất nhưng có sự giám sát chặt chẽ về quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Truy suất nguồn gốc và sản xuất theo chuỗi là giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm gà Tiên Yên theo hướng bền vững. Trong ảnh: Gia đình chị Phùn Thị Hạnh, xã Hải Lạng nhận gà giống về nuôi từ dự án “Hỗ trợ mô hình nuôi gà bản địa phát triển kinh tế gia đình theo chuỗi giá trị” của Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển TP Uông Bí. Ảnh: Hoàng Nga

Ðược biết, nhằm mục đích tạo sự kết nối giữa các hộ nông dân chăn nuôi gà trên địa bàn huyện để cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và kinh doanh gà, năm 2013, UBND huyện Tiên Yên đã thành lập Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Tiên Yên với 390 thành viên. Với sự tích cực, năng động của mình, Hội đã góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, do không có kinh phí hoạt động, không có trụ sở để tổ chức sinh hoạt và giao dịch, không được quản lý và sử dụng nhãn hiệu, nên đến nay Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Tiên Yên không triển khai được các hoạt động đề ra theo đúng mục đích ban đầu. Bên cạnh đó, theo phản ánh của Hội, chính đội ngũ Ban Chấp hành Hội lại không được tham gia các dự án phát triển đàn gà Tiên Yên do huyện triển khai trong thời gian qua, khiến cho các thành viên đã phải chuyển sang công việc khác, không tránh khỏi tâm lý chán nản, dẫn đến việc quản lý nhãn hiệu bị bỏ ngỏ. Ðiều này cho thấy đã đến lúc phải trao cho Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Tiên Yên “thực quyền”, được huyện đầu tư địa điểm thành lập văn phòng giao dịch, được đứng ra chịu trách nhiệm các hoạt động quản lý, tiêu thụ gà Tiên Yên… chứ không phải theo kiểu “đánh trống ghi tên” như thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục phát huy giải pháp đeo thẻ cho gà (đã từng làm thời gian trước), tuy nhiên thẻ đeo này phải theo một mẫu chung, có thông tin cụ thể của chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh để ràng buộc trách nhiệm và nâng cao ý thức của chính những cơ sở này về sản phẩm của mình.

 

Ðể đảm bảo chất lượng gà Tiên Yên thì việc kiểm soát nguồn giống là vô cùng quan trọng. Trong ảnh: Kiểm tra trứng gà giống tại Công ty CP Phát triển chăn nuôi nông, lâm nghiệp Bình Minh, xã Yên Than (Tiên Yên).

 

…và giải pháp quản lý theo chuỗi

Xây dựng một thương hiệu đã khó, giữ gìn và phát triển thương hiệu còn khó hơn nhiều lần. Thực tế cho thấy, quá trình huyện Tiên Yên triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng các tiêu chí để được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận cho gà Tiên Yên cũng mất đến 3 năm, chưa kể trước đó cũng mất nhiều năm liền để “thai nghén” ý tưởng và công tác chuẩn bị. Vì vậy, việc giữ gìn và phát triển thương hiệu gà Tiên Yên thật sự cần được tổ chức bài bản với định hướng và sự vào cuộc của Nhà nước để cùng với người dân, doanh nghiệp tạo ra sức sống cho sản phẩm.

Thạc sĩ Hoàng Xuân Trường (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp), chủ nhiệm Dự án xây dựng thương hiệu gà Tiên Yên cho rằng: Tất cả các sản phẩm có thương hiệu tốt đều sẽ bị làm giả, làm nhái, đấy là quy luật của thị trường. Muốn ngăn chặn việc này, chúng ta không chỉ sản xuất theo chuỗi mà công tác quản lý thực tế cũng phải theo chuỗi. Ðối với các thương hiệu nông nghiệp, hạn chế đầu tiên là ở thể chế quản lý chung còn kém, cộng với các chế tài răn đe, xử phạt gần như không được thực thi một cách nghiêm túc. Nếu như ở nơi nào, địa phương và các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt thì sản phẩm ấy mới phát triển tốt. Riêng với sản phẩm gà Tiên Yên, để gìn giữ và nâng cao danh hiệu, việc cần nhất bây giờ là phải xây dựng được một hệ thống truy suất nguồn gốc bằng cả sổ sách và điện tử. Có nghĩa là phải quản lý các hộ chăn nuôi từ diện tích nuôi, nguồn gốc nhập con giống, số lượng gà giống mua về nuôi, thời điểm mua, lịch tiêm phòng, thời điểm bán, số lượng bán ra… Ðồng thời, chủ thương hiệu, cũng là chính quyền địa phương cũng phải giao được cho một đơn vị nào đó định vị được thị trường tiêu thụ, khách hàng mục tiêu, đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm để “bao sân” thị trường. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, có các biện pháp xử lý quyết liệt đối với những hộ vi phạm về quy trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng dịch, không ý thức được đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến thương hiệu gà Tiên Yên như không cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu, không hỗ trợ xúc tiến thị trường…

Có thể khẳng định, việc xây dựng và tạo lập được thương hiệu gà Tiên Yên là thành công của huyện Tiên Yên, từ đây đã nâng cao hơn hẳn về giá trị cho con vật nuôi của địa phương này. Tuy nhiên, nếu như việc xây dựng thương hiệu đã khó thì việc giữ thương hiệu còn khó hơn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chủ sở hữu thương hiệu gà Tiên Yên là huyện Tiên Yên phải giữ vai trò chủ đạo, khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục các yếu kém, tồn tại. Trong đó trước mắt phải thắt chặt công tác quản lý, đồng thời không chỉ chăn nuôi theo chuỗi mà quản lý cũng phải theo chuỗi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây