Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn

: Thứ năm - 13/10/2016 23:20  |  Đã xem: 1294
Trong cuộc đời làm nông của mình, ông đã từng trồng lúa, trồng mía, trồng dưa hấu nhưng đều gặp khó khăn. Khi chuyển sang sản xuất nấm sò thấy ngon ăn nhưng ngặt nỗi không xử lý được nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm nên bị thất thoát lớn.

Ông mày mò nghiên cứu, cuối cùng sáng chế ra thiết bị bảo đảm tối đa nhiệt khử trùng phôi nấm, nhờ đó tỷ lệ bịch phôi nấm đạt thành phẩm tăng đến gần 100%.

Ông Hòa (bìa phải) đang chụm lò tạo nhiệt khử trùng phôi nấm 

Sáng kiến này được Hội Nông dân và Sở KH-CN Bình Định trao giải Nhất “Hội thi sáng tạo nhà nông” năm 2015 và tiếp tục được Bộ NN-PTNT xét chọn công nhận nông dân có sáng kiến, sáng chế. Ông là Đỗ Đình Hòa (54 tuổi) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Quá khó “ló” khôn Những ngày đầu khởi nghiệp làm nấm sò, ông Hòa khử trùng bịch phôi nấm bằng cách lấy nhiệt từ chảo nước sôi bình thường, nhưng lượng nhiệt này chỉ đạt dưới 1000C, trong khi để có thể khử trùng triệt để cho những bịch phôi nấm, cần độ nhiệt phải đạt cao hơn. Do đó, trong những mẻ nấm, số lượng bịch phôi bị hỏng chiếm đến 20%, nhất là những bịch phôi được xếp bên dưới. Tìm hiểu, ông Hòa biết là nếu sử dụng nồi áp suất thì độ nhiệt sẽ tăng lên và làm giảm được lượng bịch phôi hư hỏng. Nghiên cứu kỹ, ông Hòa thấy nồi áp suất vẫn còn hạn chế khá lớn là chỉ nấu được mỗi mẻ có hơn 600 bịch phôi, trong khi đó để có nó phải tiêu tốn đến 17-18 triệu đồng. Không chọn phương án này, ông Hòa tiếp tục tìm tòi qua các phương tiện truyền thông, cuối cùng ông cũng gặp được cơ duyên. “Một hôm, tôi đọc báo biết chuyện 1 kỹ sư người Đức “thu gom” hơi nhiệt trong những con người tỏa ra ở những ga tàu điện ngầm bằng 1 thiết bị tích tụ nhiệt và từ lượng nhiệt này đã có thể “sưởi” cho toàn thành phố. Một hôm đứng chụm lò, thấy hơi nóng trong lò tỏa ra dữ dội, tôi nhớ lại bài báo kia và chợt nghĩ làm cách nào tận dụng được lượng nhiệt thừa này để làm tăng nhiệt độ trong lò khử trùng bịch phôi. Nghĩ mãi đêm này qua đêm kia, tháng này qua tháng nọ, thử cách này thất bại tôi thử cách khác. Cuối cùng cách làm đơn giản nhất lại thành công”, ông Hòa kể. Thiết bị đơn giản mang đến thành công của ông Hòa là 1 cái hộp sắt khoảng gần 30 kg được hàn kín, rỗng ruột. Hộp sắt này có khích thước 45x20x10cm, 2 đầu nối 2 ống sắt thông từ chảo nước dẫn nhiệt ẩm vào lò khử trùng bịch phôi. Hộp sắt này được đặt sát thành lò, bên cạnh đáy chảo.

Mỗi lứa nấm thu hoạch kéo dài đến 3-4 tháng “Khi tôi chụm lửa đến khi chảo nước sôi bùng, khi ấy cái hộp sắt “ăn” lửa đã đỏ rực, lúc này nhiệt của chiếc hộp sắt cung cấp cho lò khử trùng bịch phôi lên đến 1600C. Nhờ đó tỷ lệ bịch phôi hư hỏng giảm xuống chỉ còn 1%-2%. Đặc biệt, làm thiết bị này chỉ tiêu tốn 1,2 triệu đồng, nhưng có thể khử trùng được hơn 6.000 bịch phôi, cao hơn gấp 10 lần so dùng nồi áp suất”, ông Hòa chia sẻ. Làm tăng năng suất nấm Theo ông Hòa, nghề làm nấm cần diện tích đất ít nhưng cho thu nhập cao, chỉ cần 5-6 sào đất mỗi năm cầm chắc khoản doanh thu hơn 200 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Cũng diện tích đó nếu trồng mì, trồng mía hết mồ hôi cũng không kiếm ra khoản thu nhập trên. Đầu ra của cây nấm từ thị trường trong tỉnh đến ngoài tỉnh luôn ổn định, những dịp rằm hoặc cuối tháng âm lịch không có nấm để bán. Ông Hòa không chỉ sáng kiến trong việc nâng nhiệt khử trùng phôi nấm, ông còn sáng kiến trong việc chọn nguyên liệu để làm nấm. Thông thường, những người làm nấm sò chỉ dùng nguyên liệu bột cưa, nhưng ông Hòa đã thử nghiệm dùng nguyên liệu bã mía và đã thành công mỹ mãn. Trước đây, bã mía thì vô tư, bởi huyện Tây Sơn là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Bình Định, nơi ông sản xuất nấm lại ở gần Nhà máy Đường Bình Định. Ông Hòa tính toán: “Nếu sử dụng 1 xe bã mía 22 khối thì nó sẽ cho ra 4 lò, mỗi lò cho ra 800 bịch phôi, so với sử dụng nguyên liệu bột cưa cùng khối lượng, làm bã mía sản lượng tăng hơn 1/3 lần. Giá mua bã mía rẻ hơn bột cưa gấp nhiều lần mà sử dụng bã mía tốc độ ra nấm rất nhanh, năng suất lại cao hơn. Một bịch phôi bã mía (1,2kg) cho thu hoạch 4 lạng nấm thì 1 bịch phôi bột cưa (1,2kg) cho thu hoạch chỉ hơn 3 lạng. Đặc biệt, nấm làm từ bã mía ngon hơn nấm làm từ bột cưa”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, nếu sử dụng bã mía thời gian dài sẽ sinh bệnh rất nhiều, ví như bệnh mốc vàng hay bị côn trùng tấn công. Mà khi nấm đã bị côn trùng tán công thì rất khó trị và nhanh lây lan, chủ trại nấm có nguy cơ trắng tay. Do đó, sử dụng nguyên liệu bã mía 1 thời gian phải thay đổi qua sử dụng bột cưa.

Ông Hòa chỉ 1 thiết bị tích tụ nhiệt (hộp sắt) vừa làm thêm chưa sử dụng

 “Sử dụng bã mía khoảng 3 năm thì chuyển sang bột cưa, làm bột cưa 2-3 năm, trong thời gian này mầm bệnh đã bị tiêu diệt hết thì quay lại làm bã mía mới an toàn”, ông Hòa nói. Khi đã cải thiện được việc nâng nhiệt cho lò khử trùng nâng tỷ lệ bịch phôi thành phẩm từ 70-80% lên 98%, nâng cao năng suất nhờ sử dụng nguyên liệu bã mía và khống chế được dịch bệnh hại nấm, ông Hòa tăng quy mô sản xuất từ 1.000 bịch phôi/lứa lên đến 100.000 bịch/lứa tại 19 trại sản xuất nấm. Mỗi lượt thu hoạch kéo dài đến 3-4 tháng, khi nào thấy năng suất xuống kém thì thay phôi khác. “Tháng nào thu đạt thì được 2,5-2,6 tấn nấm, tháng nào thu kém thì 1,3-1,4 tấn, 1 năm thu bình quân 17-18 tấn, giá bán thấp nhất 20.000đ/kg, khi nấm hút hàng giá tăng đến 25.000đ/kg, mỗi tháng tôi thu tiền nấm khoảng 40 triệu đồng. Trừ hết chi phí nguyên liệu, công cán, tôi cầm chắc còn lãi ròng 20 triệu đồng”, ông Hòa phấn khởi cho hay. Nhờ Báo Nông nghiệp Việt Nam “Những năm trước, đến mùa nắng nóng tôi thường bị thất bại vì giống nấm làm trong mùa đông không chịu được thời tiết mùa hè. Nhờ đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam, một hôm tôi thấy có bài của GS Nguyễn Lân Dũng tư vấn 1 giống nấm sò mới ưa nhiệt có tên là Phượng Vĩ có thể làm được trong thời tiết nắng nóng. Vậy là tôi đưa giống nấm này vào làm và từ đó có thể sản xuất liên tục trong năm đạt hiệu quả cao”, ông Đỗ Đình Hòa chia sẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây