Tạo giống bò lai thịt triển vọng cho Bình Định.

: Thứ hai - 12/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1339
Sau 21 tháng nuôi, bò lai F1 đạt trọng lượng trên 400kg/con, có tính thích nghi cao, ít bệnh tật. Đây là giống bò lai nuôi thịt mới, triển vọng cho Bình Định.
Vừa qua, Hội đồng Khoa học tỉnh Bình Định kiểm tra khu thí nghiệm nuôi 8 con bò lai F1 nuôi nhốt tập trung tại Trại Gia súc lớn và Đồng cỏ Long Mỹ (trại Long Mỹ) thuộc Trung tâm Giống vật nuôi Bình Định. Thực tế cho thấy ngoại hình bò lai khá đẹp, lông màu vàng đậm hoặc cánh gián; mặt ngắn, đầu tròn, mông nở; rốn, yếm thõng; u, vai nhỏ; cổ và tai dài vừa phải; chân hơi thấp. Những người có chuyên môn cho rằng trong số bò này có trọng lượng khoảng từ trên 400 - 500 kg/con. Mổ khảo sát để đánh giá năng suất thịt tại chỗ một con lai F1, có vóc dáng hơi nhỏ hơn những con khác, kết quả cho thấy trọng lượng thân trên 400kg, tỷ lệ thịt xẻ chiếm 59,5% (240kg), tỷ lệ thịt tinh 44% (170kg). Các chỉ tiêu khác như độ mỡ, nội tạng, xương… cũng được cân đo cụ thể, để có đánh giá chính xác, khoa học. Tất cả có 4 con bò lai F1 tròn 21 tháng tuổi của 2 cặp lai được mổ khảo sát. Đề tài thiết lập 2 khu vực nuôi thí nghiệm: Một khu giành cho con lai F1 (đực Red Angus lai với cái nền lai Brahman) và một khu cho con lai F1 (đực Drought Master lai với cái nền Brahman). Mỗi khu nuôi 14 con, được bố trí nuôi trong dân ở huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và tại trại Long Mỹ. Trừ trại Long Mỹ là nuôi nhốt, còn trong dân nuôi nhốt kết hợp với chăn thả. Kết quả sau 21 tháng nuôi, tại trại Long Mỹ tăng trọng cao nhất, từ 412 - 417 kg/con. Còn trong dân đạt từ 323 - 355 kg/con. Bình quân cả 2 khu nuôi thử nghiệm đối với 2 công thức lai, sau 21 tháng nuôi đạt bình quân từ 354 - 363 kg/con. Tính ra tăng trọng bình quân trong giai đoạn 19 - 21 tháng tuổi cả 2 công thức lai đạt từ 541 - 640 gr/con/ngày. Kết quả này theo đánh giá ban đầu là đạt yêu cầu theo như mục tiêu đề ra.

Đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và sản xuất thịt của bò lai F1 giữa bò đực Drought Master, Red Angus với bò cái nền lai Brahman” do ThS. Nguyễn Xuân Tân, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Bình Định thực hiện trong thời gian từ 7/2013 - 7/2016 Theo báo cáo của đề tài, từ tinh của 2 giống bò ngoại, hướng thịt Red Angus và Drought Master đem phối với 200 con bò cái nền lai Brahman (có từ 75% máu Brahman trở lên và đạt trọng lượng từ 250 kg/con trở lên) nuôi trong nông hộ ở huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn. Kết quả có 149 con có thai, đạt tỷ lệ thụ thai 74,5%. Con bê F1 (đực Red Angus X cái Brahman) có màu đỏ, vằn vàng đỏ nhạt. Con bê lai F1 (đực Drought Master X cái Brahman) có lông màu vàng đậm hoặc màu cánh gián. Cả 2 con lai có ngoại hình đẹp nở nang, khỏe mạnh; đầu, cổ ngắn, chân hơi thấp… Trọng lượng bê sơ sinh đạt 26,8 - 27,1 kg/con. Con lai F1 của 2 giống bắt đầu 3 tháng tuổi được nuôi với 2 dạng thức khác nhau: Nuôi nhốt ở trại Long Mỹ và nuôi nhốt kết hợp với chăn thả ở trong nông hộ. Theo dõi tăng trọng từng thời kỳ khác nhau: 3; 6; 9; 12; 15; 18 và 21 tháng tuổi. Từ 7 - 12 tháng tuổi khẩu phần ăn 20kg cỏ xanh/con/ngày cùng với 1,5kg thức ăn tinh/con/ngày đối với nuôi nhốt tại trại Long Mỹ, còn trong dân theo thứ tự giảm còn 8 - 10kg thức ăn thô xanh và 0,8 - 1,0kg thức ăn tinh. Sau 12 tháng đạt trọng lượng 215 - 217 kg/con; sau 21 tháng đạt trung bình 354 - 363 kg/con. Riêng tại trại Long Mỹ đạt 413 - 417 kg/con (thực tế đến giữa tháng 8/2016, theo các chuyên gia, có con đạt gần 500kg). Tất cả 28 con nuôi thí nghiệm đều sống phát triển tốt Theo ông Nguyễn Xuân Tân- chủ nhiệm đề tài: Nhìn chung đàn bò lai F1 sau 21 tháng tuổi của 2 giống đều khỏe mạnh ít bệnh tật. Tỷ lệ nhiễm sán lá gan 60,7%, sán dạ cỏ 64,3%, do người nuôi chăn thả những vùng trồng lúa trũng ở Phước Quang, Phước Hòa (Tuy Phước), Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu (TX. An Nhơn) nên nhiễm ấu trùng giun sán. Tuy vậy sau tẩy giun sán theo định kỳ thì đàn bê âm tính với giun, sán lá gan.

Theo những người thực hiện đề tài 2 giống bò lai F1 chuyên thịt thích nghi với điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn tại chỗ; tăng trọng khá, có triển vọng phát triển ở tỉnh Bình Định. Đề tài đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi để chuyển giao cho người dân.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây