Cần quan tâm, hỗ trợ các trang trại vừa và nhỏ tái đàn

: Thứ ba - 31/12/2019 01:54  |  Đã xem: 1414
Cho đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố, số lợn phải bị tiêu hủy đã lên tới gần 6 triệu con.
 
665x448 15 03 39 img 7328
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN- PTNT thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt không xả thải LCASP tại Phú Thọ.
 

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt với thách thức vô cùng to lớn về đóng góp cho GDP của ngành nông nghiệp trong năm 2019. Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng phi mã vào dịp giáp Tết Canh Tý, việc ổn định giá lợn, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng.  

Đàn lợn thịt trước và sau khi có dịch

Năm 2018, cả nước có khoảng 2,9 triệu hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa, trung bình khoảng 5 – 10 con lợn/hộ, đồng thời có khoảng 9.770 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 1.000 – 1.300 con lợn/ trang trại. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2018, cả nước có khoảng 28,1 triệu con lợn, trong đó, các trang trại chiếm 45% (khoảng 12,6 triệu con lợn).

Trong cơ cấu nguồn cung thịt lợn ở nước ta, chăn nuôi quy mô trang trại chỉ cung cấp khoảng 53% sản lượng, phần còn lại vẫn chủ yếu do các trang trại vừa, nhỏ và nông hộ đảm bảo. Như vậy, so với năm 2008, số lượng các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ giảm đi đáng kể và số lượng lợn chăn nuôi trung bình của một hộ tăng dần lên.

 

Theo tính toán của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP), chăn nuôi nông hộ có giá thành 35.000 đồng/kg thịt lợn. Nếu giá bán lợn xuất chuồng khoảng 40.000 đồng/kg thì với quy mô chăn nuôi 5 con lợn và nuôi một năm 2 lứa, người chăn nuôi sẽ có tỷ suất lợi nhuận (IRR) 37% sau khi đã trừ lãi suất vay ngân hàng là 12%.

Nếu quy mô chăn nuôi khoảng 50 con lợn thì người chăn nuôi sẽ có tỷ suất lợi nhuận khoảng 70%. Đây là tỷ suất lợi nhuận khá cao. Do vậy, với giá lợn gần 90.000 đồng/kg như hiện nay sẽ rất khó ngăn cản các hộ chăn nuôi và các trang trại nhỏ tái đàn.

 

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nhiều hộ chăn nuôi lợn trang trại nhỏ tạm dừng chăn nuôi chờ hết dịch khiến nguồn cung thịt lợn giảm sút. Với tỷ suất lợi nhuận khá cao và đóng góp khoảng 47% nguồn cung thịt lợn thì vai trò của các hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại nhỏ vẫn sẽ còn quan trọng trong cơ cấu chăn nuôi nước ta trong 10- 20 năm tới. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm đến những giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại nhỏ tái đàn đảm bảo an toàn dịch bệnh.  

Công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải

Chăn nuôi lợn thịt ở nước ta đang áp dụng phương thức chăn nuôi lạc hậu và gây ô nhiễm do sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát. Do sử dụng từ 30 – 50 lít nước/lợn/ngày nên một lượng lợn chất thải chăn nuôi lợn thịt bị hòa loãng (nồng độ chất khô chỉ từ 0,5 – 0,8%) không thể thu gom để làm phân bón hữu cơ nên chỉ còn cách xả thải trực tiếp xuống nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm biogas vốn đã thường xuyên bị quá tải.

15 03 39 img 7316
Thời gian vừa qua, các hộ chăn nuôi theo công nghệ này của dự án LCASP vẫn tiếp tục tái đàn mà chưa có trường hợp nào bị nhiễm dịch.
 

Chính việc để chất thải chăn nuôi lợn xả xuống nguồn nước hàng ngày tạo điều kiện cho dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh và không thể kiểm soát. Khi một hộ chăn nuôi hay một trang trại lợn bị dịch để chất thải chăn nuôi xuống nguồn nước thì các hộ chăn nuôi và các trang trại khác lấy nước để tắm lợn hay cho lợn uống đều có khả năng lây nhiễm dịch cao. Thậm chí khi con người và các phương tiện, dụng cụ trong quá trình đi lại, vận chuyển vẫn có khả năng tiếp xúc với nguồn nước và dẫn đến lây lan dịch ASF.

 

Năm 2018, dự án LCASP đã thử nghiệm công nghệ chăn nuôi lợn thịt không sử dụng nước làm vệ sinh chuồng trại và làm mát lợn của Đan Mạch cho các trang trại lợn quy mô nhỏ từ 50 – 300 lợn tại Phú Thọ và Bắc Giang.

Kết quả rất khả quan, do chăn nuôi lợn không sử dụng nhiều nước nên chất thải chăn nuôi không bị hòa loãng , có thể thu gom toàn bộ để làm phân chuồng. Các hộ chăn nuôi vừa không phải xả thải chất thải ra môi trường lại vừa thu được lợi nhuận cao từ tiết kiệm công lao động (người chăn nuôi hầu như không phải dọn chuồng mỗi ngày 1- 2 lần nữa), tiết kiệm tài nguyên nước và bán phân chuồng đã ủ làm phân bón hữu cơ.

Dự án LCASP đã xây dựng quy trình công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải ra môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa (từ 50 – 1.500 lợn) và đề xuất sử dụng công nghệ này để thay thế công nghệ chăn nuôi lợn thịt sử dụng nhiều nước đang rất lạc hậu và ô nhiễm ở nước ta hiện nay.

Thời gian vừa qua, các hộ chăn nuôi theo công nghệ này của dự án LCASP vẫn tiếp tục tái đàn mà chưa có trường hợp nào bị nhiễm dịch. Một số hộ chăn nuôi đã phỏng đoán là nuôi lợn theo phương thức này của dự án LCASP đã làm cho con lợn khô ráo, tăng sức đề kháng hơn so với phương thức chăn nuôi sử dụng nhiều nước như truyền thống. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi theo công nghệ này đã không phải trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để phòng các bệnh tiêu hóa và hô hấp của lợn nữa.

Tóm lại, chăn nuôi lợn thịt quy mô trang trại nhỏ đang là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân và sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn cung thịt lợn của nước ta.

Do vậy, Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ các công nghệ và giải pháp phù hợp để các hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại nhỏ có thể tái đàn đảm bảo an toàn sinh học nhằm ổn định nguồn cung thịt lợn trong nước và duy trì sinh kế cho hàng triệu hộ chăn nuôi sau dịch tả lợn lợn châu Phi.

Công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải của dự án LCASP là công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước đã được các nước phát triển như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, ... áp dụng hơn 20 năm nay có thể là một trong số các lựa chọn để Bộ NN- PTNT tham khảo và xem xét cùng với các công nghệ khác nhằm hỗ trợ người chăn nuôi lợn tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

https://nongnghiep.vn/
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây