Giới thiệu chung
I. Giới thiệu chung:
Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) là Dự án vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được thực hiện trong 6 năm (2013-2019).
Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học của Dự án LCASP là nhằm cung cấp tín dụng cho các khách hàng là nông dân, hộ chăn nuôi, chủ trang trại và các doanh nghiệp để xây dựng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường đi kèm thông qua các Định chế tài chính.
Tổng số vốn cho Hợp phần Tín dụng là 42 triệu USD, trong đó vốn ADB là 35,7 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của các Định chế tài chính.
Các định chế tài chính tham gia Dự án: Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh bao gồm Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.
II. Điều kiện vay vốn từ Dự án:
* Là các pháp nhân và cá nhân/nhóm cá nhân Việt Nam đang và sẽ tiến hành các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các địa bàn nằm trong vùng triển khai Dự án;
* Có nhu cầu vay vốn để xây dựng các chuỗi giá trị KSH đạt tiêu chuẩn;
* Cam kết tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật đối với vận hành và duy tu bảo dưỡng;
* Có khả năng và sẵn sàng trả nợ đúng hạn, đầy đủ gốc, lãi tiền vay cho ngân hàng;
* Tuân thủ Quy định của ngân hàng cho vay và các quy định khác về đảm bảo tiền vay.
III. Quy mô công trình và các hạng mục cho vay:
1. Quy mô công trình và định mức cho vay:
Quy mô
|
Kích thước (m3)
|
Mức vay tối đa
(VNĐ)
|
Thời gian cho vay
|
Nhỏ
|
50 m3
|
100.000.000
|
5 năm
|
Vừa
|
51- 499 m3
|
1.700.000.000
|
10 năm
|
Lớn
|
500 m3
|
3.740.000.000
|
10 năm
|
2. Các hạng mục cho vay:
i) Công trình khí sinh học: được xây dựng/lắp đặt bởi các thợ xây, nhà thầu được Dự án cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ cho Dự án;
ii) Các hạng mục liên quan đến việc xử lý môi trường đi kèm:
Nội dung về gói môi trường đối với các công trình KSH quy mô nhỏ:
* Hố khử trùng hoặc vòi nước rửa chân tay khi ra vào chuồng trại nhằm tránh truyền nhiễm bệnh cho gia súc.
* Hệ thống thu gom chất thải nhằm đảm bảo chỉ đưa xuống hầm KSH lượng chất thải phù hợp với công suất xử lý của hầm và có phương tiện xử lý chất thải thừa.
* Bể chứa phụ phẩm hoặc bể lắng, lọc nhằm xử lý nước thải sau công trình KSH trước khi đem bón ruộng.
* Các thiết bị để sử dụng triệt để khí ga thừa và điện năng sinh ra từ KSH (bếp đun ga, bình nóng lạnh sử dụng ga, đèn thắp sáng bằng ga, lò sưởi ga v.v hay hệ thống sử dụng ga, điện chung giữa các hộ liền kề.)
* Các chủ công trình KSH phải tham gia vào các lớp đào tạo, tập huấn về vận hành, bảo dưỡng các công trình KSH và có ý thức bảo vệ môi trường chăn nuôi đảm bảo không truyền nhiễm các bệnh cho gia súc; xử lý chất thải thừa bằng các biện pháp khác (ủ phân compost, nuôi giun, làm thức ăn cho cá,...); xử lý cặn, nước thải sau công trình KSH làm phân bón hữu cơ; sử dụng hết, không xả trực tiếp khí ga thừa ra ngoài môi trường v.v.
Nội dung về gói môi trường đối với các công trình KSH quy mô vừa và lớn dạng xây gạch nắp cố định:
* Hố khử trùng khi ra vào chuồng trại nhằm tránh truyền nhiễm bệnh cho gia súc.
* Hệ thống thu gom chất thải đảm bảo chỉ đưa xuống công trình lượng chất thải phù hợp với công suất xử lý của công trình KSH.
* Bể lắng, để xử lý nước thải sau công trình KSH.
* Các thiết bị nhằm sử dụng triệt để khí ga sản sinh ra công trình KSH: bếp, bình nước nóng, đèn thắp sang, đèn sưởi, máy phát điện, đầu đốt chuyên dụng.
* Chủ công trình KSH được đội thợ xây/cán bộ kỹ thuật của nhà thầu và Kỹ thuật viên của Dự án hướng dẫn cách vận hành và bảo dưỡng công trình KSH. Các chủ công trình cũng sẽ được hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chăn nuôi; xử lý chất thải thừa bằng các biện pháp (ủ phân compost, nuôi giun, làm thức ăn cho cá,…); xử lý cặn, nước thải sau công trình KSH làm phân bón hữu cơ; không xả trực tiếp khí ga thừa ra ngoài môi trường v.v.
Nội dung về gói môi trường đối với các công trình KSH quy mô vừa và lớn công nghệ hồ phủ bạt HDPE:
* Hố khử trùng khi ra vào chuồng trại nhằm tránh truyền nhiễm bệnh cho gia súc.
* Hệ thống thu gom chất thải nhằm đảm bảo chỉ đưa xuống công trình lượng chất thải phù hợp với công suất xử lý của công trình KSH
* Hệ thống hồ sinh học nhằm xử lý nước thải sau công trình KSH
* Các thiết bị nhằm sử dụng triệt để khí ga sản sinh ra từ công trình KSH: bếp, bình nước nóng, đèn thắp sang, đèn sưởi, máy phát điện, đầu đốt chuyên dụng,…
* Chủ công trình KSH được Cán bộ kỹ thuật của nhà thầu và Kỹ thuật viên của Dự án hướng dẫn cách vận hành và bảo dưỡng công trình KSH quy mô vừa và lớn. Các chủ công trình cũng sẽ được hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chăn nuôi; xử lý chất thải thừa bằng các biện pháp (ủ phân compost, nuôi giun, làm thức ăn cho cá,…); xử lý cặn, nước thải sau công trình KSH làm phân bón hữu cơ; không thả trực tiếp khí ga thừa ra ngoài môi trường v.v.
IV. Lãi suất.
Tối đa bằng 90% mức lãi suất chi nhánh cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp từng thời kỳ
V. Vai trò của các Ban quản lý dự án tỉnh.
* Ban quản lý dự án các tỉnh hỗ trợ và kết hợp chặt chẽ với các Ngân hàng và chính quyền địa phương để xác định nhu cầu xây dựng, đào tạo và vay vốn của các hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp xây dựng công trình KSH.
* Phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp làm các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng.
Phối hợp với các Ngân hàng và Ban QLDA Trung ương trong việc quản lý, giám sát chất lượng xây dựng, tiêu chuẩn về an toàn môi trường của các công trình KSH vay vốn tín dụng dự án.
Dự án LCASP