Mô hình chuỗi liên kết thu gom, chế biến và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại

: Thứ năm - 29/03/2018 10:13  |  Đã xem: 1678
Hiện tại, mỗi năm Việt nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón hóa học, song chỉ có hơn 1 triệu tấn phân bón hữu cơ thương phẩm. Trong khi đó hàng năm, ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn và chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...).

Sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi – thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ

Số còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm. Như vậy, nếu có giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nhằm thay thế một phần lượng phân bón hóa học sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường
 

Tang luc cho giao duc nghe khi sinh hoc bai 5 1521973125 width500height318
Mô hình Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy ép tách phân của dự án LCASP. 
 

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Lcasp) đã tập trung vào xây dựng các mô hình chuỗi liên kết thu gom, chế biến và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi

Một mặt, dự án hỗ trợ các chủ trang trại chăn nuôi lớn công nghệ giúp thu gom và tách chất thải rắn để sản xuất nguyên liệu phân bón hữu cơ, thông qua ủ phân compost quy mô lớn ngay tại khuôn viên trang trại. Mặt khác, dự án tìm cách kết nối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ thương phẩm như Tập đoàn Quế Lâm Phương Bắc, Công ty Phân bón BIFFA, Công ty Phân bón Thiên Sinh, Bình Điền… để kết nối các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ do các chủ trang trại sản xuất ra. Nếu các chủ trang trại có được lợi nhuận tốt từ việc sản xuất nguyên liệu phân bón hữu cơ từ phân chuồng thì mạng lưới thu gom chất thải chăn nuôi sẽ tự phát hình thành và kết nối với đầu tiêu thụ của các doanh nghiệp phân bón.

Ông Phạm Anh Cường – Trưởng Phòng nghiên cứu và phát triển của Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: “Sản xuất phân bón hữu cơ theo quy mô công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì ngoài một số trang trại lớn chúng ta có thể gom tập trung, còn các trang trại nhỏ hoặc quy mô chăn nuôi hộ gia đình muốn thu gom phân đủ số lượng lớn để đưa vào sản xuất rất khó. Là một đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, chúng tôi cũng rất muốn kết hợp với các trang trại và ký hợp đồng với nông dân để có nguồn đầu vào ổn định vì như thế chúng tôi mới sản xuất ổn định, làm chủ được thị trường. Nếu như Nhà nước có chính sách hỗ trợ để các hộ gồm cả trang trại lớn và gia trại tạo thành một hệ thống, mạng lưới để chúng tôi có thể tận thu được tất cả các nguồn chất thải chăn nuôi một cách ổn định thì sẽ thúc đẩy được việc sản xuất phân hữu cơ theo cách tốt hơn”.

"Do quy định cấm vận chuyển chất thải chăn nuôi chưa được xử lý ra ngoài trang trại nên chỉ còn cách khuyến khích các chủ trang trại xử lý ủ phân compost trước khi thu gom, vận chuyển đến các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ thì mới có thể hình thành được chuỗi giá trị sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Thế Hinh -Giám đốc dự án LCASP

Mang lại hiệu quả thiết thực

Dự án còn mong muốn hình thành các đội chuyên xử lý môi trường chăn nuôi cho các chủ trang trại thông qua các mô hình máy ép tách phân di động. Tại mô hình này, các đội xử lý môi trường chuyên nghiệp sẽ đến các trang trại có quy mô dưới 500 lợn để ép tách phân và ủ tại chỗ, sau đó định kỳ sẽ đến thu gom nguyên liệu để vận chuyển bán cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ.

Bước đầu những mô hình này đã chứng minh được hiệu quả tích cực trong việc xử lý chất thải chăn nuôi và thuyết phục được các trang trại làm theo bằng hiệu quả thực tế mà công nghệ mang lại. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là hướng đi đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của Việt Nam.

http://danviet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây