Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chủ yếu là phân chuồng, rác thải trong nông nghiệp và men vi sinh
Năm 2016, gia đình chị Hiền cũng như 49 hộ dân khác trong thôn được Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn chuyển giao mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chị đã làm thử với số lượng hơn 2 tấn. Sau khi sử dụng loại phân này bón cho cây trồng chị Hiền nhận thấy năng suất cây trồng đạt cao hơn hẳn, không chỉ có vậy đất đai còn tơi xốp giảm thiểu sâu bệnh, làm sạch nguồn nước và không gây ô nhiễm môi trường.
Nhờ làm được nguồn phân bón sạch mà các loại rau hay củ quả làm ra cũng đảm bảo chất lượng bởi không phải sử dụng đến các loại phân bón hóa học, gia đình tôi cũng như những hộ dân nơi đây rất yên tâm sử dụng khi sản phẩm sạch do chính mình làm ra.
Bà con có thể chủ động được nguồn phân bón với cách làm đơn giản như sau: Để làm được 1 tấn phân hữu cơ vi sinh người dân chỉ cần dùng 8 tạ phân chuồng, 2 tạ rác thải nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây ngô, trú, mùn cưa…, 1 kg chế phẩm vi sinh. Các loại nguyên liệu trên được trộn đều với nhau rồi ủ trong khoảng thời gian 30 ngày là có thể sử dụng để bón cho các loại cây trồng. |
Anh Nguyễn Quang Phùng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn cho biết: Hiện, toàn huyện có 250 hộ ở 5 xã Đức Sơn, Cẩm Sơn, Tam Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn áp dụng thí điểm mô hình này. Qua thực tế cho thấy mô hình phân vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay toàn huyện Anh Sơn có tổng đàn trâu bò trên 37.000 con, đàn lợn trên 60.000 con, cùng với đó mỗi vụ nông dân sản xuất trên 6.200 ha ngô, lúa, rau màu các loại. Với số lượng phụ phẩm nông nghiệp và nguồn chất thải trong chăn nuôi lớn lại sẵn có giúp cho người nông dân áp dụng mô hình một cách hiệu quả. Với cách làm này không chỉ góp phần tăng năng suất, tạo ra được sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường mà còn bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng./.