Phát triển sản xuất lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa

: Thứ tư - 30/09/2015 10:20  |  Đã xem: 1462
(Mard-10/9/2015): Ngày 9/9/2015, tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa”.
Các báo cáo tại Diễn đàn tập chung vào các vấn đề chính như tình hình sản xuất và định hướng phát triển sản xuất lúa chất lượng vùng Miền núi phía Bắc; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất chế biến lúa gạo hàng hóa; Kết quả triển khai các mô hình giống và kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị ở vùng Miền núi phía Bắc; Kết quả chuyển giao TBKT phát triển sản xuất lúa chất lượng cao vùng Miền núi phía Bắc; Kết quả thực hiện Dự án sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 và những kinh nghiệm trong việc tổ chức phát triển, sản xuất, liên kết, mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng ở Lào Cai; Tình hình sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang và Kết quả sản xuất tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao trong nông hộ; Liên kết tổ nhóm nông dân trong cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa chất lượng…
Theo Cục Trồng trọt, hằng năm, sản lượng lúa tại các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đạt khoảng 3,3 triệu tấn/năm. Tỷ lệ diện tích gieo cấy bằng giống lúa chất lượng đạt khoảng 30%, trong đó vụ Mùa có tỷ lệ lúa chất lượng cao hơn (đạt khoảng 34%), vụ Đông Xuân tỷ lệ lúa chất lượng đạt khảng 24%; Một số tỉnh có tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao như Điện Biên (65%), Cao Bằng (trên 50%). Một số giống lúa chất lượng chủ yếu gồm: các giống lúa địa phương cổ truyền (Tẻ nương Mộc Châu, nếp Cẩm…), Séng Cù, nếp Tú Lệ, bào thai, giống lúa Japonica (ĐS1, J02…), Bắc thơm 7, IR64, Hương thơm 1, BC15, Nàng Xuân, T10…
Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao như tỉnh Lào cai đã xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn; tập trung sản xuất các giống lúa chịu lạnh cấy vụ Xuân (ĐS1, J01, J02); giống Bắc Thơm, Tám thơm gieo cấy vụ mùa; với quy mô diện tích 1.976 ha, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha/vụ; Vùng Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát; đã tập trung sản xuất các giống lúa bản địa (Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thẩm Dương) với quy mô diện tích trên 1 nghìn ha; năng suất đạt từ 45 - 52 tạ/ha/vụ; Vùng lòng chảo Điện Biên có khoảng 4.000 ha tập trung gieo cấy giống lúa chất lượng như bắc thơm số 7, IR64… năng suất trung bình đạt khoảng 6 tấn/ha/vụ. Tại Sơn La, có chương trình phát triển lúa gạo hàng hóa và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của huyện Phù Yên, với quy mô 1.000 ha sản lượng 10.000 tấn/năm. Ngoài ra, Phú Thọ cũng là một trong những địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung theo hướng “liền vùng, cùng trà, cùng giống”. Sản xuất lúa chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa thường từ 5 - 10 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa chất lượng nói riêng còn nhiều bất cập, chất lượng sản phẩm thấp, công tác bảo quản chế biến chưa cao dẫn tới khả năng cạnh tranh kém, sản xuất nhìn chung chưa gắn được với chế biến, thị trường. Hệ thống khuyến nông trong vùng còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Việc chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt chưa nhiều các doanh nghiệp đầu ra tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng hàng hóa. Sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu thông tin khoa học kỹ thuật và thị trường; vì vậy khả năng đầu tư và tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật, tư duy sản xuất hàng hóa của các hộ dân còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo vùng liên kết sản xuất và chất lượng sản phẩm…
Theo Tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát triển lúa chất lượng là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, giảm lượng phân bón thuốc trừ sâu nhưng đồng thời cũng giảm năng suất. Dù tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu đều phải quan tâm đến nhu cầu của thị trường để từ đó có kế hoạch sản xuất những sản phẩm phù hợp.
Tại Diễn đàn, Cục Trồng trọt đã đưa ra một số giải pháp chính nhằm phát triển sản xuất giống lúa chất lượng tại các tỉnh vùng TDMNPB, đó là: Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho toàn vùng; Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tuyển chọn, nhập nội các giống lúa chất lượng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích hợp với các vùng sinh thái cụ thể, phục tráng các giống lúa đặc sản địa phương có chất lượng và giá trị hàng hóa cao, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện gói các biện pháp kỹ thuật phù hợp với lúa chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng; Phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn, mở rộng qui mô sản xuất thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết nhóm nông dân; Tăng cường công tác khuyến nông nhằm giới thiệu các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, có hiệu quả để nông dân áp dụng và nhân rộng.Cũng tại diễn đàn, đại biểu và nông dân tham dự đã trực tiếp gửi câu hỏi đến Ban tổ chức tập trung vào những nội dung chính như chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất lúa, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, những giống lúa nào hiện nay có chất lượng, năng suất cao...
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Hội chợ Nông nghiệp, du lịch, thương mại vùng biên giới phía Bắc 2015. Với chủ đề “Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa”, diễn đàn đã thu hút gần 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp và đại diện các doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu của 7 tỉnh trong khu vực biến giới phía Bắc đến tham gia trao đổi, học tập kinh nghiệm./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây