Sản xuất tuần hoàn - nội dung mới trong tái cơ cấu nông nghiệp

: Thứ hai - 25/01/2021 11:03  |  Đã xem: 803
Nền Nông nghiệp Việt Nam trong những năm đất nước đổi mới đã đạt được những thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập hiện nay, Nông nghiệp Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thì công cuộc tái cơ cấu cần có những nội dung mới.
Theo đó, nền Nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu theo hướng: (1) Một nền Nông nghiệp thông minh, tùy đối tượng sản xuất, tùy vùng sản xuất, mục tiêu sản xuất mà ứng dụng công nghệ cho phù hợp. (2) Nông nghiệp đặc hữu, sản xuất những loại nông sản có tính khác biệt, người ta không có mà mình có. (3) Nông nghiệp hữu cơ. (4) Nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau. (5) Một nền Nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.
san xuat tuan hoan (2)
Thu gom rơm để trồng nấm. Ảnh Bá Quan

Nền Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người sản xuất chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong tương lai, nhất là khi Luật Chăn nuôi (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) quy định các tổ chức cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lý các chất thải chăn nuôi ở dạng rắn, lỏng, khí.

    Mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) trước đây là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản. Trong đó, vườn là hoạt trồng trọt, ao là các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chuồng là hoạt động chăn nuôi các gia súc, gia cầm… trong các hộ gia đình, gia trại,  trang trại.

    Nông nghiệp tuần hoàn hiện nay ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học với các men vi sinh trong các hoạt động trồng trọt, chế biến thức ăn, trong chăn nuôi, xử lý chất thải để làm phân bón. Phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi an toàn. Đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; men vi sinh vừa phòng trừ các tác nhân gây bệnh vừa giúp vật nuôi tăng cường sức chống chịu với dịch bệnh. Chất thải trong chăn nuôi cũng được xử lý làm phân bón bằng các loại chế phẩm vi sinh. Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (farm, food, feed, fertilizer: Trồng trọt, thực phẩm, chăn nuôi và phân bón) của tập đoàn Quế Lâm là ví dụ điển hình.

    Nông nghiệp tuần hoàn tạo ra hệ sinh thái rõ ràng hơn. Trong đó con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình xảy ra nhanh hơn. Vận hành theo trật tự của tự nhiên mang lại hiệu quả kinh tế.

    Mô hình sản xuất tổng hợp: Bò - trùn quế - cỏ/bắp - gia cầm - cá được thực hiện ở nhiều địa phương là một ví dụ khác. Theo đó, tận dụng phân bò tươi (phụ phẩm chăn nuôi) để nuôi trùn quế; lấy phân trùn quế làm phân bón trồng cỏ/bắp cho bò ăn. Khai thác thịt trùn quế làm thức ăn bổ sung cho gia cầm, cá… đang đem lại hiệu quả cao và bền vững.
 

san xuat tuan hoan (1)
Mô hình “lúa thơm, tôm sạch” ở huyện Mỹ Xuyên. Ảnh Bá Quan
 

 Mô hình “lúa thơm, tôm sạch” ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có thể coi là sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, chất thải sau vụ nuôi trong ao tôm là nguồn phân bón rất tốt để sản xuất lúa thơm, kết hợp sử dụng nấm xanh để trừ sâu rầy trong canh tác lúa thơm hữu cơ. Khi vùng nuôi tôm liên kết với nhà máy chế biến tôm xây dựng thành vùng nguyên liệu thì vỏ tôm có thể tận dụng để sản xuất chitin và chuỗi sản xuất toàn hoàn càng hiệu quả hơn.

    Tại vùng ngọt huyện Kế Sách, mô hình nông nghiệp tuần hoàn cần được nhân rộng là tận dụng rơm rạ để trồng nấm các loại, rơm rạ sau trồng nấm được ủ thành phân bón hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái.

    Tổng kết các mô hình sản xuất tuần hoàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Bởi lẽ, ở đó chúng ta mới tận dụng tất cả tài nguyên, tất cả sản phẩm của từng công đoạn thành giá trị cuối cùng trong một chuỗi”.

    Tại tỉnh Sóc Trăng, nông nghiệp tuần hoàn có tiềm năng phát triển với nhiều chuỗi sản xuất như: Áp dụng kết hợp trồng trọt với chăn nuôi bò, heo, gia cầm; nuôi tôm sạch kết hợp trồng lúa thơm; trồng lúa - trồng nấm rơm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn trái. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, cũng là nông nghiệp chia sẻ giúp không ai bị bỏ lại phía sau./.

https://soctrang.dcs.vn/
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây