Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt
Khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì vấn đề thuế quan không phải là trở ngại mà chính là hàng rào kỹ thuật với các thông số kỹ thuật kể trên. Chính vì vậy, việc chuyển hướng một phần nông nghiệp theo phương thức sản xuất hữu cơ đang được chú trọng, nhằm đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
"Chúng ta cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong một đơn vị phân bón, để giảm bớt khối lượng, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây trồng, qua đó giảm giá thành và hấp dẫn nông dân sử dụng”. GS-TS Nguyễn Văn Bộ
Sản xuất phân bón hữu cơ còn nhiều thách thức
Hiện nay, ngành trồng trọt mỗi năm loại ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía, ngành chăn nuôi loại ra 80 triệu tấn chất thải… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có 23 triệu tấn rơm rạ, 4,7 tấn trấu, 2,3 triệu tấn cám được thải loại. Từ những nguồn này, mỗi năm có thể sản xuất hàng chục triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình hộ nông dân.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Hiện nay, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh từ phân chuồng có rất nhiều. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, đặc biệt đối với chăn nuôi lợn thì phải sử dụng rất nhiều nước nên đã hoà loãng chất thải rắn, khiến việc thu gom và tận dụng nguồn phế phẩm chăn nuôi này thành phân hữu cơ rất khó khăn. Ngoài ra, việc thương mại hoá phân bón hữu cơ từ phân thải chăn nuôi còn hạn chế, bởi còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do cần bón một khối lượng lớn nên bất tiện hơn về vận chuyển và sử dụng so với phân hoá học. Tác động của phân bón hữu cơ cũng không nhanh như phân hoá học. Đặc biệt, sau nhiều năm sử dụng phân bón hoá học và thấy trước những tác dụng tức thời đến sinh trưởng, năng suất của cây trồng, đa số nông dân đã hình thành thói quen sử dụng và phụ thuộc vào phân bón hóa học”.
Cần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi
Việc phát triển phân bón hữu cơ đang gặp rất nhiều khó khăn, song các chuyên gia khẳng định đây là xu thế tất yếu. Trong chiến lược phát triển phân bón hữu cơ, Việt Nam cần thực hiện song song hai mô hình. Thứ nhất, mô hình các tập đoàn, tổng công ty, công ty đang sản xuất phân vô cơ chuyển một phần sang sản xuất phân bón hữu cơ. Thứ hai, mô hình hộ nông dân tự sản xuất phân hữu cơ.
Theo ông Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Việt Nam nên ban hành và thực hiện một chính sách quốc gia rõ ràng về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón hữu cơ, cụ thể hoá chính sách nhà nước về phân bón được xác định trong Nghị định 108. Chính sách này nhằm đảm bảo việc cung cấp phân bón hữu cơ ngày càng tăng, đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và giúp giảm sử dụng phân bón hóa học càng nhiều càng tốt, thông qua việc kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và hóa học.
“Mục tiêu này có thể đạt được khi có sự hỗ trợ và khuyến khích đúng mức cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và thương mại sản phẩm hữu cơ. Chuỗi giá trị phân bón hữu cơ cần được vận hành hiệu quả dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm sự hỗ trợ để tạo sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất chăn nuôi với các công ty sản xuất phân bón” - ông Bổng đánh giá.
GS-TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kiến nghị: “Cần nâng cao nhận thức của nông dân, cán bộ quản lý về tầm quan trọng của phân bón hữu cơ đối với phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia, thông qua các chương trình truyền thông đại chúng và hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ”.
http://danviet.vn