Hầm khí biogas: Làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả

: Chủ nhật - 25/09/2016 23:20  |  Đã xem: 1698
Hầm khí biogas đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, được người dân quan tâm.Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết cách sử dụng hầm để phát huy tối đa hiệu quả. Phóng viên báo Bắc Giang điện tử đã phỏng vấn Tiến sĩ Nông học Bùi Thế Hùng, điều phối viên Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) về vấn đề này.

Loại hầm xây phổ biến hiện nay

Xin ông cho biết khái quát về thực trạng sử dụng hầm khí biogas trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng ngày càng mở rộng. Trước đây, người chăn nuôi có thói quen sử dụng chất thải trong chăn nuôi để trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không qua bất kỳ một khâu xử lý nào. Nhưng từ đầu những năm 2000, người dân đã bắt đầu tiếp cận với hầm biogas. Tuy nhiên, việc tiếp cận còn nhiều hạn chế, do chưa có mô hình mẫu về sử dụng hầm biogas hiệu quả để tham khảo học tập. 

Từ năm 5 năm trở lại đây, khi các dự án hỗ trợ xây dựng hầm khí biogas, nhất là Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phong trào xây dựng hầm khí biogas bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bà con. Đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 27.463 công trình khí sinh học quy mô gia đình, trong đó, Dự án LCASP 2013 có khoảng 6 nghìn công trình. 

Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ hầm ủ biogas trong chăn nuôi đã góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại trong chăn nuôi như ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân; đồng thời tiết kiệm nhiên liệu, giảm sức lao động cho người chăn nuôi.

Thưa ông, có bao nhiêu loại hầm khí biogas? Loại nào phát huy hiệu quả tốt nhất?

Hiện nay có 3 loại hầm khí biogas là phủ bạt HDPE, sử dụng Composite và xây gạch. Mỗi loại hầm có những ưu, nhược điểm khác nhau, còn tùy vào điều kiện và quy mô chăn nuôi từng hộ. Chẳng hạn, với loại hầm phủ bạt HDPE, chi phí thấp nhất so với các loại công nghệ khác (khoảng 100 nghìn đồng -300 nghìn đồng /m3); thi công rất nhanh, ít có sự cố khi vận hành nhất, hiệu quả xử lý chất thải rất cao, độ bền cao. Đây là loại hầm tối ưu nhất hiện nay.

Còn loại hầm sử dụng Composite cũng có nhiều ưu điểm như vật liệu có độ chống thấm rất cao, có độ bền uốn và bền kéo cao hơn nhiều so với vật liệu thông thường. Loại hầm này chiếm ít diện tích, dễ vận hành và bảo trì, phù hợp quy mô nhỏ như hộ gia đình sử dụng mô hình vườn-ao-chuồng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hầm này là không tận dụng được nguyên liệu tại chỗ và nhân công của địa phương. Giới hạn về kích thước nên hạn chế về quy mô áp dụng (dưới 60 con lợn); nguyên liệu nhập khẩu nên giá thành có thể biến động hơn.

Nhiều nhược điểm nhất là loại hầm xây gạch. Loại hầm này dễ bị lún, nứt, dễ bị rò khí ra ngoài, nếu không khắc phục được gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hơn nữa, dùng một thời gian do nhiệt độ nóng nên bị axit ăn mòn mặt bê tông bị nhũn thành bùn, làm trơ bể khiến khí bị rò ra ngoài, lại phải nạp nguyên liệu nhiều và thường xuyên. Không tự động phá váng được, lên men kỵ khí không đạt tối ưu. Tuy nhiên, loại hầm này lại được nhiều hộ dân chọn xây, nhất là loại xây theo kiểu KT1 và KT2 vì tận dụng được nguyên liệu tại chỗ và nhân công của địa phương; áp dụng được cho nhiều quy mô chăn nuôi hơn; nguyên vật liệu đơn giản lên giá ổn định hơn. 

Loại hầm phủ bạt HDPE

Theo ông, sử dụng hầm khí biogas có những lợi ích gì? Có những hạn chế gì cần khắc phục?

Có ba lợi thế nổi bật đó là: Lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Cụ thể như lợi ích về kinh tế: Khí sinh học (KSH) từ hầm khí biogas có thể được sử dụng để đun nấu, thắp sáng, chạy các loại động cơ đốt trong (máy bơm, máy xay xát, máy phát điện…), thậm chí còn để sấy chè, ấp trứng, úm gà, chạy tủ lạnh. Ở một số quốc gia phát triển còn dùng để chạy ô tô và coi đó là một nguồn nhiên liệu tái tạo an toàn cho môi trường. KSH cũng được sử dụng để diệt sâu bọ trong việc bảo quản ngũ cốc hay bảo quản rau quả cho hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng KSH để đun nấu giúp cho các hộ tiết kiệm toàn bộ tiền mua ga hàng tháng; trong trường hợp dùng đèn KSH để chiếu sáng nuôi tằm thì kén hình thành sớm hơn từ 4 - 6 ngày, chất lượng kén tốt hơn, năng suất tăng khoảng 30%. Ngoài ra, việc sử dụng KSH thay thế xăng dầu, thuốc bảo quản nông sản sẽ tiết kiệm được ngoại tệ nhập nhiên liệu và các sản phẩm hóa học từ bên ngoài.

Về lợi ích về môi trường, cụ thể như bể KSH thường được nối với nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, toàn bộ phân và nước giải được đưa vào bể để xử lý nên hạn chế tối đa mùi hôi thối và sự phát triển của ruồi muỗi. Chất lượng nước thải được cải thiện trước khi thải ra môi trường do không còn hoặc còn không đáng kể trứng giun sán và sinh vật gây bệnh. KSH còn giúp xử lý các chất thải có hàm lượng chất hữu cơ cao như rác thải và nước cống sinh hoạt; chất thải của các lò mổ, các trại chăn nuôi tập trung, các nhà máy rượu bia, đường, giấy, da, đồ hộp, dược phẩm, bệnh viện, trường học, nhà hàng…

Hầm khí bioga còn mang lại lợi ích rất rõ nét về mặt xã hội như tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt ở vùng nông thôn, giải phóng sức lao động cho phụ nữ và trẻ em khỏi công việc bếp núc...

Tuy nhiên, hầm cũng có một số những hạn chế như với các hầm biogas vừa và lớn, khi không sử dụng hết khí và phần lớn thải ra môi trường. Hoặc trong quá trình sử dụng không tuân thủ những quy định có thể gây ra một số những sự cố như ngộ độc khí, an toàn cháy nổ...

Từ thực tế hiện nay, ông có khuyến cáo gì với người trong quá trình sử dụng hầm khí biogas?

Người sử dụng hầm khí biogas cần lắp đặt đầy đủ các thiết bị phù trợ trong quá trình sử dụng như: áp kế, bếp, bầu lọc khí, đèn... Nên kiểm tra, bảo dưỡng cồng trình và các thiết bị KSH thường xuyên. Nạp phân và pha loãng theo đúng tỷ lệ quy định, trong quá trình nạp cần tránh các tạp chất và chất độc xuống bể phân giải như: chất kháng sinh, chất sát trùng, xà phòng, thuốc BVTV... Không lắp đặt đường ống đi qua những nơi dễ cháy nổ để phòng hỏa hoạn; khi ngửi thấy mùi hắc của KSH hay phát hiện đường ống hở cần khóa van tổng thể kiểm tra và tuyệt đối cấm lửa. Hàng năm nên lấy bỏ váng và lắng cạn. 

Đặc biệt, chú ý khi cần xuống bể phân giải, phải tuân thủ quy định sau: Tháo và nhấc nắp hút hết chất thải trong bể. Đợi KSH thoát ra hết, có thể quạt không khí vào bể để đẩy KSH ra, kiểm tra lại sự an toàn của không khí bằng cách thả con vật vào trong bể khoảng 5-10ph, nếu con vật vẫn sống thì người có thể xuống.  Xuống làm việc phải có người theo dõi và trợ giúp. Khi gặp sự cố ngạt khí nên nhanh chóng đưa người bị ngạt khí ra nơi thoáng khí, thực hiện hô hấp nhân tạo và đưa người bị ngạt đến bận viện gần nhất.

Xin cảm ơn ông!
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây