Báo cáo kết quả thực hiện Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong quý II và kế hoạch thực hiện quý III năm 2016

: Thứ năm - 22/09/2016 10:20  |  Đã xem: 1475
Ban quản lý dự án (Ban QLDA) tỉnh Lào Cai báo cáo kết quả thực hiện dự án quý II và kế hoạch triển khai dự án quý III năm 2016 như sau:

I. CÁC HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN ĐÃ TRIỂN KHAI

Hợp phần 1 : Quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

Tiểu hợp phần 1.1. Quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và phát triển Cơ chế phát triển sạch (CDM)

Công tác tuyên truyền, thông tin về dự án:

- Ban QLDA tỉnh Lào Cai đã phối hợp với phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT các huyện/TP, các kĩ thuật viên, các công ty cung ứng/lắp đặt công trình khí sinh học, thợ xây dự án, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh các huyện/TP, các tổ chức hội: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... tổ chức thành công 20 cuộc hội thảo truyền thông cấp xã về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và lợi ích của việc lắp đặt và xây dựng công trình khí sinh học cho 1.099 người tham dự.

- Ngoài ra, Ban QLDA đã hoàn thành in ấn 10.000 tờ rơi tuyên truyền, 1.140 mũ truyền thông giới thiệu thông tin về dự án trong đó đã phát được 1.123 mũ truyền thông kết hợp cùng với các buổi hội thảo truyền thông cấp xã và 4.000 tờ rơi cho các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Công tác đào tạo quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

- Đã tổ chức 07 lớp tập huấn cho 233 học viên tham dự cho các cán bộ khuyến nông và nông dân nòng cốt về các công nghệ phù hợp với ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Thông qua các nội dung của lớp tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi, 100% các học viên được phổ biến về kỹ thuật nuôi trùn quế và phương pháp ủ phân vi sinh hữu cơ và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa tập huấn. 

Công tác tập huấn vận hành công trình khí sinh học cho người dân

- Đã tổ chức được 09 lớp tập huấn vận hành và bảo dưỡng công trình khí sinh học cho 301 học viên (trong đó có 62 học viên là nữ, chiếm 20,6%; DTTS có 133 học viên, chiếm 44,19%) là chủ các công trình khí sinh học với nội dung: Phổ biến cho người dân về công trình khí sinh học, quản lý chất thải chăn nuôi, cơ chế phát triển sạch trong chăn nuôi (CDM) và bảo vệ môi trường đối với các công trình khí sinh học; Hướng dẫn cho nông dân về phương pháp, kĩ năng, cách vận hành, bảo dưỡng, sử dụng phụ phẩm sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt; Giải đáp các thắc mắc của người dân về công trình khí sinh học; Phổ biến quy trình thanh toán, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của dự án cho người dân. Từ đó, giúp các chủ công trình khí sinh học có thêm hành trang trong quá trình sử dụng các công trình khí sinh học.

Tiểu hợp phần 1.2. Hỗ trợ phát triển các công trình khí sinh học

- Ban QLDA tỉnh kết nối, xây dựng mối liên kết nhiều bên giữa Ban QLDA tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Kinh tế/Nông nghiệp các huyện/Tp; Trạm Thú y, Trung tâm Khuyến nông các công ty cung ứng...để triển khai xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Với 05 đơn vị cung ứng lắp đặt công trình khí sinh học và 07 thợ xây đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt được 1.676 công trình khí sinh học, đạt 62,07% kế hoạch (kế hoạch: 2.700 công trình). Riêng Năm 2016 đã xây dựng được 380 công trình bao gồm 29 công trình KT1, 01 công trình KT2 và 350 công trình CPS.

- Đã giải ngân hỗ trợ 381 công trình, lũy kế giải ngân 1.281 công trình. Ban QLDA tỉnh thường xuyên đôn đốc KTV các huyện khẩn trương nghiệm thu công trình KSH, hoàn thiện hồ sơ cho các hộ đã xây dựng/lắp đặt để giải ngân đảm bảo yêu cầu của dự án.

Hợp phần 2. Tín dụng chuỗi giá trị khí sinh học.

- Phối hợp với tư vấn tài chính tín dụng của dự án đi khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện hợp phần tín dụng cho chuỗi giá trị khí sinh học tại 02 huyện Bảo Thắng và Bát Xát.

- Ban QLDA tỉnh Lào Cai đã phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hành CSXH của tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cứ cán bộ tín dụng đến tuyên truyền tại cơ sở. Bên cạnh đó, Ban QLDA tỉnh và các kĩ thuật viên dự án đã trực tiếp xuống hộ dân để hướng dẫn thủ tục vay vốn. Đã có 134 hộ dân trên địa bàn 4 huyện: Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn được vay vốn để xây dựng, lắp đặt bể KSH, mua sắm thiết bị KSH, hoàn thiện gói môi trường... từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai. Tổng số vốn vay hiện tại ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: 2.400.000.000VNĐ.

Hợp phần 3. Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp

Tiểu hợp phần 3.1. Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp các bon thấp

- Ban QLDA tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thực hiện được 02 phóng sự truyền hình tuyên truyền về lợi ích công trình khí sinh học trong sản xuất và đời sống, sử dụng hiệu quả chất thải sau biogas làm phân bón cho trồng trọt và 01 cuộc đối thoại cuối tuần hỏi đáp về chính sách hỗ trợ của dự án, các chính sách vay vốn tín dụng khi tham gia dự án.

Tiểu hợp phần 3.2. Xây dựng các mô hình nông nghiệp các bon thấp

- Phối hợp với tư vấn dự án khảo sát địa bàn, lựa chọn được 03 mô hình thí điểm và 04 chủ đề nghiên cứu phù hợp của tỉnh Lào Cai trình Ban QLDA Trung ương và trình nhà tài trợ ADB xem xét, phê duyệt.

Hợp phần 4: Chi quản lý dự án

- Chi lương và phụ cấp cho Ban QLDA tỉnh

- Chi phí hoạt động cho Ban QLDA tỉnh

II. KẾT QUẢ GIẢI NGÂN

Tổng số:              1.828.698.662 đồng

Trong đó ADB: 1.574.944.828 đồng, CPVN: 253.753.834 đồng.

III. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TRONG QUÝ III/2016

3.1. Công tác triển khai, phối hợp

- Tiếp tục phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện gói tín dụng cho vay của dự án.

- Phối hợp tốt với tổ chức Hội: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phòng Kinh tế/Nông nghiệp các huyện/Thành phố, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông tiếp tục vận động hội viên, các hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn đăng ký xây dựng công trình KSH.

- Các kĩ thuật viên của dự án thường xuyên cập nhật tình hình đăng ký, xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học thông qua tổ chức Hội, công ty cung ứng lắp đặt. Nắm rõ số lượng, đề nghị xây dựng/lắp đặt để kiểm tra, nghiệm thu và đăng ký tập huấn, giửa ngân hỗ trợ kịp thời cho người dân.

- Công ty cung ứng phối hợp chặt chẽ, trực tiếp với các kỹ thuật viên, tổ chức Hội, hệ thống Khuyến nông, Chăn nuôi và Thú y, các chi nhánh ngân hàng cấp huyện, đẩy nhanh tốc độ xây dựng, lắp đặt, vay vốn.

3.2. Công tác thông tin tuyên truyền

- Tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức 03 phóng sự trên sóng phát thanh và 01 phóng sự trên sóng truyền hình về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn quy mô hộ gia đình, quy mô trang trại...

- Hoàn thành in ấn 3.784 tờ áp phích về một số vấn đề khi vận hành, bảo dưỡng công trình, thiết bị khí sinh học và 200 biển điểm đăng kí xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học treo tại các điểm thuận lợi, đông người qua lại, dễ nhìn.

- Xây dựng 80 bảng tin ghi tóm tắt thông tin dự án, đặt tại trụ sở UBND xã trọng điểm chăn nuôi.

3.3. Hỗ trợ phát triển các CT KSH

- Tiếp tục thực hiện xây dựng/lắp đặt khoảng 400 công trình khí sinh học (hiện nay các công ty, đội thợ xây đã ký hợp đồng xây lắp với 334 hộ chăn nuôi) và giải ngân cho 378 công trình đã xây dựng/lắp đặt và các công trình mới xây dựng.

- Tổ chức 10 lớp tập huấn quản lý chất thải chăn nuôi an toàn, vận hành bảo dưỡng công trình khí sinh học cho các hộ nông dân đã đăng ký và xây dựng công trình KSH;

- Lập kế hoạch, tiến hành kiểm tra về vận hành và các hạng mục gói môi trường của các công trình đã được xây dựng/lắp đặt, số lượng kiểm tra tối thiểu 5%; Tổng hợp kết quả báo cáo Ban QLDA Trung ương.

3.4. Tập huấn bổ sung và nâng cao cho kỹ thuật viên, thợ xây, lắp

Tổ chức 01 lớp tập huấn bổ sung thêm kỹ thuật viên mới, 01 lớp nâng cao cho các kỹ thuật viên đang hoạt động và 01 lớp tập huấn cho thợ xây, lắp đặt công trình KSH.

3.5. Tham quan học tập quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

Tổ chức 02 chuyến tham quan, học tập quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi cho các cán bộ Ban QLDA, kỹ thuật viên và cơ sở, hộ chăn nuôi điển hình tại các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ.

IV. Đánh giá chung về kết quả triển khai thực hiện dự án

Dự án đã triển khai thực hiện được ½ thời gian, đang thực hiện đánh giá giữa kỳ. Kết quả xây dựng, lắp đặt hầm KSH cơ bản đảm bảo tiến độ, đạt 62,07% kế hoạch cả giai đoạn 2013-2018. Dự án đã có tác động rất lớn, nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình họ thông qua việc sử dụng khí sinh học và phân bón từ nguồn nước thải công trình KSH. Đồng thời cũng đã góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện tiêu chí môi trường.

Hợp phần 2 tín dụng cho chuỗi giá trị khí sinh học chưa triển khai được nhiều, chưa tác động nhiều đến kết quả triển khai thực hiện dự án.

Hợp phần 3 xây dựng mô hình nông nghiệp các bon thấp chưa triển khai thực hiện được do Ban QLDA Trung ương chưa thống nhất được với nhà tài trợ về việc lựa chọn mô hình và cơ chế quản lý tài chính...

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án có một số khó khăn, thuận lợi như sau:

4.1. Thuận lợi:

- Dự án được sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng: Nông nghiệp và PTNT; Ngân hàng Chính sách-Xã hội; Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông và một số phòng Kinh tế/Nông nghiệp các huyện/Thành phố.

- Một số công ty cung ứng lắp đặt bể biogas như Thành Đạt, Hoàng Gia, Hùng Vương... đã quan tâm, đăng kí tham gia dự án trên địa bàn tỉnh, như vậy sẽ giúp PPMU Lào Cai có thể sớm hoàn thành kế hoạch.

- Qua các buổi truyền thông, tập huấn, một bộ phận không nhỏ người dân đã biết về lợi ích của khí sinh học, cách vận hành, sử dụng hiệu quả công trình khí sinh học, biết sử dụng phụ phẩm sinh học làm phân hữu cơ bón cho cây trồng như chè, sắn, rau, cây dược liệu, cây ăn quả...; nắm bắt được các chính sách, chế độ tài trợ của Dự án... và tuyên truyền tác động đến nhiều người dân khác.

- Một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn đang quan tâm nhiều tới vấn đề bảo vệ môi trường cũng đã liên hệ với BQLDA để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục xây dựng công trình khí sinh học quy mô vừa và quy mô lớn dùng màng phủ bạt HDPE.

4.2. Khó khăn:

- Một số hộ dân ở tỉnh Lào Cai đã có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học quy mô vừa (bể xây từ 50m3 trở lên). Tuy nhiên, việc đăng kí hồ sơ năng lực để Ban QLDA Trung ương đánh giá còn khó khăn với một số thợ xây ở Lào Cai (do chưa đáp ứng đủ tiêu chí) nên đến nay tỉnh vẫn chưa có đội thợ xây hay doanh nghiệp nào đăng ký.

- Vấn đề hỗ trợ vay vốn cho các hộ chăn nuôi để xây dựng công trình khí sinh học, hiện nay một số chi nhánh của ngân hàng Nông nghiệp và PTNT ở các địa phương triển khai còn chậm; quy định vay buộc người vay phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tín chấp với một khoản vay không lớn nên khó tiếp cận được vốn vay.

- Một số KTV chưa thực sự quan tâm và đầu tư thời gian, hồ sơ chứng từ hoàn thiện chậm, nhiều sai sót... dẫn đến giải ngân chậm. Công tác tư vấn cho người dân còn hạn chế, một số KTV chưa có sự chủ động phối hợp với các Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện, Công ty cung ứng, dẫn đến chậm hoàn thiện hồ sơ vay vốn, không giải ngân được vốn vay. Công ty cung ứng không có cơ sở để triển khai xây dựng/lắp đặt công trình.

- Một số công ty cung ứng/lắp đặt, thợ xây dự án khi triển khai xây dựng/lắp đặt không thông tin cho cán bộ kĩ thuật viên xuống để kiểm tra, giám sát công trình dẫn đến việc kĩ thuật viên không quản lý được hết các công trình khí sinh học mà mình phải phụ trách, làm ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu hồ sơ.

- Công tác bảo hành, bảo dưỡng, hướng dẫn sử dụng cho người dân của một số công ty chưa kịp thời làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và uy tín của dự án.

-      Một số hộ dân đã lắp đặt công trình khí sinh học chưa tuân thủ các hướng dẫn về cách vận hành công trình dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả. Một số hộ dân không tuân thủ các quy định của dự án như khắc mã, làm bể môi trường... dẫn đến việc không thể nghiệm thu công trình, tồn đọng hồ sơ, không giải ngân được tiền hỗ trợ.

V. KIẾN NGHỊ

5.1. Đề nghị Ban QLDA Trung ương

- Phối hợp các định chế tài chính (Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT) tìm giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh thực hiện Hợp phần 2.

- Sớm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

- Sớm tổ chức thêm các lớp tập huấn về phần mềm cơ sở dữ liệu, sử dụng máy định vị để các kĩ thuật viên có thể nắm bắt được cách cập nhật, sử dụng phần mềm. Đồng thời, cung cấp sớm các thiết bị định vị để Ban QLDA tỉnh có phương án thực hiện theo đúng tiến độ Trung ương đề ra.

5.2. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Chính sách xã hội

- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh: Chỉ đạo theo ngành dọc, hướng dẫn, hỗ trợ Ban QLDA tỉnh và các bên liên quan trực tiếp thực hiện ở cơ sở.

- Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện: Hướng dẫn cho người dân các thủ tục cho vay, lãi suất. Tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và con người (Cán bộ thẩm định tín dụng...) phối hợp chặt chẽ với KTV - công ty cung ứng, hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục để người dân được vay vốn xây dựng công trình KSH.

- Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp cho vay gói vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường, lồng ghép để hỗ trợ người dân xây dựng công trình KSH, thực hiện các mục tiêu Dự án.

5.3. Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh

- Thống kê tình hình đăng ký xây dựng lắp đặt, chuyển cho Ban QLDA tỉnh, công ty cung ứng để thực hiện kịp thời.

- Các đầu mối cấp huyện, cấp xã: Là các tuyên truyền viên tích cực, nắm rõ các quy định của Dự án về loại hầm bể, các thợ xây/công ty cung ứng đạt tiêu chuẩn, lợi ích khi sử dụng khí sinh học... để tư vấn ban đầu cho người dân. Khi có các vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và dự án (Công ty trên thị trường tự do tư vấn người dân lắp đặt hầm bể kém chất lượng...) thông báo ngay cho Tỉnh Hội hoặc báo trực tiếp cho Ban QLDA tỉnh để kịp thời giải quyết.

- Hội Nông dân các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho kĩ thuật viên đi kiểm tra, nghiệm thu công trình. Hoàn thiện các thủ tục để giải ngân.

5.4. Phòng Nông nghiệp/Kinh tế các huyện/thành phố; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm Khuyến nông tỉnh

- Phối hợp với các công ty thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tham gia dự án. Tổng hợp nhu cầu gửi Ban QLDA định kỳ 2 lần/tháng và đột xuất khi số lượng đăng ký lớn hơn 10 CTKSH để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc các xã, các trạm, các cán bộ kĩ thuật viên, cán bộ phụ trách tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi đăng kí xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học. Tạo điều kiện thuận lợi cho các kĩ thuật viên đi nghiệm thu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án, tránh để tồn đọng hồ sơ gây mất lòng tin ở người dân về chính sách hỗ trợ của dự án.

5.5. Các công ty cung ứng/lắp đặt, thợ xây dự án:

- Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, KTV trong quá trình khảo sát hộ dân đăng ký, hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn khi có nhu cầu.

- Tăng cường nhân lực cho các nhiệm vụ: Khảo sát hộ gia đình dựa trên đăng ký từ tổ chức Hội, hệ thống Khuyến nông, Chăn nuôi và Thú y, các đội thợ thi công lắp đặt kịp thời, hướng dẫn thực hiện gói môi trường ngay sau khi thi công, chăm sóc khách hàng sau bán hàng hợp lý.

- Thứ 4 hàng tuần, hàng tháng báo cáo số liệu tinh về Ban QLDA tỉnh, bao gồm tổng số lượng và danh sách thông tin hộ dân tham gia Dự án.

5.6. Kỹ thuật viên dự án

- Nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động cụ thể của Dự án: (Theo dõi danh sách đăng ký, thi công, kiểm tra nghiệm thu công trình, chất lượng hầm bể, chất lượng thi công, gói môi trường, khắc mã...). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời bằng văn bản gửi về Ban QLDA tỉnh để được giải quyết.

- Thống kê tình hình đăng ký xây dựng lắp đặt công trình khí sinh học; tổng hợp, báo cáo số liệu về Ban QLDA tỉnh vào ngày 15 và 30 hàng tháng và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban QLDA tỉnh.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Phụ lục 1: Bảng tổng hợp kết quả tham quan, hội thảo,  tập huấn về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi Quý II năm 2016

 

 

Nội dung

Số lượng (cuộc/lớp)

Số ngày /(cuộc/lớp)

Số người tham gia

T. Số

Nữ

DTTS

 

SL

%

SL

%

Tập huấn cho nông dân về vận hành công trình khí sinh học và quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

09

09

301

62

20,6

133

44,19

Hội thảo truyền thông cấp xã về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi

11

11

1099

354

32,21

672

61,15

Tập huấn cho nông dân nòng cốt và cán bộ khuyến nông về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi (ủ phân compost và nuôi trùn quế)

07

21

233

60

25,75

152

65,24

Tổng số

27

41

1421

476

 

957

 

 

Phụ lục 2: Kết quả xây dựng/lắp đặt công trình khí sinh học Quý II năm 2016

 

Nội dung

Số hộ đăng ký xây/ lắp công trình trong quý II

Số công trình đã xây/lắp đặt trong quý II

Quy mô công trình

Lũy kế thực hiện

KT1

-

23

Nhỏ

76

KT2

-

3

Nhỏ

12

Composite

301

171

Nhỏ

1588

Tổng số

301

197

Nhỏ

1676

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây