I. Mục tiêu thực hiện dự án
- Tăng cường ứng dụng công nghệ quản lý chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm từ trồng trọt; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo nguồn năng lượng sạch;
- Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như khí sinh học góp phần giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường;
- Cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là giải phóng sức lao động cho phụ nữ, trẻ em thông qua việc sử dụng khí gas trong sinh hoạt.
II. Thông tin về PPMU Phú Thọ
* Từ 2013-T5/2015: Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Phú Thọ chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án.
* Từ ngày 12/5/2015 đến nay: Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
- Trụ sở tại: Số nhà 1518, đại lộ Hùng Vương, Phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
- Số ĐT: 02103 843901; Email: LCASPphutho@gmail.com.
- Ban quản lý dự án LCASP tỉnh Phú Thọ hiện có 10 cán bộ, gồm:
+ Cán bộ kiêm nhiệm có 6 người: Đồng chí PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Giám đốc dự án, 01 PGĐ, 03 cán bộ kỹ thuật, kế hoạch và 01 kế toán.
+ Cán bộ hợp đồng chuyên trách có: 4 người.
+ Đội ngũ kỹ thuật viên có 49 người hiện đang công tác tại các phòng, đơn vị thuộc Sở và Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y các huyện, thành, thị (phụ biểu 01).
+ Đội ngũ thợ xây gồm 23 người, có trình độ kỹ thuật cao, đã tham gia thực hiện nhiều dự án liên quan đến biogas như SNV, Qseap... Thợ xây thường tư vấn và cung cấp các thiết bị sử dụng biogas cho chủ hộ như: bếp ga các loại đơn và kép; đèn; củ lọc (phụ biểu 02).
+ Các công ty tham gia lắp đặt công trình KSH chất liệu CPS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm Công ty TNHH Quốc tế Thăng Long, Công ty sản xuất và Thương mại Quang Huy, Công ty Thành Lộc; đồng thời dịch vụ cung cấp thiết bị bếp biogas; đèn ...
- Phương thức hoạt động, phân cấp trách nhiệm thực hiện của Ban dự án LCASP Phú Thọ (phụ biểu 3).
* Xác định nhu cầu tham gia dự án:
- Tỉnh Phú Thọ có khoảng 200 nghìn hộ chăn nuôi, tổng đàn hiện nay khoảng 820 nghìn con lợn, gia cầm trên 11 triệu con, trâu bò 170 ngàn con; trong đó có trên 3.000 cơ sở chăn nuôi qui mô trang trại và dự báo thời gian tới chăn nuôi sẽ là lĩnh vực được quan tâm phát triển cả về qui mô và số lượng nên áp lực về môi trường ngày càng gia tăng.
- Hiện nay số lượng công trình KSH trên địa bàn tỉnh khoảng 27 nghìn công trình (trong đó dự án Lcasp đã xây dựng được trên 6.000 công trình, dự án Qseap đã xây dựng được 3.300 công trình, dự án SNV đã xây dựng được 2.800 công trình, người dân tự xây và các chương trình khác khoảng 15.000 công trình). Thời gian tới, nhu cầu xây dựng công trình biogas cỡ nhỏ rất lớn, vừa và lớn sẽ rất cao; đồng thời các cơ sở chăn nuôi sẽ áp dụng công nghệ phát triển mô hình các bon thấp như ủ phân compost, tách phân để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường theo hướng bền vững.
Nhu cầu dự kiến đến hết năm 2018 trong khuôn khổ dự án tỉnh Phú Thọ xây dựng khoảng 15.000 công trình cỡ nhỏ, 20 công trình cỡ vừa trong dự án và các mô hình ủ phân compos và tách phân.
III. Kết quả đạt được:
3.1. Hợp phần I:Quản lý chất thải chăn nuôi
3.1.1. Tiểu hợp phần 1.1: Quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và thị trường các bon.
Hoạt động 1: Xây dựng các kế hoạch đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và tổ chức đào tạo.
- Hội thảo giới thiệu tổng quan về dự án và mục tiêu dự án cho các đối tượng là lãnh đạo các xã; cán bộ phụ nữ cấp xã, các cơ quan hội TN và đặc biệt là các hộ nông dân, các hộ tiềm năng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả triển khai 42 cuộc hội thảo phổ biến thể chế chính sách, lợi ích công trình KSH, giảm phát thải khí nhà kính cho trên 1.912 người tham dự.
Thông qua hoạt động này hầu hết các cấp, các hộ đều nắm bắt được thông tin cơ bản về dự án; trách nhiệm và quyền lợi của người dân khi tham gia dự án; khi người dân muốn tham gia dự án thì gặp ai tư vấn hỗ trợ.
- Tập huấn ủ phân COMPOS cho cán khuyến nông; cán bộ phụ nữ và các hộ nông dân.
Kết quả triển khai 20 lớp cho 845 hộ nông dân; nữ chiếm 73%.
Hoạt động này đã được người dân tích cực đón nhận vì đã giải quyết được khá triệt để phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Với phương pháp giảng dạy là cầm tay chỉ việc, lý thuyết, thực hành và tham quan đan xen nên thu hút được sự chú ý của người dân.
Kết quả 100% học viên đều nắm bắt được quy trình thực hiện và biết cách làm. Nhiều học viên đã chủ động thực hiện ủ phân và có chia sẻ lại với cán bộ dự án, tại các cửa hàng, đại lý nhu cầu sử dụng men vi sinh có chiều hướng gia tăng. Những học viên được tham gia tập huấn sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, nhân rộng mô hình ủ phân compost bằng công nghệ vi sinh. Cụ thể, thời gian qua đã có nhiều hộ dân chủ động liên hệ với BQL dự án để đăng ký được tham gia tập huấn ủ phân do các học viên đã tuyên truyền trong nhân dân.
Hoạt động 2: Tiêu chuẩn hóa và phổ biến gói thiết kế kỹ thuật cho chuỗi giá trị khí sinh học.
- Thông tin, tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi:
Đã thực hiện ký hợp đồng tổ chức tuyên truyền về nội dung dự án, quản lý chất thải chăn nuôi phát trên đài phát thanh tuyền hình các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Đã thực hiện xây dựng 8 audio clip, in đĩa về các nội dung tuyên truyền về dự án và phát sóng 256 lần trên đài phát thanh các huyện trên địa bàn tỉnh, xây dựng 01 đĩa khoa giáo “kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân vi sinh”.
In 20.000 tờ gấp kỹ thuật và 3.000 tờ poster tuyên truyền về dự án.
Ngoài ra, đã tuyên truyền nhiều đợt trên loa phát thanh xã, phường thị trấn về mục tiêu, nội dung và cơ chế chính sách của dự án để người dân biết và đăng ký thực hiện.
- Tập huấn vận hành công trình: Đã tập huấn 370 lớp tập huấn vận hành công trình khí sinh học, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cho 6.558 hộ nông dân tham gia, trong đó nữ chiếm 39%; với tổng kinh phí 2.651,19 triệu đồng. 100% các hộ dân trước khi sử dụng công trình đều được tập huấn vận hành, an toàn cháy nổ và các tình huống nguy hiểm xảy ra khi có sự cố.
Đánh giá: Công tác thông tin, tuyên truyền được dự án triển khai đồng bộ trên các kênh thông tin, đại chúng như: Truyền hình Phú Thọ, Báo, phát thanh trên loa và tổ chức cấp phát tờ rơi, dán tờ pano tại khu vực trung tâm của xã, khu hành chính (UBND xã, Nhà văn hóa khu...). Việc tổ chức tập huấn cho các hộ xây lắp công trình biogas được dự án đặc biệt lưu tâm và thực hiện nghiêm túc, 100% hộ dân đều được tập huấn và biết cách xử dụng, phòng chống cháy nổ, ngạt khí gas; có quan tâm đến tỷ lệ nữ tham gia tập huấn... Tỉnh Phú Thọ chưa có trường hợp nào cháy nổ hoặc bị ngạt do sử dụng công trình biogas.
Hoạt động 3: Đăng ký chương trình hoạt động cho các công trình khí sinh học quy mô nhỏ, vừa và lớn, đạt các yêu cầu về thị trường các bon thích hợp: Đã bố trí cán bộ tham gia tập huấn về quản lý công trình trên phần mềm tin học, hiện đang nhập dữ liệu vào phần mềm thay cho biểu mẫu 06.
Hoạt động 4: Tăng cường năng lực cho các cơ quan có liên quan nhằm giám sát có hiệu quả toàn bộ các công trình KSH đã xây dựng (chưa có hướng dẫn cụ thể).
Hoạt động 5: Giám sát lượng giảm phát thải CO2 hàng năm và thu nhập từ chứng nhận giảm phát thải các bon (chưa có hướng dẫn cụ thể).
Hoạt động 6: Tăng cường năng lực cho các cán bộ Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm tiếp tục quản lý, phát triển KSH (Trung ương thực hiện).
3.1.2. Tiểu hợp phần 1.2: Hỗ trợ phát triển các công trình khí sinh học
Hoạt động 7: Giám sát sử dụng các công trình KSH với đầy đủ các hạng mục môi trường.
- Kết quả hoạt động kiểm tra, nghiệm thu của KTV: Đã kiểm tra, giám sát, nghiệm thu được 6155 công trình, kinh phí thực hiện 1.586,52 triệu đồng. 100% các công trình KSH trong dự án đã được các KTV đã thực hiện kiểm tra và nghiệm thu 3 lần theo quy định. Ban dự án tỉnh đã yêu cầu các KTV chụp ảnh các công trình khi đến kiểm tra, nghiệm thu để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát.
- Kết quả hoạt động giám sát công trình đã vận hành của ban tỉnh đã giám sát 968 công trình khí sinh học đang vận hành (chiếm 27% công trình đã nghiệm thu) với kinh phí: 550,14 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát đã phát hiện một số trường hợp chưa đạt yêu cầu như: khắc sai số mã công trình, có trường hợp thiếu các thiết bị sử dụng ga... các trường hợp trên đã được nhắc nhở, điều chỉnh và hoàn thiện kịp thời.
Hoạt động 8: Đào tạo cấp chứng chỉ cho các kỹ thuật viên, kỹ sư, nhà thầu và thợ xây để hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị KSH và cho phép các nhân viên của các định chế tài chính tham dự vào các khóa đào tạo, tập huấn.
Đã thực hiện 1 lớp đào tạo giáo viên TOT, 4 lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật viên và thợ xây, cấp chứng nhận cho 69 kỹ thuật viên công trình KSH cỡ nhỏ; và 42 thợ xây/lắp đặt công trình khí sinh học.
Trong đó đã cử 38 học viên (8 nữ chiếm 21%); 01 lớp đào tạo kỹ thuật viên, thợ xây/lắp đặt CTKSH gồm 24 người thợ xây và 14 người là kỹ thuật viên), 03 cán bộ dự án đào tạo kỹ sư công trình KSH được Trung ương tổ chức đào tạo.
Hoạt động 9: Hỗ trợ tài chính cho các công trình KSH
Kết quả xây dựng: đến 31/8/2016 đã xây dựng và lắp đặt 6.530 công trình KSH cỡ nhỏ, 4 công trình KSH cỡ vừa. Đã nghiệm thu được 6.155 công trình KSH. Đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho 4.452 công trình cỡ nhỏ.
Việc hỗ trợ tài chính 3 triệu đồng/công trình cho các chủ hộ được thực hiện công khai, minh bạch, tiền được chuyển thông qua bưu điện nên người dân rất yên tâm và tin tưởng vào sự minh bạch của dự án.
Tuy nhiên, tiến độ chuyển tiền bị chậm so với tiến độ xây dựng và lắp đặt. Nguyên nhân do số lượng công trình rất lớn; thủ tục, hồ sơ nghiệm thu 1 công trình nhiều nội dung; trong khi đó cán bộ của dự án chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngoài ra, một số trường hợp như CMND hết thời hạn, sai tên đệm hoặc chủ công trình thay đổi địa chỉ nơi ở... làm chậm tiến độ giải ngân.
3.2. Hợp phần II: Tín dụng cho Chuỗi giá trị khí sinh học
Hoạt động 10: Tạo điều kiện cho các Định chế tài chính cung cấp tín dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị KSH (Bao gồm: xây dựng bể khử trùng, cống rãnh thu chất thải, ống dẫn ga, các thiết bị môi trường, máy phát điện, các thiết bị lưu giữ, sử dụng ga và cặn thải sinh học, nhưng không bao gồm chuồng trại chăn nuôi) thỏa mãn các tiêu chí hợp lệ của các tiểu dự án.
Hoạt động 11: Tạo điều kiện cho các Định chế tài chính khác tham gia vào thực hiện nguồn vốn tín dụng của dự án (Trung ương thực hiện).
Hoạt động 12: Phối hợp giữa Ban QLDA Trung ương, Ban QLDA tỉnh và các định chế tài chính trong các chương trình đào tạo kỹ thuật của dự án.
Hoạt động 13: Giám sát giải ngân vốn tín dụng từ các định chế tài chính và việc chi trả các khoản khuyến khích tài chính cho những người hưởng lợi đủ điều kiện (những người đã thực hiện các tiểu dự án đủ điều kiện).
BQL dự án tỉnh đã tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với ngân hàng NNPTNT và ngân hàng HTX để trao đổi, phân công nhiệm vụ cho từng bên, tìm cách tháo gỡ những tồn tại của gói tín dụng. Thống nhất cánh thức triển khai như sau:
Tại các buổi tập huấn Ban LCASP Phú Thọ giới thiệu về gói tín dụng; thu thập nhu cầu vay vốn của người dân tham gia dự án và lập danh sách chuyển cho ngân hàng đề nghị cử cán bộ tiếp cận giải ngân; thường xuyên báo cáo kết quả vay vốn cho ban lcasp tỉnh;
Kết quả LCASP tỉnh đã cung cấp danh sách trên 300 hộ dân, với nhu cầu vay trên 10 tỷ đồng; Tuy nhiên hiện vẫn không giải ngân được do: (1) Khi vay vốn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) làm tín chấp và hiện hầu hết các hộ có nhu cầu vay vốn thì sổ đỏ hiện đang thế chấp tại ngân hàng; (2) Đối tượng, hạng mục vay vốn như hiện nay gồm xây dựng bể khử trùng, cống rãnh thu chất thải, ống dẫn ga, các thiết bị môi trường, máy phát điện,... nên số lượng được vay thấp; (3) hồ sơ thủ tục theo quy định của ngân hàng khá phức tạp, việc thẩm định nhắt lắt rất mất thời gian và công sức bởi vậy ngân hàng NNPTNT và HTX không mặn mà với gói tín dụng của dự án.
3.3. Hợp phần III: Chuyển giao công nghiệ sản xuất Nông nghiệp Các bon thấp
3.3.1. Tiểu hợp phần 3.1: Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp các bon thấp
Hoạt động 14: Sử dụng các nghiên cứu dựa trên nông dân như sử dụng than sinh học và các chất thải nông nghiệp khác để làm phân bón hữu cơ; áp dụng các ứng dụng sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, có hiệu quả để tạo năng lượng sinh học; quản lý việc xử lý chất thải trong thủy sản và ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp khác: ứng dụng ủ phân Compos.
Hoạt động 15: Thiết lập hệ thống thông tin để chia sẻ các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp.
- Thông tin, tuyên truyền về sản xuất NN các bon thấp: BQL dự án tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hệ thống thông tin, công khai địa chỉ, số điện thoại của dự án để nhân dân và các cơ quan liên quan nắm được. Đồng thời đã xây dựng chương trình phát trên phương tiện thông tin đại chúng, in đĩa và in trên các sản phẩm tuyên truyền, viết tin, tờ rơi,…). Kế hoạch tổng thể: 232 triệu đồng.
- Mặt khác, Ban QLDA LCASP tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng thực hiện tuyên truyền trên đài phát thanh xã về dự án và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân vi sinh.
Hoạt động 16: Hỗ trợ đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ khuyến nông về ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp có hiệu quả, bao gồm cả các chuyến tham quan, học tập.
- Kế hoạch tổng thể: 320,35 triệu đồng
- Tiến độ thực hiện: Đã tổ chức 02 cuộc thăm quan, học tập với tổng kinh phí 158,838 triệu đồng.
Hoạt động 17: Phát triển các chương trình đào tạo, giáo trình, đề cương bài giảng để đào tạo nông dân về các kỹ thuật thích hợp cho công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và cung cấp tài liệu cho chương trình đào tạo nghề nông dân: Trong quá trình tổ chức triển khai tập huấn, đào tạo, dự án đã thường xuyên hoàn thiện, điều chỉnh nội dung và phương pháp thông qua các hoạt động thực tế.
Hoạt động 18: Nâng cấp bộ bản đồ dựa trên ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp cho 7 vùng sinh thái nông nghiệp để dự báo các tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và cung cấp sự hỗ trợ cho lập kế hoạch nông nghiệp: chưa thực hiện (chờ hướng dẫn của Trung ương).
3.3.2. Tiểu hợp phần 3.2: Xây dựng các mô hình Nông nghiệp Các bon thấp
Hoạt động 19: Xây dựng các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi cho sản xuất nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính.
- Theo chỉ đạo của ADB, BQL dự án Trung ương: BQL dự án Lcasp Phú Thọ đã triển khai thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng chăn nuôi xác định nhu cầu đề xuất một số mô hình như: mô hình KSH dùng chung, mô hình sử dụng chất thải biogas để tưới cây, mô hình nuôi giun quế từ phân trâu bò và mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại.
- Tuy nhiên sau khi xem xét, so sánh tính hiệu quả của các mô hình, tỉnh Phú Thọ nhận thấy để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trang trại, tỉnh Phú Thọ đã đề xuất chọn 01 mô hình “sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại” để thực hiện có trọng tâm, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình.
- Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các nội dung theo đúng hướng dẫn của Trung ương: đã xây dựng tiêu chí tham gia mô hình, đăng báo mời bày tỏ quan tâm, thu thập đơn đăng ký của 20 hộ dân, thành lập Tổ kỹ thuật đánh giá hồ sơ bày tỏ quan tâm, thực hiện đóng/mở thầu, tổ chức hội nghị chọn hộ tham gia mô hình… Hiện nay đã chọn được 13/20 hộ tham gia mô hình, đã dự thảo hợp đồng trách nhiệm với 13 hộ, gửi trung ương phê duyệt.
Hoạt động 20: Đào tạo cán bộ khuyến nông, nông dân về các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp nhằm thúc đẩy ứng dụng các công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đã tổ chức tập huấn cho nông dân trên địa bàn tỉnh về các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp như: biogas, ủ phân compost, sử dụng hệ thống máy tách phân đồng bộ...
Qua các lớp tập huấn, người dân đã nắm bắt được ý nghĩa và nội dung của các công nghệ đang được áp dụng. Phần lớn người dân chăn nuôi nhỏ rất quan tâm tới công nghệ biogas trong dự án và công nghệ ủ phân compost. Các trang trại chăn nuôi lớn quan tâm tới công nghệ máy tách phân đồng bộ.
3.4. Hợp phần 4: Quản lý Dự án
Hoạt động 21: Thành lập Ban QLDA Trung ương và các Ban QLDA tỉnh (đã thực hiện).
Hoạt động 22: Tuyển tư vấn khởi đầu, kiểm toán và xây dựng hệ thống Giám sát đánh giá dự án bao gồm các chỉ số về giới, dân tộc thiểu số và giám sát kế hoạch phát triển giới (Trung ương thực hiện).
Hoạt động 23: Khai thác tất cả các khả năng tham gia thị trường tín chỉ các bon (chờ hướng dẫn của trung ương).
Hoạt động 24: Thực hiện điều tra cơ số liệu tách biệt về dân tộc thiểu số và giới (chờ hướng dẫn của Trung ương).
- 20% nữ giới được đào tạo về quản lý công trình KSH và các vấn đề kỹ thuật là phụ nữ: đến nay đã đạt 27/93 = 29% (đạt yêu cầu).
- 50% nữ được đào tạo sử dụng KSH sẽ là phụ nữ: đến nay đã đạt 5184 nữ/7208 người = 72%. Trong đó 2816 nữ/7208= 39% được tập huấn tập trung, 5045/7208 = 70% được hướng dẫn tại nhà.
- Ít nhất 20% người được đào tạo về xây dựng công trình KSH cỡ nhỏ là phụ nữ: đến nay đã đạt 6 nữ/ 55= 11% (chưa đạt yêu cầu).
- Ít nhất 30% nhân viên được đào tạo về vận hành các công trình KSH cỡ vừa và lớn là phụ nữ: đến nay đã đạt 9/59 người = 15,2% (chưa đạt yêu cầu).
- Ít nhất 50% người nhận tín dụng sẽ được đăng ký theo tài khoản chung vợ, chồng, hoặc phụ nữ đứng ra đại diện: đến nay đã đạt 39,74% phụ nữ đứng tên đại diện vay vốn (chưa đạt yêu cầu).
Hoạt động 25:Tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức về phát triển giới cho các cán bộ dự án (chờ hướng dẫn của Trung ương).
Hoạt động 26: Thiết lập các cơ chế tổ chức phù hợp cho các chủ sở hữu công trình KSH và những người hưởng lợi từ các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp (chờ hướng dẫn của Trung ương).
Hoạt động 27:Chuẩn bị và gửi ADB các báo cáo tiến độ đúng thời hạn (đã thực hiện đúng hạn).
3.5. Kinh phí thực hiện dự án:
Tổng kinh phí thực hiện dự án: 67.720 triệu đồng; trong đó: Vốn ADB: 62.787 triệu đồng, Vốn đối ứng: 4.934 triệu đồng.
Kinh phí đã thực hiện: 31.740 triệu đồng; trong đó: Vốn ADB: 30.455 triệu đồng, vốn đối ứng: 1.285 triệu đồng.
Kinh phí đã giải ngân: 23.421,28 triệu đồng; trong đó: Vốn ADB: 22.136 triệu đồng, vốn đối ứng: 1.285 triệu đồng.
IV. Những thuận lợi khó khăn:
4.1. Thuận lợi:
- Được sự quan tâm tạo điều kiện ban trung ương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tại địa phương;
- UBND tỉnh Phú Thọ tạo điều kiện ủng hộ cáp vốn đối ứng;
- Đội ngũ cán bộ tham gia dự án được đào tạo bàn bản nên thực hiện các hoạt động rất chuyên nghiệp;
- Dự án có tính hiệu quả và ý nghĩa rất lớn, đã được người dân đón nhận và ủng hộ, dự án đã thực sự đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa rộng rãi.
4.2 Khó khăn, tồn tại:
- Do thay đổi về tổ chức (thay đổi BQL dự án) nên thời gian đầu các hoạt động triển khai bị chậm do quá trình chuyển giao.
- Cán bộ dự án đều là kiêm nhiệm, trong khi đó địa bàn tỉnh rất rộng, địa hình phức tạp … làm chậm tiến độ thực hiện của dự án.
- Hợp phần tín dụng cho chuỗi giá trị khí sinh học chưa giải ngân được.
- Tiến độ chuyển tiền hỗ trợ của dự án còn chậm so với tiến độ xây dựng và lắp đặt.
V. KẾT LUẬN:
Sau 3 năm tổ chức triển khai thực hiện dự án đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng mục tiêu của dự án, cụ thể:
- Công tác thông tin tuyên truyền: đã được triển khai thực hiện trên nhiều kênh (Đài, Báo, đài phát thanh cấp xã, tạp chí, trang web, các hội nghị.....); thể hiện dưới nhiều hình thức (giới thiệu thuyết trình; kịch tiểu phẩm vui; tờ gấp; bích tường...). Vì vậy hầu hết các cấp chính quyền, đoàn thể phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân và người dân biết và quan tâm đến dự án; đã thay đổi tư duy nhận thức về năng lượng sạch, năng lượng hóa thạch và có định hướng phát triển nông nghiệp bền vững là phải gắn với bảo vệ môi trường;
- Đến 31/8/2016 dự án đã đào tạo cho 69 kỹ thuật viên và 42 thợ xây tham gia dự án; tổ chức 370 lớp tập huấn vận hành công trình khí sinh học cho 6.558 lượt nông dân tham gia; kết quả triển khai tập huấn ủ phân compost 20 lớp cho 845 hộ nông dân (228 nam, 617 nữ chiếm 73%) kỹ thuật ủ phân compos từ phụ phẩm trong nông nghiệp.
- Công tác triển khai xây dựng công trình: đến 31/8/2016 đã xây dựng/lắp đặt 6.530 công trình KSH cỡ nhỏ, 4 công trình KSH cỡ vừa; đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho 4.452 công trình cỡ nhỏ; triển khai xây dựng 13 mô hình tách phân cho các cơ sở chăn nuôi qui mô lớn.
- Hiệu quả xã hội của dự án đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân, giải phóng sức lao động cho phụ nữ, trẻ em; Hiệu quả kinh tế mang lại của dự án là rất lớn: theo tính toán sơ bộ của chúng tôi tiết kiệm chi phí trung bình cho các hộ dân 1 tháng từ gas công nghiệp, củi, than và điện thắp sáng được thay thế bằng khí biogas đạt 100.000 đ/tháng/công trình (tương đương 1,2 triệu/công trình/năm), với số lượng công trình hiện nay là 6.500 công trình của dự án, thì mỗi năm người dân tỉnh Phú Thọ đã tiết kiệm được 7,8 tỷ đồng. Ngoài ra vấn đề môi trường được giải quyết sẽ hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí thuốc men phục vụ cho con người mắc bệnh hô hấp ... chi phí này không thể tính cụ thể bằng số được.
Từ hiệu quả kinh tế, xã hội và cách quản lý minh bạch tài chính trong các hoạt động dự án LCASP, người dân rất hài lòng về hiệu quả dự án mang lại được thể hiện cụ thể hộ dân đăng ký tham gia dự án, các công trình liên tục tăng qua các năm.
VI. Đề xuất, kiến nghị
6.1. Kiến nghị đối với UBND tỉnh:
- Đề nghị UBND tỉnh không phân bổ vốn TW hàng năm đối với dự án LCASP.
- Tạo điều kiện bố trí đủ kinh phí đối ứng để triển khai dự án.
- Đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc quyết toán kinh phí đối ứng năm 2013, 2014 do cấp sang nguồn xây dựng cơ bản và trái phiếu chính phủ.
6.2. Kiến nghị đối với BQLDA Trung ương và ADB:
- Đề nghị điều chỉnh bổ sung kế hoạch tổng thể cho tỉnh Phú Thọ là 15.000 công trình cỡ nhỏ; 20 công trình cỡ vừa; 20 mô hình tách phân; kinh phí tuyên truyền; đào tạo ủ phân Compos (phụ biểu 5).
- Đề nghị Ban QLDA Trung ương báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn về giải ngân kinh phí năm 2016 cho dự án LCASP Phú Thọ
- Bổ sung đơn vị triển khai hợp phần tín dụng (HP2), thay đổi cơ chế cho vay không bắt buộc thế chấp sổ đỏ; bổ sung hạng mục, đối tượng cho vay.