"Bùa hộ mệnh" cho nông hộ tại Sóc Trăng

: Thứ sáu - 15/01/2016 10:20  |  Đã xem: 2005
Sau gần 2 năm triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã có hơn 1.270 công trình khí sinh học (hầm biogas) được xây dựng ở Sóc Trăng

Hầm biogas phù hợp chăn nuôi quy mô nhỏ

 

 Hàng ngàn hộ dân ở vùng nông thôn qua sử dụng biogas đã khẳng định đây là công trình tiện ích, môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Ở ấp Bàu Cát, thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị có nhiều hộ chăn nuôi heo đã xây hầm biogas. Trong số đó, gia đình anh Bành Gốc có thâm niên nuôi heo, mỗi lứa nuôi hơn chục con. Năm nay anh nuôi 4 con heo nái và 12 con heo tơ. Anh thú thật là trước đây chất thải chăn nuôi heo cho trôi xuống mương rồi chảy ra sông rạch. 

  Khi dự án LCASP triển khai, anh được hỗ trợ xây hầm biogas công nghệ composite với thể tích 9m3, tổng chi phí lắp đặt 13,5 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 3 triệu đồng và Cty thi công bảo hành 10 năm. Sau gần 2 năm sử dụng, anh Gốc khen ngợi công trình sử dụng rất tốt, không bị xì gas. Sử dụng gas nấu cơm, đun nước rất tiện lợi. Đặc biệt không còn mùi hôi thối làm bà con trong xóm phiền lòng. Tham quan vừa ý mô hình công nghệ composite có cùng thể tích giống như nhà anh Gốc, tháng 9/2015 anh Lai Hữu Xuân ở ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cũng xây hầm biogas, được hỗ trợ kính phí xây dựng 3 triệu đồng từ dự án.

  Qua hơn 2 tháng sử dụng đến nay, anh Xuân cho biết: "Hệ thống xử lý chất thải cho 4 con bò sữa không chỉ tiện dụng, bếp nấu ăn và chuồng trại sạch sẽ mà còn tiết kiệm được khoảng 300.000 đ/tháng về chi phí chất đốt hao tốn (củi, gas). Nếu tính trong 4 năm sử dụng tương đương với số tiền bỏ ra đầu tư ban đầu. Để tiết kiệm, nhà tôi nấu cơm từ khí gas từ hầm biogas thay cho nồi điện. Dù vậy, lượng khí đốt vẫn còn dư, nếu mở hàng quán sẽ còn dôi ra tiền lời hơn nữa".

  Chị Quách Thị Phường, vợ anh Nguyễn Văn Điện ở ấp Tà Điếp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị nuôi 10 con heo nái và heo thịt, được cán bộ dự án tư vấn xây hầm biogas composite 7 m3. Sau 3 tháng sử dụng, chị Phường so sánh: "Với cách ủ biogas bằng túi nylon nhà tôi đã từng làm nhiều năm trước, lắp đặt hầm composite tốn kém hơn, nhưng mặt lợi là xây nhanh, gọn gàng, khí gas kín và mạnh hơn. Hơn nữa sau 2-3 năm không phải mất công thay túi nylon. Hiện có 3-4 hộ trong xóm cũng lắp đặt hầm loại này".

  Để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nhỏ, phù hợp cho hộ dân vùng nông thôn đã có lời giải, trong khi đó tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 150 trang trại nuôi heo theo quy mô công nghiệp. Một chủ trang trại có quy mô đàn heo trên trăm con ở xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên cho rằng: "Xây hầm biogas là giải pháp xử lý tốt nhất trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường sống. Từ nhiều năm qua, trại nuôi heo của tôi đã xây 2 hầm biogas thể tích 40-60 m3/hầm làm bằng nhựa chuyên dùng. Hiện tôi đăng ký với dự án và chờ tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp để xây thêm một hầm 20 m3"

HƯNG PHÚ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây