Chị Lụa (bên phải) giới thiệu, hướng dẫn người dân cách đun nấu bằng khí biogas
Trước kia, chị Lụa làm ruộng, sau đó chuyển sang làm đậu phụ, kết hợp chăn nuôi lợn. Chồng chị- anh Nguyễn Khắc Sự biết nghề thợ xây nên ngoài phụ giúp vợ, anh nhận làm nhiều công trình, trong đó có hầm khí biogas. Vì lẽ đó, gia đình chị Lụa được mời tham gia xây hầm khí biogas trong khuôn khổ một số dự án về môi trường. Năm 2008, chồng chị đột ngột qua đời. Để tiếp tục công việc, chị nộp đơn xin làm cộng tác viên và tham gia các khóa đào tạo, được cấp chứng chỉ về xây dựng công trình khí sinh học.
Hiện nay, chị là cộng tác viên nữ duy nhất của dự án LCASP Bắc Giang (hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp). Trung bình mỗi năm, chị Lụa nhận và tổ chức thi công khoảng 200 hầm khí biogas cỡ nhỏ và vừa ở nhiều địa phương trong tỉnh. Gần 10 năm tham gia dự án với hàng nghìn công trình được xây dựng, chị Lụa không để xảy ra sai sót, sự cố. Chị tâm sự: "Đã là thợ phải biết tư vấn, thiết kế sao cho phù hợp. Đặc biệt, kích thước ở từng hạng mục phải được tính toán chính xác".
Vừa trực tiếp làm, vừa quản lý, truyền dạy cho công nhân kỹ thuật, công việc khá bận rộn song chị Lụa vẫn thu xếp thời gian cùng các đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động bà con sử dụng hầm khí sinh học. Năm 2014, chị Lụa đoạt giải cá nhân xuất sắc tại Hội thi tay nghề giỏi do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức.
Ông Đào Xuân Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án LCASP Bắc Giang nhận xét: "Trong xây dựng hầm khí biogas, yếu tố kỹ thuật là khâu quyết định đến chất lượng của hầm. Nếu người thợ không nắm vững kỹ thuật sẽ rất khó để có công trình bảo đảm độ an toàn. Chúng tôi đánh giá cao tay nghề của chị Lụa".
Tới đây, chị Lụa được chọn là thợ tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang tham gia khóa đào tạo xây hầm khí biogas cỡ lớn theo dự án LCASP. Đây là điều kiện để chị có thể đảm nhận, thi công các công trình lớn hơn ở trong và ngoài tỉnh, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ môi trường.