Nhà báo Đỗ Thành Nam: Thưa ông Nguyễn Trung Kiên, được biết, dự LCASP do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề nghị ông giới thiệu đôi nét về dự án?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Dự án LCASP do Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2019. Dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ Ngân hàng ADB và vốn đối ứng ngân sách địa phương với mục tiêu xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Dự án hỗ trợ các nội dung: Tập huấn, tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình biogas và các công trình phụ trợ, chuyển giao công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Nhà báo Đỗ Thành Nam: Thực tế, dự án LSCAP được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh từ năm 2013. Ông có thể cho biết những kết quả đạt được từ dự án trong xử lý ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương như thế nào?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Qua gần 5 năm triển khai, Ban Quản lý dự án LCASP tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hơn 2,5 nghìn lượt người dân về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; tuyên truyền rộng rãi đến chính quyền, nhân dân các địa phương về lợi ích khi áp dụng mô hình này; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt và tập huấn sử dụng công trình biogas cho 7 nghìn hộ dân tham gia. Qua đó nâng cao nhận thức, trang bị cho các hộ phương pháp, kỹ năng xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi, bảo đảm hợp vệ sinh môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nhà báo Đỗ Thành Nam: Thưa ông Hoàng Công Mạnh, được biết, hiện nay gia đình ông đang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vậy, trước khi được tham gia dự án LCASP, gia đình ông gặp những khó khăn gì khi xử lý chất thải chăn nuôi?
Ông Hoàng Công Mạnh: Gia đình tôi có trang trại chăn nuôi lợn quy mô khoảng 450 con (100 lợn nái, 350 lợn thịt), mỗi năm bán từ 60-70 tấn. Trước kia, vào mùa hè nóng nực, mùi phân lợn bốc lên từ chuồng trại rất khó chịu. Chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất... Khi chuyển mùa, một số bệnh dịch thường gặp dễ phát sinh. Trung bình, mỗi năm, gia đình tôi tốn gần mười triệu đồng mua củi, than tổ ong để đun nấu phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Nhà báo Đỗ Thành Nam:Vậy dự án LCASP đã giúp gia đình ông xử lý những bất cập trên như thế nào?
Ông Hoàng Công Mạnh: Năm 2016, nhờ có dự án LCASP với kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư xây hệ thống hầm khí sinh học biogas. Từ khi có hầm khí, môi trường chăn nuôi trở nên sạch sẽ, trong lành hơn. Ngoài ra, gia đình tôi có thêm lượng khí đốt dùng thay than, củi, tiết kiệm được chi phí sinh hoạt. Không chỉ sử dụng khí biogas làm chất đốt phục vụ đun nấu, tôi còn dùng sưởi ấm cho gia súc, gia cầm trong mùa đông giá rét.
Nhà báo Đỗ Thành Nam:Thưa ông Nguyễn Trung Kiên, trong quá trình thực hiện dự án có những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, TP; nhận thức của người dân được nâng lên. Bên cạnh đó, dự án còn có đội ngũ thợ xây, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, như chúng ta biết, nông nghiệp là ngành đa dạng về sản xuất, đặc thù các vùng miền khác nhau nên trong quá trình thực hiện nội dung dự án thường xuyên có sự thay đổi, điều chỉnh, phần nào ảnh hưởng tới tiến độ, kết quả thực hiện dự án. Việc xác định công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế đa dạng ở địa phương rất khó khăn, mất nhiều thời gian mới tìm được mô hình tối ưu nhất. Đặc biệt, giá lợn có sự biến động phần nào cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án...
Ông Nguyễn Trung Kiên: Song song với việc hỗ trợ lắp đặt, xây dựng công trình khí sinh học, Ban Quản lý dự án LCASP đã và đang triển khai nội dung hỗ trợ cho các trang trại và các nhóm hộ chăn nuôi hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Dự án lựa chọn 8 trang trại và 2 nhóm hộ chăn nuôi lợn đủ điều kiện tham gia xây dựng mô hình này.
Phương pháp xử lý mới giúp cho người dân thu gom chất thải rắn trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tiết kiệm chi phí đầu vào trong trồng trọt. Cũng qua đây giảm quá tải ở các hầm khí sinh học.
Ông Hoàng Công Mạnh: Nhận thấy lợi ích, hiệu quả kinh tế của việc sử dụng hầm khí biogas (xử lý phân, nước thải, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra khí đốt phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt...) nên nhu cầu xây dựng hầm khí ngày càng lớn. Do đó, tôi mong muốn Ban Quản lý dự án tiếp tục có biện pháp hỗ trợ người dân về xây dựng công trình khí sinh học. Đối với các hộ chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa đến xử lý môi trường nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn vận hành hầm khí...
Nhà báo Đỗ Thành Nam:Thưa ông Nguyễn Trung Kiên, thời gian tới, nội dung dự án sẽ được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh Bắc Giang?
Ông Nguyễn Trung Kiên: Trên cơ sở nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Thông tin, tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi đến các địa phương có các hộ tham gia. Hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học quy mô nhỏ cho người chăn nuôi thuộc các đối tượng ưu tiên (hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ là trụ cột gia đình) với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình. Hỗ trợ xây dựng thí điểm một số hầm biogas quy mô cỡ vừa cho các gia trại chăn nuôi.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn “Sử dụng hệ thống máy tách phân di động để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nhóm hộ”; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống này. Mặt khác tiến hành xây dựng một số mô hình xử lý chất thải chăn nuôi khác như: Hố ủ phân compost; mô hình sử dụng nước thải sau biogas tưới cho cây ăn quả... phù hợp với các địa phương.
có thêm nguồn chất đốt sinh hoạt hằng ngày
Ông Nguyễn Trung Kiên: Thời gian tới, để thực hiện dự án đạt kết quả tốt nhất, Ban Quản lý dự án LCASP Bắc Giang đề nghị phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, TP tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai các hoạt động của dự án, tạo điều kiện thuận lợi để kỹ thuật viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cũng như hiệu quả, lợi ích của dự án, qua đó có nhiều người dân được tiếp cận dự án. Các hộ chăn nuôi cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe bản thân và cộng đồng; tìm hiểu và áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi triệt để, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.
baobacgiang.com.vn