Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt 671.112 con (trâu 129.962 con, bò 17.146 con, lợn 524.004 con). Ước tính lượng phế thải chăn nuôi gia súc, đại gia súc tại Lào Cai thải ra khoảng trên 10.000 tấn chất thải rắn/ngày, lượng phế thải này mới được xử lý và tận dụng làm phân bón hoặc nuôi trồng thủy sản khoảng 40%. Do vậy, phần lớn chất thải chăn nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường đã tác động xấu đến đời sống của người dân.
Là một trong 10 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để triển khai thực hiện dự án“ Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp”. Ngay sau khi triển khai, Ban quản lý dự án tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các địa phương tổ chức hội thảo, hội thảo truyền thông, tập huấn tuyên truyền về tiêu chuẩn kỹ thuật công trình khí sinh học; quản lý chất thải chăn nuôi an toàn; vận hành và sử dụng công trình khí sinh học cho nông dân tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến giữa tháng 6 năm 2017, dự án đã xây lắp được 2.406 công trình/3.700 công trình KSH. Hiện nay, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp đang tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học theo quy cách, kỹ thuật của dự án được hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình
Từ ngày 12/4/2017, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai triển khai đồng thời thêm mức hỗ trợ 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)/01 công trình, nếu chủ công trình đáp ứng một trong các tiêu chí sau: (1) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;(2) Hộ gia đình người dân tộc thiểu số: có chồng hoặc vợ là người dân tộc thiểu số; (3) Hộ gia đình có phụ nữ là trụ cột: đáp ứng một trong hai tiêu chí phụ như: * Hộ gia đình hiện có phụ nữ là chủ hộ sống đơn thân (ví dụ: bà mẹ đơn thân, góa phụ,....); * Hộ gia đình có chồng là người mất khả năng lao động (ví dụ: tai nạn mất sức lao động, thương binh,.....) . (Về hồ sơ cần phải có các tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với các hộ gia đình đáp ứng các tiêu chí hợp lệ nêu trên)
Có thể nói, việc triển khai thêm mức hỗ trợ 5 triệu đồng/1 công trình KSH sẽ giúp cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ gia đình có phụ nữ là trụ cột có cơ hội được tiếp cận và tham gia dự án tốt hơn, dự án Nông nghiệp các bon thấp hỗ trợ đã góp phần quan tâm tích cực đến nhóm yếu thế trong xã hội, dự án đã giúp các hộ xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân vùng cao, tạo thêm công việc cho một bộ phận lao động, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho người sản xuất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai./