Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân ở xã Chiềng Pấc vận hành công trình khí sinh học.
Đến thăm mô hình nuôi lợn của gia đình anh Phạm Văn Tiện, bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, một trong những hộ đang sử dụng công trình khí sinh học. Anh Tiện chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi gần 30 con lợn thịt, trước đây, khi chưa xây lắp công trình khí sinh học, lượng chất thải ra môi trường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt gia đình và những hộ dân xung quanh. Năm 2019, gia đình tôi đăng ký tham gia dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) và được hỗ trợ 3 triệu đồng để đầu tư xây, lắp công trình khí sinh học với một bể Composite 9 m³. Qua đó, không riêng chất thải trong chăn nuôi được xử lý, chuồng trại sạch sẽ, hạn chế gây ỗ nhiễm môi trường, mà còn thu được khí gas phục vụ sinh hoạt, giúp gia đình tiết kiệm được gần 2 triệu đồng/năm tiền mua gas.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu có nhiều trang trại, gia trại cùng hàng nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, do vậy khối lượng chất thải sau chăn nuôi phát sinh rất lớn, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để triển khai có hiệu quả Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã phân công cán bộ, kỹ thuật viên tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi đăng ký xây, lắp công trình; ưu tiên những hộ chăn nuôi quy mô lớn, gần khu dân cư. Đồng thời, trực tiếp xuống từng hộ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, giám sát chất lượng, nghiệm thu công trình đảm bảo lắp đặt, vận hành đúng kỹ thuật. Thường xuyên tổ chức tập huấn thông qua các hội nghị của xã, cuộc họp bản nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về lợi ích của Dự án, hướng dẫn cách vận hành cho các hộ dân đã xây dựng, lắp đặt công trình khí sinh học trên địa bàn huyện sử dụng hiệu quả, quản lý chất thải trong chăn nuôi an toàn.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, từ Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp thuộc Ban Quản lý dự án LCASP Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ đã hỗ trợ kinh phí xây dựng gần 300 công trình khí sinh học cho các hộ gia đình chăn nuôi gia trại, trang trại ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thuận Châu với mức hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/công trình. Việc các hộ gia đình đăng ký tham gia Dự án này, tùy thuộc vào từng đối tượng sẽ có mức hỗ trợ khác nhau, như: Dự án hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình đối với các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đơn thân; 3 triệu đồng/công trình đối với các đối tượng khác. Ngoài ra, việc lựa chọn kiểu công trình khí sinh học xây bằng gạch và bể Composite sẽ phụ thuộc vào chi phí, diện tích mặt bằng, địa chất, quy mô của các hộ chăn nuôi... Thông qua dự án, công tác tuyên truyền về chăn nuôi được đẩy mạnh, các hộ dân có ý thức tham gia xây dựng công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi gọn gàng, chuồng trại sạch sẽ, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Qua đó, những công trình khí sinh học khi đưa vào sử dụng đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn khí đốt, tiết kiệm chi phí mua gas, hạn chế việc lấy củi làm chất đốt... Nhận thấy lợi ích thiết thực của công trình khí sinh học từ Dự án mang lại, hiện đang có 40 hộ dân tại các xã đang tiếp tục triển khai và nhiều hộ đăng ký xây dựng công trình khí sinh học.
Việc thực hiện Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp trên địa bàn huyện Thuận Châu đã giúp các hộ dân chăn nuôi xử lý hiệu quả chất thải, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Các công trình khí sinh học còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
http://baosonla.org.vn/