Si Ma Cai là một huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Ngày 11/11/2014, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 22 “Về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020” nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020, huyện đạt mức phát triển trung bình của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Với thế mạnh về số lượng tổng đàn gia súc và kinh nghiệm chăm sóc từ bao đời nay, đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân Si Ma Cai vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đang đặt ra cho huyện và người dân nơi đây nhiều thách thức. Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã góp phần giúp địa phương từng bước giải được bài toán này.
Bản Mế là một trong những xã có số lượng đàn gia súc lớn của huyện. Với việc tập trung phát triển số lượng đàn gia súc, Bản Mế còn là địa phương thực hiện tốt Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp. Ngoài số vốn hỗ trợ của dự án, nhiều hộ gia đình trong xã đã bỏ thêm tiền để đầu tư các công trình khí sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi. Gia đình ông Tải Thín Vương, thôn Sín Chải, thường xuyên nuôi 05 con lợn nái và 05 con trâu. Năm 2018, được tập huấn kỹ thuật, gia đình mạnh dạn sử dụng đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi, giúp giảm công vệ sinh chuồng trại hàng ngày, không gây ô nhiễm môi trường, giảm được các chi phí phòng bệnh trong chăn nuôi. Ông Vương chia sẻ: "Gia đình tôi từ khi sử dụng đệm lót sinh học, thấy không còn mùi nữa, cũng không ảnh hưởng đến hàng xóm. Trâu bò đến mùa đông thì ngủ nghỉ cũng ấm áp hơn".
Gia đình ông Thàng Seo Chảnh, thôn Suối Thầu, xã Si Ma Cai là một trong những hộ làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Ngoài mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại, gia đình ông còn áp dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, như sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý các chất thải, tận dụng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Với kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp do tận dụng được toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt, hạn chế được ô nhiễm môi trường, giờ đây, nhiều nhà trong thôn cũng đã học tập ông Chảnh áp dụng vào trong chăn nuôi của gia đình. Ông Chảnh chia sẻ: "Hố ủ phân rất tốt, chỉ cần hơn 01 tháng là sử dụng bón cho cây được rồi. Mình không cần phải phơi như trước nữa, mang đi trồng ngô rất tốt".
Gia đình ông Vương và ông Chảnh chỉ là 02 trong số rất nhiều hộ đã được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai. Theo đánh giá, dự án đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Ngoài ra, dự án còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 05 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 3.700 công trình khí sinh học, hỗ trợ tài chính cho hơn 3.500 chủ công trình. Tổ chức 118 lớp tập huấn vận hành và bảo dưỡng công trình khí sinh học, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cho hơn 3.700 học viên. Bà Phạm Thị Hoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: "Qua đánh giá các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi như: Hố ủ bioga, nuôi giun quế, hố ủ phân, chạy máy phát điện…, được bà con đánh giá mang lại hiệu quả rất là cao. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhân rộng các mô hình đã làm hiệu quả".