Giồng Trôm nhân rộng mô hình quản lý chất thải chăn nuôi

: Thứ ba - 29/12/2020 03:41  |  Đã xem: 1935
Đàn heo trên 54 ngàn con, đàn bò trên 24 ngàn con, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, huyện Giồng Trôm đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải chăn nuôi. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 606 công trình khí sinh học (KSH) được lắp đặt, đem lại hiệu quả tích cực đối với môi trường chăn nuôi.
nuoi bo
 
Anh Lê Văn Bé Sáu, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm chăm sóc đàn bò.
 

Cộng đồng đồng tình

Anh Lê Văn Bé Sáu, ở ấp Hưng Nghĩa 2, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm là thợ xây, thành viên đội thợ chuyên thi công các công trình KSH tại địa phương. Nhiều năm xây hầm biogas cho bà con, anh Bé Sáu tiếp thu được những lợi ích của công trình KSH. Năm 2018, anh quyết định phát triển kinh tế gia đình bằng việc chăn nuôi dê và bò. Đồng thời, anh đăng ký xây hầm biogas thể tích 8,8m3 với sự hỗ trợ của dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp. “Tôi thấy người ta chăn nuôi có hầm biogas sạch sẽ, an toàn nên mạnh dạn đăng ký làm và cũng là để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ có hầm biogas, môi trường chăn nuôi vừa đảm bảo vừa có khí gas để sử dụng, tiết kiệm tiền nhiên liệu, chất đốt”, anh Bé Sáu chia sẻ. Hiện gia đình anh Bé Sáu nuôi 3 con bò nái và 1 bê con, thu nhập gia đình ổn định hơn.

Khi xây hầm biogas, anh Bé Sáu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do dự án tổ chức; thường xuyên trao đổi thông tin với cán bộ khuyến nông địa phương, những người có kinh nghiệm, tìm hiểu về kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả tốt. Nhà có đất rộng, anh kết hợp trồng cỏ ngay tại vườn nhà để làm thức ăn cho đàn bò, sử dụng phần nước xả của hầm biogas tưới cỏ và không sử dụng thuốc hóa học nên chất lượng cỏ tốt, an toàn cho đàn vật nuôi. Không gian xung quanh chuồng trại của gia đình lúc nào cũng thông thoáng, sạch sẽ, KSH được sử dụng làm chất đốt, tiết kiệm được một khoảng chi phí sinh hoạt. “Trước đây, một năm xài 5 - 6 bình gas, giờ thì ko cần tốn tiền mua nữa”, anh Bé Sáu cho biết.

Xã Hưng Lễ là địa phương đi đầu trong thực hiện các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi hiệu quả của huyện Giồng Trôm, với gần 70 công trình KSH được lắp đặt. Anh Bé Sáu cho biết: “Ở ấp tôi, 80 - 90% người dân chăn nuôi làm hầm KSH. Tôi là thợ xây công trình KSH, cũng sử dụng hầm KSH nên hiểu rõ lợi ích và hiệu quả của mô hình. Bà con thấy mình làm tốt nên làm theo”.

Nhu cầu của người dân còn nhiều

Thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Giồng Trôm, việc triển khai lắp đặt các công trình KSH nói riêng, các giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi nói chung trên địa bàn huyện được người dân đồng tình, ủng hộ, chính quyền các xã nhiệt tình phối hợp thực hiện cũng như tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng các mô hình. Áp dụng các mô hình, người dân địa phương là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi, giải quyết vấn đề môi trường chăn nuôi, sức khỏe người chăn nuôi và cộng đồng được bảo đảm.

Người dân càng phấn khởi hơn khi hiệu quả của các công trình KSH còn giúp tiết kiệm chi phí chất đốt cho sinh hoạt, các cơ sở lớn còn sử dụng thay thế cho năng lượng điện, góp phần tiết kiệm điện, chi phí chăn nuôi. Các hộ biết cách tận dụng phụ phẩm KSH để tưới cho cây trồng, tưới cỏ chăn nuôi, đạt chất lượng trong trồng trọt.

Nông nghiệp huyện Giồng Trôm phát triển chăn nuôi heo là chính, kế đến là bò. Theo đánh giá, khoảng 60 - 70% các hộ chăn nuôi thực hiện công trình KSH. Qua điều tra nắm quy mô chăn nuôi của bà con, nhu cầu của người dân vẫn còn. Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục thông tin, hướng dẫn bà con tiếp tục lắp đặt công trình KSH, thực hiện chăn nuôi an toàn.

Theo ông Võ Hữu Bá Đạt - Phó trạm Khuyến nông huyện Giồng Trôm, việc quản lý tốt chất thải chăn nuôi đã góp phần rất lớn cho bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi do Dự án hỗ trợ nông nghiệp đã giúp cho nông dân hình thành được quy trình chăn nuôi an toàn. Quản lý chất thải chăn nuôi với nhiều phương pháp, mô hình được triển khai thời gian qua như làm hầm biogas, xử lý ủ phân sinh học... khi thực hiện tốt đã góp phần giảm đi mầm bệnh trong đàn vật nuôi vì đa số mầm bệnh lan truyền chủ yếu từ nguồn chất thải đàn nuôi.

https://baodongkhoi.vn/
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây