Ông Bàn Văn Tranh, cán bộ khuyến nông xã Vân Hồ, thông tin: Hiện, xã có trên 71.000 con gia súc, gia cầm, với mục tiêu phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, việc sử dụng hầm biogas được ưu tiên lựa chọn trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Khí biogas cung cấp khí đốt phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng, nâng cao hiệu quả kinh tế và điều kiện sống cho nông dân. Lượng chất thải chăn nuôi sau khi đã qua phân hủy ở hầm biogas có thể sử dụng làm phân bón, ít bị các mầm bệnh gây hại hơn. Với kết cấu khép kín và sử dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt, hầm biogas đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.
Qua được tuyên truyền về lợi ích của việc lắp đặt hầm biogas, tùy theo điều kiện và quy mô chăn nuôi của gia đình, các hộ chăn nuôi trong xã đã xây dựng hầm biogas. Chi phí xây dựng hầm biogas không lớn, chỉ từ 8-12 triệu đồng là lắp đặt được một hầm có dung tích từ 6-12 m³, sử dụng cho 1 gia đình chăn nuôi từ 10-20 con lợn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi trong xã còn được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học biogas; Hội Nông dân tỉnh cũng hỗ trợ xã xây dựng 12 hầm biogas tại các bản Hua Tạt và Suối Lìn. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, trên địa bàn xã Vân Hồ đã có trên 70 hộ đã xây dựng hầm biogas.
Gia đình chị Bàn Thanh Bình, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, trước đây thường xuyên bị hàng xóm phản ánh mùi chất thải từ khu nuôi lợn của gia đình chị. Ngày nắng thì đỡ hơn, nhưng những ngày mưa và ẩm, mùi chất thải bốc lên rất khó chịu. Từ khi gia đình chị Bình xây dựng công trình khí sinh học biogas thì tình trạng trên không còn. Hiện, gia đình chị đang nuôi 3 con lợn nái, 20 con lợn thịt. Chị Bình chia sẻ: Nguồn chất thải thông qua hệ thống xử lý biogas tạo chất đốt, tiết kiệm hơn 10 triệu đồng/năm. Không những đủ khí gas phục vụ nhu cầu đun nấu của gia đình, nguồn khí sinh học biogas còn giúp gia đình có nguồn điện thắp sáng mỗi khi mất điện.
Còn gia đình anh Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, nuôi hơn 30 con lợn, 3 con bò, lượng chất thải khá lớn. Nếu không xây dựng biogas thì việc chăn nuôi lợn với quy mô như gia đình anh sẽ gặp trở ngại trong xử lý chất thải. Anh Cao cho biết: Khi chưa có hầm Biogas, gia đình phải đi mua củi nấu thức ăn cho lợn, tốn khá nhiều tiền. Nhờ lắp đặt hệ thống biogas, tôi đã tận dụng được nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt của gia đình và nấu thức ăn cho đàn vật nuôi; cùng với đó, khu vực chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, hạn chế mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Tôi còn chia sẻ với những gia đình trong bản cùng làm hầm biogas để bảo vệ môi trường, tạo khí đốt, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bây giờ đến xã Vân Hồ, việc sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi đã được người dân tích cực áp dụng. Bởi đó là một trong những điều kiện để chăn nuôi phát triển bền vững, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.