Lập nghiệp từ mô hình kinh tế trang trại

: Thứ hai - 21/11/2016 22:20  |  Đã xem: 1443
Tại vùng chuyển đổi sản xuất của xã Trung Thành (Vụ Bản), trong số các mô hình kinh tế tổng hợp mang lại giá trị kinh tế cao, chúng tôi được giới thiệu đến trang trại rộng trên 1,1ha của anh Bùi Duy Ngọc ở xóm Phố.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Ngọc vừa kể về quá trình lập nghiệp ở quê hương với bao gian nan, vất vả không kể ngày đêm, mưa nắng. Năm 2010, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Trung Thành đã tập trung triển khai dồn điền đổi thửa để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập trên từng diện tích đất canh tác. Trong 3 vùng sản xuất tập trung, có vùng nuôi thủy sản là lĩnh vực anh Ngọc thấy tâm đắc và có kinh nghiệm hơn cả. Nhận thấy đây là cơ hội để thoát nghèo, anh Ngọc đã bàn với gia đình dồn đổi toàn bộ đất canh tác của gia đình cho các hộ khác trong thôn lấy phần ruộng trũng và thùng đào, thùng đấu tập trung liền vùng. Có được diện tích như mơ ước, anh Ngọc phấn khởi, ngày đêm nghĩ cách làm sao để khai thác tốt, khiến đất sinh lời. Sau nhiều đêm suy tính, bàn bạc thống nhất, gia đình anh quyết định lựa chọn mô hình kinh tế tổng hợp để bảo đảm thành công bước đầu. Làm nông nghiệp rủi ro lớn nên đi nhiều “chân” để “cây” bù “con” hoặc ngược lại. Nghĩ là làm, anh quyết định thuê máy múc đào đắp toàn bộ bờ vùng, bờ thửa và lắp đặt hệ thống cống tiêu, thoát nước. Vùng trũng rộng 3.900m2 anh cải tạo thành ao nuôi các loại cá truyền thống; vùng cao hơn anh san phẳng cấy lúa vụ xuân và làm “sân chơi” cho cá; phần còn lại anh “đôn” làm đất trồng các loại hoa màu; còn hơn 300m2 xây dựng khu chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái.

Sau cả năm trời miệt mài, chẳng quản nắng mưa, đêm ngày, cả khu đất rộng hơn 1,1ha gập ghềnh cao thấp đã được cải tạo thành công có thể trồng lạc xuân, đậu tương hè thu, ngô đông; vùng thấp hơn có thể cấy lúa và khu ao nuôi các loại cá: trắm, chép, mè, trôi. Theo anh Ngọc, hiện nay ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, những người làm trang trại như anh sẽ khó thành công khi không có sự hợp tác giúp đỡ của các doanh nghiệp, ngân hàng. Anh đã trực tiếp tìm hiểu và ký hợp đồng với Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) để được hỗ trợ cung cấp giống lúa chất lượng, các kỹ thuật canh tác, chăm sóc giống Bắc Thơm, sản phẩm đảm bảo chất lượng lại được Cty thu mua chế biến cung cấp cho các đại lý ở các thành phố. Người sản xuất không phải loay hoay chọn mua giống, rồi “nín thở” lo chất lượng giống, đến mùa gặt lại lo bán có được giá không... Có phương án sản xuất hợp lý nên việc vay vốn đầu tư cho sản xuất của anh không khó khăn. Năm 2013 được Ngân hàng NN và PTNT huyện Vụ Bản cho vay 150 triệu đồng, anh đã đầu tư xây 12 ô chuồng nuôi lợn, lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch tự động, trang bị hệ thống quạt thông gió và bơm nước làm mát chuồng nuôi, xây dựng hầm bi-ô-ga để xử lý phân, nước thải, bảo đảm môi trường khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát. Nhờ tập trung đầu tư quy mô và bài bản nên mỗi lứa anh Ngọc thường nuôi được từ 60-80 con lợn thịt. Nguồn thức ăn chăn nuôi được anh nhập từ các đại lý có uy tín, kiên quyết không sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi. Theo anh Ngọc, việc chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng có thành công hay không chính là ý thức và thực hành việc phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm giữ gìn vệ sinh tốt chuồng nuôi, sau mỗi lứa xuất chuồng không được tham nuôi trở lại ngay phải có thời gian cho chuồng nghỉ để tiêu độc, khử trùng và quan trọng nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn đúng quy định. Anh luôn đảm bảo tiêm vắc-xin phòng bệnh cho lợn ngay khi lợn giống được 10-15 ngày tuổi. Nhờ đó trong suốt những năm qua việc chăn nuôi của anh Ngọc luôn suôn sẻ, không bị dịch bệnh nào. Mỗi năm trang trại đã mang lại cho gia đình anh Ngọc doanh thu trên 1 tỷ đồng. Không chỉ kinh tế gia đình từng bước ổn định, có tích lũy, vào lúc đông vụ, trang trại của anh Ngọc còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

Với sự quyết tâm, năng động dám nghĩ, dám làm, anh Ngọc vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương và đóng góp cho kinh tế địa phương. Mô hình trang trại của anh đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Hy vọng trang trại sẽ ngày càng phát triển bền vững và sẽ có thêm nhiều trang trại mới làm ăn hiệu quả như vậy, góp phần xây dựng quê hương Trung Thành NTM bền vững./.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây