LCASP Bến Tre- Đẩy mạnh truyền thông về hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp

: Thứ tư - 11/09/2019 10:39  |  Đã xem: 1730
Qua 5 năm triển khai thực hiện Dự án (DA) Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (2014 - 2018), công tác truyền thông của DA đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp và nhân dân về vấn đề quản lý chất thải trong chăn nuôi.
20190503 083830
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền cho nông dân về hiệu quả của các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi.
 

Tuyên truyền sâu các nội dung

DA chú trọng đi vào chiều sâu để tuyên truyền cho nông dân các địa phương về hiệu quả của những mô hình mà DA triển khai thực hiện. Tổ chức 184 lớp tập huấn cho trên 6.900 người tham gia DA xây dựng công trình khí sinh học về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và kỹ thuật bảo hành, bảo dưỡng, sử dụng an toàn khí sinh học. DA cũng phối hợp với các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tổ chức 45 lớp hội thảo chuyên đề về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, chống quá tải hầm khí sinh học, sử dụng an toàn và triệt để khí ga thừa cho hơn 1.600 người tham dự. DA đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức 24 lớp đào tạo cho gần 800 nông dân và cán bộ khuyến nông về công nghệ phù hợp với ứng dụng sản xuất nông nghiệp các bon thấp.

Ngoài ra, cán bộ DA cũng đã được tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh như Bình Định, Sóc Trăng và các tỉnh phía Bắc. Qua đó, giúp các cán bộ có sự trao đổi về công tác quản lý, kinh nghiệm triển khai các hoạt động của DA, tham khảo các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Trong tuyên truyền, các đơn vị phối hợp để thông tin, hướng dẫn cho nông dân một cách cụ thể. Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Vũ Phương, Hội Nông dân huyện triển khai tuyên truyền về hiệu quả của DA cho nông dân thông qua các cuộc họp chi hội tại các ấp. Ngoài ra, còn tổ chức cho bà con tham quan thực tế tại các điểm trình diễn mẫu về mô hình hoặc tại các hộ đã áp dụng thành công mô hình quản lý chất thải chăn nuôi để bà con thấy và hiểu rõ. Đồng thời, thường xuyên lưu ý, nhắc nhở hội viên nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, giữ gìn môi trường chăn nuôi sạch sẽ, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Để cộng đồng hiểu rõ về lợi ích của các mô hình quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng như xây dựng ý thức chăn nuôi lành mạnh, đúng kỹ thuật, DA tại tỉnh đã chú trọng kết hợp nhiều hình thức truyền thông. DA phối hợp với cơ quan báo, đài của tỉnh thực hiện nội dung tuyên truyền; trong đó, tập trung giới thiệu các mô hình quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi mà DA đã triển khai cũng như mục tiêu, các chính sách hỗ trợ của DA đối với nông dân khi thực hiện mô hình. Qua 5 năm, có trên 50 bài viết, phóng sự truyền hình, phát thanh và nhiều tin tức, hình ảnh về hoạt động của DA được truyền tải đến cộng đồng một cách kịp thời.

Lan tỏa những mô hình cụ thể

Ghi nhận thực tế tại các hộ dân có áp dụng các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi mà DA triển khai, bà con cho biết đều được tập huấn, hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật. Việc nắm chắc kiến thức, kỹ thuật giúp bà con an tâm sử dụng các công trình. Đồng thời, mỗi người nông dân khi áp dụng và đạt hiệu quả rõ rệt đều trở thành một tuyên truyền viên tích cực, góp phần lan tỏa hiệu quả của các mô hình quản lý chất thải chăn nuôi cho cộng đồng.

Qua tuyên truyền, bà con nông dân thấy được hiệu quả thiết thực của các mô hình quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi trong góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiệu quả mà các mô hình DA các bon thấp mang lại còn có ý nghĩa trực tiếp với đời sống sinh hoạt của người dân, giúp tiết kiệm nhiên liệu, chi phí sinh hoạt, tận dụng vào trồng trọt, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững.

Hiện tại, sau 5 năm triển khai, DA tại tỉnh đang gần kết thúc. DA tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tham quan thực tế để mời gọi bà con tham gia thực hiện các mô hình khí sinh học, quản lý chất thải chăn nuôi. Sau khi DA kết thúc, cán bộ khuyến nông địa phương vẫn sẵn sàng hỗ trợ cho bà con nông dân về kỹ thuật để xây dựng các mô hình khi bà con có nhu cầu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây