Triển khai bằng nhiều hình thức
Ông Nguyễn Thế Nghĩa - Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh cho biết: “Mục tiêu của dự án đặt ra là cải thiện các hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại bền vững. Đồng thời, tạo ra nguồn năng lượng sạch, phân bón hữu cơ sinh học...”. Dự án cũng góp phần tăng cường ứng dụng các công nghệ quản lý chất thải nông nghiệp đã được chứng minh có hiệu quả cũng như nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ quản lý chất thải nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Với mục tiêu đó, dự án đã được triển khai với nhiều hình thức. Trong đó, công tác truyền thông được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp và nhân dân về vấn đề quản lý chất thải trong chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức được 184 lớp tập huấn về hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học (KSH) hay còn gọi là hầm biogas, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cho gần 7.000 lượt người dân, hướng dẫn cách sử dụng công trình KSH tại hộ gia đình cho gần 8.000 lượt người. Tập huấn đào tạo chuyên môn về xây dựng công trình KSH, quản lý và kỹ thuật KSH. Toàn tỉnh hiện có 13 đội thợ xây chuyên nghiệp xây dựng công trình KSH đảm bảo chất lượng.
Dự án đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức 59 chương trình hội thảo, tham quan thực tế mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch cho trên 2.000 đối tượng hội viên như: các phương pháp ủ phân hữu cơ từ các phụ phẩm trong nông nghiệp, kỹ thuật nuôi trùn quế, mô hình tưới sử dụng từ nước thải sau công trình KSH, nuôi heo gà trên nền đệm lót sinh học...
Qua 5 năm, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hộ chăn nuôi xây dựng 5.716/6.500 công trình KSH quy mô nhỏ và 3 công trình KSH quy mô vừa; 5 điểm trình diễn mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại; 10 điểm trình diễn mô hình ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí cưỡng bức (ASP); 10 điểm trình diễn mô hình sử dụng nước xả sau công trình KSH để tưới cho cây trồng.
Lợi ích về môi trường và kinh tế
Các công trình KSH được lắp đặt đã mang lại những lợi ích cụ thể cho ngành nông nghiệp. Đầu tiên, đây là giải pháp để xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời, tạo nguồn nhiên liệu đốt, phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Cùng với công trình KSH, các mô hình như hệ thống ủ phân hữu cơ không đảo ASP (hệ thống thông khí cưỡng bức), mô hình máy tách phân được triển khai đã góp phần xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, sản xuất nên nguồn phân bón hữu cơ đạt chất lượng, phù hợp và có lợi cho cây trồng. Ngoài ra còn mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân, tăng thu nhập trong chuỗi chăn nuôi, tạo sinh kế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nguồn nước thải sau công trình KSH dùng để tưới cho cây trồng sẽ thay thế lượng phân hóa học khá lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất và hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững. Các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp của dự án triển khai, giới thiệu đang được người chăn nuôi quan tâm, ứng dụng vào sản xuất tại gia trại và trang trại .
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa - Giám đốc dự án, phương hướng tới, sau khi dự án kết thúc, các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp đã triển khai áp dụng hiệu quả sẽ được tiếp tục nhân rộng cho nông dân thực hiện. Cán bộ khuyến nông cũng như hội nông dân và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân khi có nhu cầu. Việc xây dựng, sử dụng hiệu quả các công trình KSH đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thiết thực cho các địa phương xây dựng tiêu chí về môi trường để đạt chuẩn xã nông thôn mới.