Nuôi heo thời hiện đại

: Thứ năm - 06/10/2016 10:20  |  Đã xem: 1673
Không còn nuôi heo theo kiểu lấy công làm lời, “bỏ ống” tiết kiệm, bây giờ nhiều hộ ở Hoài Ân đã đầu tư tiền tỉ xây dựng trang trại nuôi heo công nghệ cao, khép kín, gắn với bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðây cũng là hướng đi mới trong quá trình phát triển nghề nuôi heo bền vững ở Hoài Ân.

Đàn heo của trang trại Tuyết Huy luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Hiện đại hóa nuôi heo

Trước khi lên đường đến các trang trại nuôi heo ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Vương, Phó phụ trách Trạm Thú y huyện Hoài Ân, nhắc nhở chúng tôi: “Hầu hết các trang trại nuôi heo đều ở xa và chủ nhà đều không muốn người lạ tiếp cận trang trại, vì sợ vô tình mang mầm bệnh xâm nhập gây hại vật nuôi. Bởi vậy, rất khó ghi hình và chụp ảnh tại các trang trại”.

Quả thật, dù có sự giúp đỡ của cán bộ Thú y và lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, nhưng khi đến trang trại nuôi heo giống khép kín công nghệ cao Tuyết Huy, ở xã Ân Tường Đông, chúng tôi chỉ được đứng ngoài cổng quan sát và nghe chủ nhà cung cấp thông tin qua bản thiết kế có sẵn.

Trang trại này nằm dưới chân núi, được bao bọc bởi tường rào kiên cố và những hàng keo lai xanh ngắt. Ông Nguyễn Công Huy, chủ trang trại, cho biết: “Phong trào nuôi heo ngày càng phát triển mạnh, nhu cầu con giống chất lượng cao rất lớn, nên năm 2012 tôi quyết định thuê đất và hợp tác với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng trang trại nuôi heo giống khép kín, áp dụng công nghệ cao; trên diện tích hơn 48.000 m2, tôi xây dựng phòng sát trùng ngay cổng ra vào trang trại. Phía trong xây dựng 2 dãy chuồng nuôi heo chửa, 3 dãy chuồng nuôi heo đẻ và 4 dãy chuồng cho heo sữa, 2 dãy nhà cách ly, 1 nhà kho chứa thức ăn. Tất cả các dãy chuồng đều có hệ thống máy làm mát và hệ thống xử lý chất thải”.

Cũng theo ông Huy, việc chăm sóc, bảo vệ đàn heo đều do 2 bác sĩ thú y và 24 công nhân kỹ thuật đảm nhiệm. Toàn bộ hoạt động trong và chung quanh trang trại đều được giám sát bằng hệ thống camera. Trang trại luôn trong trạng thái xanh, sạch, mát và đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Bình quân mỗi tháng, trang trại xuất bán 1.100 con heo giống với giá 94.000 đồng/kg loại heo 20 kg và 46.000 đồng/kg loại heo từ 20 kg trở lên.

Tôi nài nỉ chủ trang trại vào trong để được “mục sở thị” quy trình đầu tư chăm sóc đàn heo và ghi lại hình ảnh hoạt động nuôi heo ở đây, nhưng vẫn không được chấp thuận. “Người thì dứt khoát không vào được, còn muốn ghi hình thì đưa máy cho công nhân hoặc cán bộ kỹ thuật trong trang trại sử dụng giúp, nhưng phải phun thuốc tiêu độc, khử trùng máy trước đã” - bà Trần Thị Tuyết, vợ ông Huy, nói dứt khoát.

Chăm sóc heo nái sinh sản ở trang trại của ông Thái Văn Hiếu.

Cách trang trại của ông Huy khoảng 15 km là trang trại nuôi heo của ông Thái Văn Hiếu, ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín. Trang trại này cũng biệt lập với khu dân cư. Trên diện tích khoảng 1.000 m2, ông Hiếu xây dựng nhiều dãy chuồng, chia thành nhiều ô, nuôi nhốt từng loại heo khác nhau; hiện có 38 con heo nái, 300 con heo thịt và rất nhiều heo con.

“Trang trại của tôi thực hiện quy trình nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, như tự sản xuất con giống để nuôi heo thịt, tự phòng và điều trị bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp đồng thời dùng chế phẩm sinh học và bổ sung các loại rau xanh. Chuồng trại thoáng mát; heo ăn, uống đều tự động; chỉ cần 2 lao động cũng có thể đảm nhận tất cả các công việc trong trang trại. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn heo, mỗi tháng tôi đều phun thuốc khử độc sát trùng. Năm 2015, tôi xuất bán 840 con heo thịt với tổng sản lượng 65 tấn, thu về 2,4 tỉ đồng”. Với mức thu nhập trên, ông Hiếu đã xây dựng được cơ ngơi bề thế, lo cho các con ăn học ở Nhật cũng là điều dễ hiểu. 

Ngoài 2 trang trại nói trên, ở Hoài Ân còn có 35 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, quy mô lớn và 2.226 hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, thường xuyên nuôi từ 60-100 con heo và hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ hơn. “Phần lớn các hộ chăn nuôi heo đều ý thức tầm quan trọng của việc vệ sinh an toàn dịch bệnh chăn nuôi, nên đã chủ động xây dựng các hầm khí sinh học; nhiều hộ đã đăng ký học các lớp sơ cấp, trung cấp thú y, tìm hiểu về cách phòng chống dịch bệnh. Dù đàn heo của huyện lớn nhất tỉnh (hiện có 232.500 con), nhưng tỉ lệ tiêm phòng luôn đạt cao. Nhờ vậy, nhiều năm qua, đàn heo ở Hoài Ân luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh”- ông Nguyễn Thanh Vương cho biết.

Phát triển chăn nuôi bền vững

Với hơn 15.000 hộ chăn nuôi, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 500 ngàn con heo, huyện Hoài Ân được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung. Năm 2015, giá trị từ nghề chăn nuôi heo đạt 325 tỉ đồng, chiếm 69,5% giá trị ngành kinh tế Hoài Ân. Nghề chăn nuôi heo không những mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương.

Mỗi ngày có hàng trăm con heo được thương lái thu mua ở Hoài Ân đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước. 

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Hoài Ân xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển. Huyện đã và đang quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung nằm xa các khu dân cư, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi công nghệ cao, nuôi heo sạch, thực hiện liên kết chuỗi trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao”.

2 DN mà ông Khúc đề cập là Công ty TNHH thiết bị Phú Hưng (TP Hồ Chí Minh) và Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (Hoài Ân). Trong đó, Công ty Phú Hưng đã được huyện Hoài Ân giao 12 ha tại xã Ân Mỹ để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo khép kín công nghệ cao Phú Hưng với tổng vốn đầu tư trên 60 tỉ đồng. Hiện DN đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng, dự kiến tháng 5.2016 sẽ thả nuôi khoảng 2.400 con heo nái, bình quân mỗi năm sản xuất 45.000 con heo con. Còn Công ty Bảo Châu cũng đang xúc tiến xây dựng trang trại chăn nuôi heo và gà sạch tại xã Ân Đức, gắn với thực hiện chuỗi liên kết thu mua, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm. Ông Đào Xuân Diễn, Giám đốc Công ty Bảo Châu, cho biết: Trên diện tích 3 ha, chúng tôi sẽ xây dựng 10 dãy chuồng kín có đệm lót, thả nuôi khoảng 200 heo thịt, 200 heo nái, 5.000 con gà và khu giết mổ, chế biến, đóng gói sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuồng trại chăn nuôi sẽ được lắp đặt hệ thống làm mát và hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ đồng.

“Bên cạnh việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, công nghệ cao, chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới thú y cơ sở, hỗ trợ phát triển những giống heo có năng suất và chất lượng cao, hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi, gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tạo dựng và phát triển được thương hiệu nghề chăn nuôi heo Hoài Ân theo hướng bền vững”. Ông Nguyễn Hữu Khúc nói với chúng tôi như vậy trước lúc chia tay.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây