Phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi 'hút hàng'

: Thứ năm - 24/08/2017 05:58  |  Đã xem: 2189
Sau khi đạt được thỏa thuận với Cty CP Phân bón và dịch vụ tổng hợp Bình Định (BIFFA) về việc đơn vị này sẽ bao tiêu toàn bộ lượng phân trong chăn nuôi heo trên địa bàn để SX phân hữu cơ chuyên dụng phục vụ cho cây trồng, ngành nông nghiệp Bình Định “thở phào” vì đã giải quyết được đầu ra cho chất thải chăn nuôi.
Xem bài viết đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam tại đây
 
15 49 18 img 3877 (1)
Mỗi sào rau (500m2) ở Thuận Nghĩa mỗi năm sử dụng 1 khối phân hữu cơ được SX từ chất thải chăn nuôi
 

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các bon thấp tỉnh Bình Định (LCASP Bình Định), trong năm 2017 các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh sẽ sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu SX phân hữu cơ quy mô trang trại; sử dụng hệ thống máy tách phân di động để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu SX phân hữu cơ quy mô nhóm hộ; sử dụng máy phát điện bằng khí sinh học quy mô trang trại và mô hình sử dụng nước xả công trình khí sinh học làm phân bón trồng cỏ chất lượng cao chế biến làm thức ăn chăn nuôi bò.

“Đến nay, LCASP Bình Định đã lựa chọn được 5 chủ trang trại tại các xã Canh Vinh (Vân Canh); Cát Hiệp, Cát Lâm (Phù Cát); Ân Mỹ, Ân Tường Đông (Hoài Ân) để thực hiện các mô hình nói trên”, ông Diệp nói.

Bên cạnh đó, LCASP Bình Định vừa ký biên bản ghi nhớ với BIFFA. Theo đó BIFFA cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ phân trong chăn nuôi sau khi đã được ép, tách nước để SX phân hữu cơ chuyên dùng trong SXNN.

“Riêng ở huyện Hoài Ân, hiện mỗi tuần xuất bán cho Cty BIFFA 30 tấn phân. Ngoài sử dụng phân hữu cơ bón lót ruộng, hiện nhu cầu sử dụng loại phân này tại các vùng trồng rau trong tỉnh là rất cao”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc LCASP Bình Định cho hay.

Khảo sát làng rau Thuận Nghĩa ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), chúng tôi thật sự nhận thấy nhu cầu sử dụng phân hữu cơ của người trồng rau ở đây là rất cao. Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, toàn HTX có 36ha đất bãi bồ ven sông Kôn được nông dân ở đây đưa vào trồng rau, trong đó có 4ha rau VietGAP. Người trồng từ lâu đã quen dùng phân hữu cơ bón cho rau, cứ mỗi sào rau (500m2), mỗi năm được bón 1 khối phân hữu cơ, hầu hết do họ tự làm.

“Hộ trồng rau có kiêm thêm chăn nuôi thì không phải mua, hộ nào không có chăn nuôi phải mua phân từ các địa phương khác về làm. Ở Thuận Nghĩa có 1 đại lý chuyên cung cấp chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ, ai có nhu cầu đến đặt hàng, đại lý đánh xe bò đi mua, chở về đến nhà tính tiền 700 ngàn đồng/xe. Trời nắng, hộ chăn nuôi mang phân ra những bãi đất trống phơi. Sau 2 ngày phơi nắng, khi đã hoai phân được bằm nhỏ, mỗi khối được trộn vào 2 bì chế phẩm sinh học Trichoderma ủ, để dành bón cho rau dần dần”, ông Cầu cho biết.

“UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành nông nghiệp vận động nông dân ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vào SXNN để cải tạo đất, đồng thời để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở NN-PTNT Bình Định đang chỉ đạo mạnh mẽ vấn đề này. Do đó, nhu cầu sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng trong thời gian tới là rất cao, chất thải chăn nuôi sẽ càng trở nên hữu dụng”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc LCASP Bình Định.
 
http://nongnghiep.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây