Từ năm 2003 đến nay tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 3 dự án về chương trình khí sinh học: Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam – SNV” từ năm 2003 – 2010 đã xây dựng được 5.650 công trình; năm 2010 – 2014 dự án QSEAP đã xây dựng và lắp đặt 2.007 công trình; Dự án hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) với kế hoạch xây dựng và lắp đặt 3.600 công trình thì trong năm 2014 đã xây dựng và lắp đặt 469 công trình. Trong dự án này người chăn nuôi được hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình và được ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho vay với lãi suất ưu đãi. Các hộ chăn nuôi được khuyến nông viên xã và kỹ thuật viên hướng dẫn, tư vấn xây dựng hay lắp đặt thể tích công trình khí sinh học phù hợp với điều kiện sử dụng khí gas trong gia đình, phân thừa được ủ làm phân bón cho cây trồng. Các hộ xây dựng và lắp đặt công trình khí sinh học được kỹ thuật viên đến kiểm tra, tập huấn, nghiệm thu và chuyển hồ sơ nghiệm thu về Ban quản lý Dự án LCASP Tiền Giang kiểm tra, tổng hợp và chuyển tiền nhanh chóng, các hộ chăn nuôi nhận tiền hỗ trợ dễ dàng, từ đó kích thích được nhiều hộ chăn nuôi thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Công trình khí sinh học đã giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời khí gas sinh ra cung cấp năng lượng sinh hoạt gia đình dùng đun nấu, thắp sáng, đồng thời nhiều trang trại chăn nuôi cũng đã sử dụng khí gas chạy máy phát điện thay thế sử dụng điện nhà. Bả thải khí sinh học làm phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho cây trồng, làm tăng năng suất và sản lượng cây trồng, giúp giảm sử dụng phân bón vô cơ, từ đó giảm lượng nitrat trong đất. Hoặc sử dụng bả thải khí sinh học làm thức ăn cho cá, nuôi trùn tăng sản lượng vật nuôi. Nước thải ra từ hầm biogas nếu vận hành tốt làm thức ăn chăn nuôi heo giúp heo mau lớn, ngủ nhiều.
Xây dựng và lắp đặt công trình khí sinh học đã tạo được công ăn việc làm cho lao động nông thôn, giảm gánh nặng công việc nhà cho phụ nữ và trẻ em, giảm ô nhiễm khí trong nhà và cải thiện vệ sinh trang trại, thay thế gỗ củi và các nhiên liệu hóa thạch khác trong đun nấu góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Toàn tỉnh hiện có 18 kỹ thuật viên khí sinh học được trang bị tốt kiến thức, thường xuyên được tập huấn nâng cao chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm về khí sinh học. Tất cả các công trình khí sinh học xây dựng hay lắp đặt đều được kỹ thuật viên đến kiểm tra, giám sát, nghiệm thu. Với hơn 32 đội thợ xây công trình khí sinh học và 5 đội lắp đặt khí sinh học composite tay nghề giỏi, có nhiều kinh nghiệm. Tất cả các công trình khí sinh học xây dựng hay lắp đặt đều được đảm bảo đúng các thông số kỹ thuật, vận hành tốt và được bảo hành từ 1 – 3 năm. Khi có sự cố đều được đội thợ đến khắc phục và sửa chữa, từ đó tạo được lòng tin cho các hộ chăn nuôi. Riêng hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học cũng được tập huấn kiến thức giám sát thợ xây, vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học và tập huấn đào tạo ý thức về môi trường chăn nuôi để đảm bảo không truyền nhiễm các bệnh gia súc, gia cầm, đưa chất thải xuống phù hợp với công suất xử lý của công trình, xử lý chất thải thừa bằng các phương pháp ủ phân làm phân sinh học.
Trong năm 2015 Ban quản lý Dự án LCASP Tiền Giang có kế hoạch hỗ trợ xây dựng và lắp đặt 800 công trình cho tất cả nông dân trong tỉnh với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình. Với đội ngũ thợ xây lành nghề, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm và cán bộ khuyến nông bố trí ở 10 trạm khuyến nông huyện thị, thành chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu của người dân trong xây dựng lắp đặt công trình khí sinh học./.