Quản lý chất thải trong chăn nuôi - Việc làm cấp bách của người dân vùng cao Si Ma Cai

: Thứ năm - 11/05/2017 06:25  |  Đã xem: 1537
Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo (30a) vùng cao biên giới, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, diện tích lúa ruộng rất ít khoảng 1.112 ha, phần lớn canh tác phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Tổng đàn gia súc của huyện Si Ma Cai khoảng trên 40.000 con, trong đó đàn trâu, bò, ngựa gần 13 ngàn con. Thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TU, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc huyện Si Ma Cai, quy mô dự án đến hết năm 2017 sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để người dân phát triển chăn nuôi thêm khoảng 10 ngàn con trâu, bò, ngựa.  Do tập quán sinh kế của đồng bào Mông, hiện nay phần lớn các hộ vẫn duy trì chăn nuôi theo phương thức quảng canh, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn sẵn có nên sinh trưởng chậm, thời gian nuôi kéo dài. Còn nhiều hộ dân chưa chú trọng hoặc chưa có điều kiện để xây dựng chuồng trại kiên cố, chưa quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm môi trường. Phần lớn các hộ chăn nuôi vẫn duy trì tập quán phơi phân ngay trước sân nhà, đường đi để gùi lên nương bón cho cây trồng hoặc gom phân thành đống và không có biện pháp xử lý như ủ phân. Hình thức chăn nuôi này làm mất vệ sinh môi trường nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, lãng phí chất thải, thu nhập thấp. Đồng thời, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
 
Chăn nuôi mất vệ sinh ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng
 
Việc xử lý chất thải chăn nuôi là một trong những khâu quan trọng góp phần đem đến thành công cho người chăn nuôi. Chất thải được xử lý đúng cách và khoa học góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, hạn chế mầm bệnh trong không khí, giúp giảm rủi ro do dịch bệnh. Ngược lại, chất thải không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách là tác nhân hủy hoại môi trường, làm cho nhiều loại mầm bệnh phát sinh gây, thiệt hại lớn đến kinh tế, ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

Trong những năm gần đây đồng bào vùng cao Si Ma Cai nói riêng và đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung đều chưa khai thác hoặc sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây trồng. Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón mà đồng bào vùng cao có thể tự làm từ các loại phế thải như: Chất thải người, gia súc, gia cầm; rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, cây phân xanh... được ủ với chế phẩm vi sinh dùng để bón vào đất làm tăng độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường. Hay nói cách khác phân hữu cơ vi sinh là sản phẩm của quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Các vi sinh vật sử dụng chất hữu cơ để phát triển sinh khối và giải phóng các chất hữu cơ dễ phân hủy...

Để thực hiện thành công Nghị quyết 22-NQ/TU, giúp huyện Si Ma Cai giảm nghèo bền vững rất cần có sự vào cuộc giúp đỡ của các ngành, các cấp chính quyền và của các tổ chức và bản thân người dân phải thay đổi nhận thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong đó có các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai ngoài hỗ trợ cho người dân xây dựng công trình bể khí sinh học còn tổ chức các lớp hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trồng trọt, học viên được học tập về lý thuyết, xem phim hướng dẫn và thực hành ủ phân tại chỗ. Qua đó, các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ có thêm quy trình mới để xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, không phát thải trực tiếp ra môi trường. Giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế nguồn lây lan dịch bệnh.

Ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi
 
Nhằm triển khai tốt các nội dung của dự án, Ban QLDA tỉnh đã kết nối và nhận được sự ủng hộ, phối hợp mạnh mẽ từ các bên liên quan. Đặc biệt là Hội Nông dân, hội Liên hiệp Phụ nữ, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về nông nghiệp. Tất cả các bên cùng tham gia, đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp thực hiện dự án tại địa phương. Các ngành, các cấp đã nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng tới việc giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Thông qua Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, người dân tại tỉnh Lào Cai nói chung và đồng bào vùng cao huyện Si Ma Cai nói riêng sẽ được hưởng lợi trực tiếp về vốn, kỹ thuật, môi trường; con số hưởng lợi gián tiếp lớn hơn rất nhiều. Trong năm 2016 và các năm tới, Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tiếp tục triển khai các mục tiêu đã đề ra, tăng cường đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện. Cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, an toàn, bền vững đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và sự sống trên địa cầu./.
                                                                                                                                                                         laocai.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây