Vườn vải thiều của gia đình ông Hải xanh tốt nhờ phân hữu cơ vi sinh từ hầm biogas.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hải thôn Vối, xã Phúc Hoà, huyện Tân Yên thực hiện theo mô hình đã cho hiệu quả rõ nét. Năm 2003, ông Hải bắt đầu chăn nuôi lợn gia trại và đầu tư xây dựng hầm biogas, thể tích 32m3 để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và dùng làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, gia đình ông còn sử dụng nguồn bã, chất thải lỏng là phân hữu cơ vi sinh sau quá trình ủ khí dưới hầm biogas bơm lên tưới cho vườn vải thiều. Để tận dụng triệt để lượng phân hữu cơ vi sinh này, ông Hải đã đầu tư xây dựng một hệ thống tích trữ nước thải lỏng từ hầm biogas với diện tích 26m3. Hầm chứa này không những tích tụ được lượng chất thải lỏng từ hầm khí sinh học mà còn giúp hoai mục kỹ hơn lượng phân thừa chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, ông cho lắp đặt hệ thống đường ống tưới phân nằm chìm dưới mặt đất dẫn tới khắp nơi trong 8.000 m2 vườn, giúp việc tưới phân hữu cơ trở nên đơn giản, thuận tiện.
Qua việc thực hiện mô hình đã góp phần giúp gia đình ông Hải tiết giảm được 100% lượng phân đạm và lân NPK, ước hơn 10 triệu đồng/năm; cây vải luôn xanh tốt phát triển mạnh và bền cây. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch 11-13 tấn vải thiều. Chất lượng quả vải luôn bảo đảm, ổn định giúp gia đình ông thu về khoảng 200 triệu/năm.
Cũng giống như gia đình ông Hải, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thuần, cùng thôn Vối cũng áp dụng mô hình hầm khí biogas và xây dựng 20 m3 hầm chứa bã thải, nước thải lỏng để làm phân bón cho cây trồng. Chăn nuôi từ 60-70 con lợn mỗi năm, từ năm 2006 gia đình ông xây dựng hầm biogas với dung tích 35 m3, vừa giải quyết được vấn đề môi trường vừa có nhiên liệu đốt cho gia đình. Lượng phân hữu cơ vi sinh từ hầm biogas được ông sử dụng để làm phân bón cho 150 gốc vải thiều trên diện tích 5.000 m2. Nhờ vậy, thay vì trung bình mỗi năm gia đình ông phải sử dụng 5 tạ lân, 2 tạ phân đạm và 1 tạ kali để bón cho cây trồng thì từ khi sử dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh tưới cho cây, mỗi năm gia đình ông tiết giảm được gần chục triệu đồng tiền mua phân bón.
Ông Thuần cho biết, phụ phẩm từ công trình khí sinh học có 2 dạng: Nước thải lỏng, thường xuyên được đẩy ra ngoài với số lượng bằng lượng phân và nước thải nạp vào công trình hàng ngày và bã phân đặc, là phần lắng đọng ở đáy bể biogas được định kỳ lấy ra... Sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phối trộn với các loại nguyên liệu hữu cơ khác để thành các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng rất có giá trị. Chất vi sinh khi thấm vào mặt đất sẽ lên men tạo một lớp đất tơi xốp bộ rễ của cây rất dễ phát triển mạnh. Với lớp đất này người dân không phải sợ đất bạc mầu do sử dụng phân bón vô cơ.
Thực tế, nhiều hộ dân xã Phúc Hòa cũng áp dụng mô hình này cho hiệu quả thiết thực. Hầu hết phân bón cho cây vải trên địa bàn xã đều sử dụng phụ phẩm hệ thống hầm sinh khí sinh học này. Ông Trần Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Hoà cho biết: Hiện trên địa bàn xã Phúc Hoà có trên 700 hộ chăn nuôi với quy mô trang trại và gia trại nên nguồn chất thải rất đa dạng.
Các hộ chăn nuôi trong xã đã xây dựng và sử dụng hầm khí biogas mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường trong lành. Thời gian tới, UBND xã Phúc Hoà khuyến khích bà con khi đã có hầm hoặc đang xây hầm biogas nên xây dựng tiếp một bể chứa bã thải, chất thải lỏng từ hệ thống này, tránh xả thải bừa bãi ra môi trường, tận dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh để tưới cây trồng theo từng giai đoạn.
ÔNG TRẦN ĐỨC HANH, CHỦ TỊCH UBND XÃ PHÚC HÒA (TÂN YÊN)
Để sử dụng hiệu quả nguồn phân hữu cơ vi sinh từ hầm khí biogas, người dân cần lưu ý không nên bón phân, xả thải phân ra ngoài vườn, ruộng... quá nhiều sẽ khiến cây trồng ngộ độc do thừa chất đạm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây trồng.