Trong 2 năm 2014-2015 tỉnh Bình Định xây dựng 4.175 công trình khí sinh học

: Thứ tư - 12/10/2016 23:20  |  Đã xem: 1413
Theo Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (DA LCASP) tỉnh Bình Định, giai đoạn 2013-2018, Bộ NN&PTNT phân bổ cho 10 tỉnh tham gia dự án (DA), mỗi tỉnh thực hiện 3.600 công trình khí sinh học (CTKSH) quy mô nhỏ, nhưng chỉ trong 2 năm 2014 và 2015, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 4.175 CTKSH, vượt kế hoạch.

Năm 2016, tỉnh Bình Định ta tiếp tục được Bộ NN&PTNT chọn tham gia DA LCASP; hiện Ban quản lý DA hỗ trợ khí sinh học Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Bình Định xây dựng 1.940 CTKSH (1.700 công trình quy mô nhỏ, 10 công trình quy mô vừa và 14 công trình quy mô lớn); riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 1.184 CTKSH. Dự án hỗ trợ cho mỗi hộ xây dựng CTKSH quy mô nhỏ 3 triệu đồng; 10 triệu đồng cho hộ xây dựng công trình quy mô vừa và 20 triệu xây dựng công trình quy mô lớn.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Ban quản lý DA LCASP tỉnh Bình Định, cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, Ban quản lý DA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; lựa chọn các hộ dân tham gia DA và tổ chức tập huấn phương pháp vận hành CTKSH, quản lý chất thải chăn nuôi. DA sẽ hỗ trợ cho khoảng 916 hộ gia đình đã đăng ký xây dựng CTKSH quy mô nhỏ, đảm bảo năm 2016 hoàn thành 2.100 công trình. Bên cạnh đó, Ban quản lý DA sẽ chỉ đạo đội ngũ kỹ thuật viên của DA thực hiện tốt công tác tư vấn hộ chăn nuôi lựa chọn công nghệ KSH phù hợp với địa hình, quy mô chăn nuôi; giám sát, nghiệm thu CTKSH đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của DA; kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về môi trường và chất lượng CTKSH đã xây dựng xong và đang vận hành. Cũng theo ông Diệp, để DA phát huy hiệu quả, Ban quản lý DA sẽ ưu tiên xây dựng, lắp đặt các CTKSH tại các địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh như: Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước… và các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2016.

Việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi mang lại không ít hiệu quả cho người sử dụng, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững; tạo nguồn năng lượng sạch, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn./.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây