Biến chất thải, phụ phẩm nông nghiệp thành tiền

Ngày đăng: 24/12/15  |  Đã xem: 3504

LTS: Trước sự quan tâm của đông đảo nông dân về dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), TS Nguyễn Thế Hinh (ảnh), Giám đốc BQL dự án LCASP (Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN-PTNT) đã chia sẻ với Báo NNVN nhiều ý tưởng hay để vừa xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong SX nông nghiệp, đồng thời “biến” những thứ… bỏ đi thành nguồn nguyên liệu rất giá trị.

Biogas không phải sự lựa chọn duy nhất

Theo Cục Chăn nuôi, hàng năm ngành chăn nuôi thải ra khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn, nhưng phần lớn không được xử lý, hoặc xử lý chưa triệt để trước khi thải ra môi trường. Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 75% các hộ gia đình ở nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh và 18.000 trang trại chăn nuôi có hệ thống quản lý chất thải. Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới xây, lắp được khoảng 500.000 hầm khí sinh học.

Qua khảo sát tại 10 tỉnh tham gia dự án LCASP, chúng tôi thống kê được khoảng 263.000 hộ chăn nuôi có trên 10 đầu lợn hoặc gia súc tương đương nhưng chưa có hầm khí sinh học. Vì thế, nhu cầu trong dân là rất lớn. Dự án LCASP đặt mục tiêu xây, lắp 36.000 hầm khí sinh học quy mô nhỏ. Đến thời điểm này, các địa phương đã thực hiện được khoảng 70% kế hoạch của cả giai đoạn 2013-2018. Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đề xuất với phía đối tác là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng chỉ tiêu về số lượng hầm biogas lên 50.000 hầm. 

Phía ADB không có ý kiến gì. Như vậy sẽ có thêm 14.000 hộ dân nhận được hỗ trợ từ dự án LCASP khi xây dựng hầm biogas. Qua kiểm tra, đánh giá, dự án nhận thấy các công trình khí sinh học quy mô nhỏ đem lại hiệu quả rất tốt đối với người dân. Bởi quy mô chăn nuôi của Việt Nam khá nhỏ lẻ (từ 10-15 con/hộ) và thường xen lẫn khu dân cư. Họ lắp đặt một hầm khí sinh học khoảng 9 m3 là hợp lý. Ngoài giải quyết bài toán môi trường, khí gas sinh ra được dùng để đun nấu phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình.

Có một hộ dân ở Hà Tĩnh nói với tôi rằng: “Ngày trước, bao giờ giá lợn cao thì tôi nuôi. Còn khi giá xuống thấp tôi không nuôi nữa. Nhưng từ khi có hầm biogas, kể cả thời điểm giá thịt lợn chạm đáy, chúng tôi vẫn nuôi 4-5 con lợn để tận dụng thức ăn thừa của gia đình và lấy khí gas đun nấu. Như thế đỡ phải chi phí mua thêm gas, củi”. Vậy là phân lợn đã trở thành chính phẩm trong chăn nuôi chứ không phải phụ phẩm nữa. Tuy nhiên, đối với những trang trại quy mô vừa và lớn, chủ trại xây những hầm khí sinh học có dung tích vài chục, vài trăm thậm chí hàng nghìn m3, lượng khí gas sinh ra là rất lớn. Điều đáng lo là chúng ta chưa có biện pháp để sử dụng hết lượng khí gas khổng lồ này.

Vừa rồi tôi đến thăm một trang trại ở Hà Tĩnh, đầu tiên họ xây một hầm 49 m3, sau đó làm thêm 2 hầm phủ bạt HDPE (250 m3 và 300 m3). Thiết bị sử dụng khí gas sinh ra chỉ là 2 bếp nhỏ để đun nhấu cho 15 công nhân (về lý thuyết, chỉ cần một hầm 49 m3 là đủ), còn lại họ nói là đốt bỏ. Nhận định tổng thể là mô hình này rất ô nhiễm: 600 m3 hầm không đủ công suất xử lý phân của 4.500 con lợn. Đồng thời khí gas từ các hầm này không sử dụng gây lãng phí nguồn hữu cơ, thải khí mê tan ra ngoài môi trường sẽ gây hiệu ứng khí nhà kính, gấp 23 lần so với khí CO2 sinh ra khi lên men hiếu khí. Như vậy, hầm khí sinh học của trang trại trên tuy giảm được ô nhiễm mùi nhưng lại tăng ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Ở các nước phát triển, khi xây dựng những công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn, họ có biện pháp xử lý khí gas dư thừa bằng cách chạy các máy phát điện rồi đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia để kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam phương án này khó khả thi bởi đa số người dân sử dụng nguồn điện từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện do giá thành thấp (được nhà nước trợ giá). Vừa qua, đoàn công tác của BQL dự án đã sang Trung Quốc để tham khảo một số mô hình khí sinh học.

Họ đầu tư các hệ thống sử dụng khí gas để chạy máy phát điện, ép khí gas vào bình để dễ vận chuyển đến các hộ dân hoặc ép vào bình để chạy xe ô tô. Tuy nhiên, những công nghệ đó cần có thiết bị lọc khí H2S. Vì nếu không được lọc, khí H2S sẽ trở thành axit sunfuric ăn mòn kim loại trong máy rất nhanh. Thông thường, giá 1 hệ thống sử dụng khí ga quy mô lớn hoàn chỉnh bao gồm thiết bị lọc khí H2S lên tới 1- 2 triệu đô la Mỹ. Như vậy, chi phí đầu tư quá lớn nên hiện tại không khả thi đối với những trang trại của Việt Nam.

Từ những dữ liệu trên có thể thấy rằng, biện pháp khí sinh học không thể là giải pháp chính để xử lý môi trường chăn nuôi, đặc biệt là những trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Bởi chúng ta chưa hình thành được thị trường khí gas để có thể sử dụng hết lượng khí gas sinh ra. Do vậy, không nên khuyến cáo người dân làm hầm khí sinh học tương ứng với quy mô chăn nuôi và chỉ nên khuyến cáo dân làm hầm khí sinh học tương ứng với nhu cầu sử dụng khí gas.

TS NGUYỄN THẾ HINH 

Giám đốc BQL dự án các bon thấp TƯ.

Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây