Doanh nghiệp đã vào cuộc cùng dự án LCASP phát triển chuỗi quản lý chất thải chăn nuôi hiệu quả

Ngày đăng: 28/12/18  |  Đã xem: 3061

Mở đầu

Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) không chỉ triển khai các công nghệ để xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi, nâng cao nguồn nhân lực, mà còn rất quan tâm tới phát triển chuỗi giá trị. Dự án biết rằng các công nghệ chỉ thành công và nhân rộng vào thực tiễn bền vững nếu các công nghệ ấy mang lại các lợi ích tổng hợp, đặt biệt đối với người dân nói chung, người nghèo nói riêng thì lợi ích kinh tế có sức hấp dẫn hơn cả.

Để minh chứng cho mục đích nêu trên, Ban quản lý dự án LCASP đã tìm kiếm các cơ hội, các đối tác, trong đó có các doanh nghiệp để cùng chung sức phát triển chuỗi tiêu thụ chất thải chăn nuôi cho các gia trại & trang trại chăn nuôi.  Tháng 06/2018, Ông Nguyễn Thế Hinh, Giám Đốc dự án LCASP đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với Tập Đoàn Quế Lâm để phối hợp, nghiên cứu phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và sự hợp tác này đã được thực hiện hiệu quả.

2. Chuỗi quản lý chất thải chăn nuôi hiệu quả với sự đồng hành của doanh nghiệp cùng dự án LCASP tại tỉnh Sơn La

Trang trại chăn nuôi bò của ông Nguyễn Thạch Lỏi, Tiểu Khu 67 Thị trấn Nông trường Mộc Châu có diện tích 12 ha trong đó khoảng 2 ha làm chuồng trại, hầm biogas, khu ủ phân và nhà làm việc, sinh hoạt, còn 10 ha trồng cỏ (3 ha) và ngô (7 ha) để làm thức ăn chăn nuôi bò. Trang trại của ông Lỏi có 200 con bò, trong đó trên 70% là bò sữa và 30% là bê con. Trước khi tham gia mô hình của dự án LCASP, trang trại vô cùng ngột ngạt, chất thải chẩy lênh láng, nước thải  đưa vào hầm KSH dung tích 500 m3, khí ga chủ yếu xả bỏ ra môi trường, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù đã có hầm KSH cỡ lớn, nhưng hiệu quả quản lý môi trường của trang trại rất kém. Được biết dự án LCASP tỉnh Sơn La có đào tạo phương pháp quản lý chất thải chăn nuôi toàn diện theo mô hình của dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp. Ông đã tham gia và đã được lắp đặt một máy tách ép phân trục vít, công suất 15m3/h của hãng Bauer (Áo)

Hàng ngày,  máy tách phân hoạt động  2,5 - 3 tiếng, phân sau khi tách ép được rắc men vi sinh thì chỉ sau 1 tháng là phân hoàn toàn hoai mục. Mỗi tháng gia đình ông thu được 50 tấn phân đã hoai mục. Nhờ có máy tách ép phân, nước thải ra trong hơn, hầm biogas không bị quá tải nữa, đã giảm xả gas ra môi trường. Nước xả sau biogas được sử dụng tưới cho 10 ha cây trồng xung quanh (ngô, cỏ voi, cây ăn quả...). Nhờ vậy, mỗi năm ông cũng giảm được 70% lượng phân bón hóa học (bón cho 7 ha ngô), đã giảm được 30% thức ăn cho bò. Tuy nhiên mùi hôi và ô nhiễm của trang trại vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, vì nơi đây nuôi 70 con bò con, phân của bò con thường có mùi tanh khó chịu, ông thường dùng rơm làm nền chuồng cho bò con, cứ 7-10 ngày phải thay một lần.

Thực hiện văn bản hợp tác với dự án LCASP về phát triển nông nghiệp hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, Tập đoàn Quế Lâm đã tiến hành hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi theo chuỗi tại tỉnh Sơn La nói chung và trực tiếp tại trang trại nhà ông Lỏi nói riêng. Tất cả các phân sau ép, nước thải sau biogas được xử lý men vi sinh của tập đoàn, đặc biệt đã thay nền nuôi bò bằng phụ phẩm của lõi ngô rắc men vi sinh nên mùi tanh hôi đã hầu như được khống chế. Ngày 20/ 12/2018, Tập đoàn Quế Lâm đã cùng chuyên gia Nhật Bản đã kiểm tra mùi hôi bằng máy đo NH3 và H2S và ghi nhận chỉ từ 6 - 7 ppm, các chuyên gia hết sức ngạc nhiên về tác động của các giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi toàn diện tại trang trại. Đoàn thăm quan của tỉnh Sơn La, dẫn đầu là Bí Thư tỉnh ủy, cùng Phó Chủ tịch Tỉnh phụ trách nông nghiệp và trên 35 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các sở ban ngành của tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu đã thăm quan trang trại cũng đánh giá rất cao sự hợp tác của các bên trong quản lý môi trường chăn nuôi hiệu quả toàn diện. Một tin vui hơn nữa: Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết đặt mua phân sau ép với giá 2.000 đồng/kg của trang trại, ông Lỏi cho biết đã thu được 100 triệu đồng/tháng, một năm thu được 1,2 tỷ nhờ có máy tách ép phân và có đầu ra ổn định.

Doanh nghiệp đã vào cuộc cùng dự án LCASP trong việc triển khai thực hiện các giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi toàn diện theo chuỗi đã mang lại hiệu quả đích thực tổng hợp cho người dân Sơn La. Chúng tôi dám chắc rằng tỉnh Sơn La nói chung, Mộc Châu, một thị trấn phát triển chăn nuôi lớn nói riêng sẽ phát triển du lịch sinh thái thành công, bền vững nếu nhân rộng các mô hình đã thành công của dự án LCASP, họ sẽ đạt được hầu hết các mục tiêu trong phát triển nông thôn mới, đặc biệt là mục tiêu về quản lý môi trường bền vững. Trên đường về, nhìn những cây đào đang lác đác nở hoa chuẩn bị cho một năm mới, năm 2019, chúng tôi mong ước và đầy hy vọng về Mộc Châu, nơi sẽ là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Việt Nam với môi trường sạch, đẹp với nhiều hoa quả thơm, sữa ngọt hữu cơ phục vụ cho người dân Việt Nam.
 
SL1
 
SL2
 
SL3

SL5

SL6

SL7

SL8
 
SL11
 
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây