Xây dựng các chính sách về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam

Ngày đăng: 23/10/17  |  Đã xem: 4129
Sáng nay ngày 17/10/2017 Tại TP Hạ Long , Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Ban quản lý các Dự án nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Định hướng và đề xuất xây dựng các chính sách về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

Theo số liệu thống kê (2016) ước khoảng 88 triệu tấn chất thải chăn nuôi, trong đó chất thải từ lợn, gia cầm và gia súc tương ứng 30,1%, 30% và 38,4%  và chất thải từ các động vật khác chiếm 1,5%. Số hộ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi năm 2016 mới chỉ đạt khoảng 53% (2,2 triệu hộ).

Kết quả từ báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng cho thấy sau gần 20 năm triên khai thực hiện cả nước có khoảng  467.231 công trình KSH ở các quy mô khác nhau (trong đó bộ NNPTNT quản 248.284 công trình)  đã được xây dựng, đóng góp rất lớn cho giảm phát thải KNK (ước khoảng 3,18 triện tấn CO2-e/năm). Tuy nhiên bên cạnh những điểm tích cực mà các công trình KSH mang lại thì những mặt hạn chế của các công trình này cũng cần được nhìn nhận và khắc phục.
 

nuoi lon 1508214084
Khoảng 88 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra môi trường mỗi năm
 

Nghiên cứu hiệu quả kinh tế của các công trình khí sinh học của Ông Nguyễn Thế Hinh - Giám đốc dự án Lcasp được trình bày tại hội thảo cho thấy, Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ dưới 50 con lợn, việc đầu tư các hầm bioga quy mô nhỏ đem lại hiệu quả tốt về cả kinh tế, xã hội và môi trường: hầm bioga giúp người dân tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giúp môi trường chăn nuôi sạch sẽ, không ruồi muỗi, hôi thối. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn trên 50 con lợn, hiệu quả xử lý môi trường của các hầm bioga có rất nhiều điểm hạn chế, và đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi lớn đến vài ngàn con lợn, các hầm bioga nhiều khi đem lại hiệu quả tiêu cực về cả kinh tế, môi trường và xã hội.

Đối với nhóm hộ chăn nuôi từ 50 con lợn trở lên, một số hộ xây hầm bioga có quy mô lớn hơn 20 m3 . Ở quy mô này, các hộ bắt đầu thừa khí ga so với nhu cầu của gia đình. Có rất nhiều cách khác nhau để xử lý khí ga thừa như chia sẻ cho hàng xóm, nấu cám. nấu rượu, chạy máy phát điện, thắp sáng,... Tuy nhiên, đa số các cách trên đều chưa thực sự hiệu quả vì lý do nhu cầu sử dụng khí ga đun nấu có hạn, các công nghệ phát điện, thắp sáng,... còn có giá thành cao, chuỗi giá trị khí sinh học còn chưa phát triển ở nước ta.

Đối với rất nhiều trang trại lớn, biện pháp chủ yếu là xả khí ga thừa ra ngoài môi trường, Mặc dù có nhiều hộ trang bị đầu đốt khí ga thừa nhưng nhiều người vẫn e ngại khi sử dụng vì một số vụ hỏa hoạn đã xảy ra dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho các trang trại. Việc người dân không sử dụng được khí ga là nguyên nhân gián tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả xử lý môi trường của công nghệ khí sinh học. Các chủ trang trại đầu tư rất nhiều tiền làm các hầm bioga quy mô lớn để được phép chăn nuôi nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế đủ bù đắp chi phí vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hầm bioga này. Mặt khác, do các quy định về quản lý môi trường chăn nuôi theo QCVN 62-MT: 2016/BTNMT khá cao dẫn đến hầu hết các trang trại đều phải nộp phạt vì không thể đáp ứng được. Do vậy, các chủ trang trại thường chọn phương án đầu tư hầm bioga một cách hình thức để được phép chăn nuôi, còn lại rất hạn chế bỏ ra các chi phí vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa. Điều này dẫn đến rất nhiều hầm bioga quy mô lớn trở thành nguồn ô nhiễm thứ cấp cho môi trường xung quanh, thậm chí còn làm ô nhiễm nghiêm trọng hơn là không có hầm bioga.

Xuất phát từ những phân tích ở trên, Hội thảo đã đề xuất các chính sách để tiếp tục kêu gọi Chính phủ và các nhà tài trợ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ xây lắp hầm bioga nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao sinh kế hộ nghèo và thực hiện thành công mục tiêu của NDC 2021-2030;

Không khuyến khích các chủ trang trại làm hầm bioga quy mô lớn khi không có nhu cầu sử dụng hết khí ga, thay vào đó, cần có quy định cho các chủ trang trại sử dụng chất thải chăn nuôi để ủ phân compost làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ; Đầu tư kinh phí để nghiên cứu các công nghệ và quy định về chăn nuôi giúp giảm lượng nước sử dụng trong chăn nuôi; Hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thu gom xử lý chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; Chính sách quốc gia về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, đồng thời  hỗ trợ việc mở rộng sản xuất và thương mại các sản phẩm  nông nghiệp hữu cơ.

Hội thảo cũng khuyến nghị xem xét quy định các tiêu chuẩn trong QCVN 62-MT: 2016/ BTNMT cho phủ hợp và có tính khả thi trong thực tế. 

Hội thảo đã cung cấp các thông tin khoa học về hiện trạng chính sách quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi; hiệu quả kinh tế, môi trường (giảm phát thải KNK) của một số loại hình xử lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam, thương mại hoá phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, cũng như các giải pháp và Định hướng chính sách về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi phù hợp với điều kiện Việt Nam.

http://thuonghieucongluan.com.vn
Tin khác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây