Công trình khí sinh học là giải pháp tốt để giải quyết bài toán môi trường chăn nuôi
Là thành viên của Hội Chăn nuôi lợn sạch huyện Tân Yên (Bắc Giang), trang tại nuôi lợn kết hợp thả cá của ông Trần Công Thịnh lúc nào cũng hiện diện khoảng 180 - 200 đầu lợn thịt. Tuy nhiên, chủ trại chỉ đầu tư lắp một hầm biogas dung tích 9 m3 từ 7 năm trước. Khoảng 50% phân thải được vợ chồng ông hót và bán cho những hộ nuôi cá, còn lại đổ xuống 4 cái ao rộng khoảng 3 mẫu của gia đình.
Theo quan sát của phóng viên, khu ao nuôi của gia đình ông Thịnh có màu rất đục, chứng tỏ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Mấy năm trước, thanh tra môi trường cũng đã từng đo nguồn nước tại trang trại của ông và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xả thải nguồn nước gây ô nhiễm ra môi trường cộng đồng. Tuy nhiên sau đó, quyết định này bị hủy bỏ vì gia đình ông Thịnh kháng cáo với lý do, tuy nguồn nước bị ô nhiễm nhưng được lưu lại trên khu đất thuộc sở hữu của gia đình, và lượng nước thải ra môi trường chưa vượt ngưỡng cho phép.
Ông Thịnh chia sẻ, nếu BQL dự án LCASP tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xây hầm biogas cỡ vừa và lớn (từ 10 – 20 triệu đồng), ông sẽ đăng ký ngay. Rời nhà ông Thịnh, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Ngọc Yên, xã Cao Xá, huyện Tân Yên để mục sở thị chiếc hầm biogas dung tích hơn 48,9 m3 (mẫu hầm biogas lớn nhất, thuộc phân khúc công trình khí sinh học cỡ nhỏ), được dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình.
Bà Lương cho biết, hầm hoạt động tốt, nhưng chỉ xử lý được phân thải cho gần 100 con lợn. Trong khi đó, tổng đàn lợn của gia đình luôn ở mức 200 con. Như vậy, lượng phân thải thừa một nửa. Bà đang tính xây thêm một chiếc hầm như vậy nữa. Nhưng giá như ngay từ đầu có một chiếc hầm cỡ vừa, khoảng 100 - 150 m3 thì gia đình bà đỡ phải đầu tư nhiều lần.
Thân thiện môi trường
Ông Nguyễn Quang Điểm, kỹ thuật viên dự án LCASP tỉnh Bắc Giang phụ trách huyện Tân Yên chia sẻ, mấy năm gần đây, khi phong trào mở trang trại nuôi lợn phát triển rầm rộ ở Tân Yên, nhiều hộ đã “bạo tay” xây dựng hầm biogas cỡ vừa và lớn. Điển hình như trang trại nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Tuyến (thôn Suối Dài, xã Ngọc Vân), nuôi gia công cho một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và cung ứng giống.
Trong chuồng nuôi luôn có 2.000 đầu lợn. Để xử lý lượng phân thải khổng lồ này, bà đã đào một cái ao rộng khoảng 2.000 m2, sau đó láng bê tông dưới đáy để ngăn thấm nước rồi phủ bạt thật kín để tạo thành một cái túi khổng lồ. Khi nạp phân thải một thời gian, chúng sẽ lên men và khí mê tan sẽ sinh ra, đẩy chiếc túi bạt phồng lên. Tại lỗ thoát khí, gia chủ lắp đặt một đầu van tổng, có thể chia ra nhiều đường ống khác nhau.
Vì không sử dụng hết lượng khí gas từ bể biogas, bà đã chia sẻ nguồn khí đốt cho rất nhiều hộ gia đình cùng sử dụng để đun nấu và thắp đèn gas. Như vậy, không chỉ trang trại chăn nuôi của bà được hưởng lợi mà các hộ dân lân cận cũng được hưởng cùng. Giống như bà Tuyến, môi trường tự nhiên xung quanh trang trại của ông Khiêm (quy mô 3.000 con lợn) ở xã Lam Cốt, huyện Tân Yên cũng được bảo vệ tương đối tốt nhờ chiếc túi khí biogas khổng lồ dung tích chứa 3.000 m3. Mỗi ngày, lượng khí gas phát sinh từ hầm biogas là rất lớn, nếu để nó bay lên trời thì sẽ rất nguy hiểm. Ông đã nối dây dẫn đến các hộ dân lân cận để họ sử dụng nguồn nhiên liệu này.
Ông Điểm cho biết thêm, ở Tân Yên, cá biệt có trang trại của gia đình ông Sang ở xã Ngọc Châu nuôi gần 10.000 đầu lợn mỗi lứa, quy mô lớn nhất tỉnh. Hệ thống hầm chứa biogas của ông được xây ngầm bằng gạch, mỗi hầm có dung tích khoảng 120 m3, kết nối với nhau bằng đường dẫn. Do lượng phân thải quá lớn, khí gas sinh ra nhiều nên ông Sang đã đầu tư hẳn máy phát điện từ khí gas để vận hành hệ thống quạt gió trong các chuồng nuôi và máy bơm công suất lớn để phục vụ rửa chuồng thường nhật. Mô hình này giúp ông tiết kiệm hàng chục triệu đồng/tháng vì không phải mua điện của nhà nước.
MINH PHÚC - TRUNG HÀ